Dân miền Bắc sợ mất ruộng
Sống ở làng nên tôi hiểu tâm tư và nguyện vọng của nông dân. Năm 1988 chia đất, nhà tôi có 7 người, mỗi người được 1,1 sào, xấu tốt, gần xa đều có, tổng cộng đến 10 thửa. Manh mún thế thì tích tụ thế nào? Bài toán đến hôm nay vẫn còn mắc. Thế giới có tích tụ ruộng đất chứ không có kiểu dồn ghép ruộng đất như ở ta. Cái mà ta gọi là tích tụ hiện nay chỉ là dồn ghép.
Nếu ở miền Nam sẽ chẳng phải bàn nhiều chuyện tích tụ, miền Bắc lại khác. Tôi xin kể chuyện này, năm 1997 khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường lúc đó thấy ruộng đất manh mún quá nên muốn dồn ghép. Điều đó hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên cách thức tiếp cận thế nào? Thường vụ Tỉnh ủy ngồi nghe đề án dồn ghép của Vĩnh Tường, báo cáo nói đã được hơn 20% rồi nên thấy “ngon” quá mới quyết dồn ghép nốt rồi phát động trên phạm vi toàn tỉnh để 2 năm sau cơ bản sẽ xong.
Kinh nghiệm năm 1988 chia ruộng theo Nghị quyết 10 một phát là xong hết nên ai cũng hi vọng chuyện dồn ghép này cũng thế. Vĩnh Tường quyết tâm, Thường vụ Tỉnh ủy quyết tâm nhưng mình tôi (lúc đó là Trưởng ban Tổ chức) có ý kiến khác, là sẽ thất bại.
Cơ sở nào? Thứ nhất là sự tập trung chỉ đạo từ trên xuống thiếu, không như thời điểm chia lại ruộng đất theo khoán 10. Nông nghiệp năm 1997 - 1998 cũng không phải là nhiệm vụ trọng tâm như những năm 1988 - 1992 khi cả nước đang dồn sức.
Thứ hai là cơ quan trực tiếp làm những cái đó không có. Vì thời điểm 1988 - 1992 còn nguyên hệ thống các HTX cũ. HTX lúc ấy “oai” hơn ủy ban nhiều. Chủ nhiệm HTX “oai” hơn chủ tịch xã. Đội trưởng “oai” hơn trưởng thôn.
Chính bởi thế mà HTX lúc đó tham gia vào việc chia lại ruộng đất. Nhưng đến năm 1997 - 1998, HTX sa sút nên không có năng lực để thực hiện việc dồn ghép ruộng đất. Trong khi đó, anh chủ tịch xã mới lại chưa hiểu gì về quản lý. Người trực tiếp làm không có, chỉ đạo thì dàn trải nên khó mà thực hiện được.
Cái thứ ba, quan trọng nhất là dân không đồng thuận. Nông dân miền Bắc rất sợ chia lại ruộng. Ruộng tôi đang thâm canh tốt rồi hai ba năm sau lại phá ra chia lại, không thể yên tâm đầu tư lâu dài. Với ba lý do đó tôi khẳng định là việc dồn ghép không thành công. Năm 2001 - 2002 Vĩnh Phúc cũng đưa ra chuyện dồn ghép ruộng đất nhưng đến bây giờ không thấy nói đến nữa.
Y như rằng đúng hai năm sau đề án thất bại hoàn toàn. Từ đó tôi thấy chuyện tích tụ ruộng đất lần này phải hoàn toàn tự nguyện, phải được lòng dân.
Vậy thì phải làm sao? Phải có sự tham gia của doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường, sống chết vì thương hiệu đó. Trước khi nghỉ hưu tôi có mời Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn lên giúp Vĩnh Phúc xây dựng một đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Từ hình thức sơ khai nhất là dồn ghép đã thất bại chứ chưa nói đến tích tụ ruộng đất. Sản xuất nông nghiệp không thể hiệu quả nếu cứ manh mún như thế này nhưng theo tôi dồn ghép ruộng đất cũng không ổn. Ruộng to để làm gì? Kể cả mỗi hộ nông dân có một thửa ruộng cũng không thể làm nên cái gì bởi đầu ra ai lo cho? Được mùa mất giá rồi mất mùa được giá vẫn tiếp diễn. |
Loay hoay bàn mãi không biết trồng cây gì, nuôi con gì nên tôi mới bảo đừng làm cái gì cả. Số một bây giờ là phải tích tụ đất đai. Tái cơ cấu nông nghiệp mà không có sự tham gia của doanh nghiệp là không xong. Xuyên suốt quá trình tái cơ cấu phải là doanh nghiệp.
Lúc ấy, anh Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup có liên lạc với tôi và bảo: “Bạn bè em nhiều thằng chết oan vì ung thư nên em rất mong muốn tham gia vào làm nông nghiệp sạch”. Tôi nói luôn: “Tôi biết điều đó. Tôi cần chú là cần ở thương hiệu và tin rằng chú sẽ làm được”.
Anh Vượng hỏi: “Tỉnh anh đất nông nghiệp có bao nhiêu?”. Tôi đáp: “40.000ha”. Anh Vượng nói: “40.000ha thì em làm được. Em sẽ xây dựng một hệ thống siêu thị ở 63 tỉnh thành để đưa rau sạch, thực phẩm sạch vào”.
Tôi nói với Vượng rằng: “Chú hãy làm trước 500ha rau sạch đã”. Hiện Vineco (trực thuộc Vingroup) đã ra được sản phẩm theo công nghệ nhà lưới của Israel. Vineco chỉ là mô hình ban đầu, là doanh nghiệp khởi động. Tích tụ ruộng đất vẫn cần các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX kiểu mới và các nhóm hộ tham gia. Họ sẽ tự tính toán nhu cầu của thị trường bao nhiêu, cần chủng loại gì để đáp ứng.
Muốn hạ giá thành sản phẩm, năng suất cao, chất lượng tốt thì phải tích tụ đất đai, phải đưa máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ vào. Không thể dàn hàng ngang hàng triệu hộ nông dân ra mà tiến… Miền Nam có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, có những hộ đất rộng năm, ba hecta là chuyện thường. Người nào không làm được nông nghiệp thì họ sẵn sàng chuyển nhượng. Đấy là quy luật kinh tế, là bản chất của cơ chế thị trường.
Nhưng miền Bắc từ hàng ngàn năm nay ở đây thiên tai địch họa nhiều trong khi ruộng đất lại ít nên đã hình thành tư duy làm gì thì làm nhưng vẫn chưa mấy tin tưởng: “Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ”. Dân miền Bắc rất sợ mất ruộng thì tích tụ thế nào? Tất nhiên là cũng có nhưng không nhiều và tùy nơi.
Nhà nước đứng giữa làm tin
Nếu mua đất để tích tụ thì kể cả giàu như Vingroup cũng không làm được (mà mua được cũng phải 70 - 80 năm sau mới thu hồi được vốn vì sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao).
Sản xuất nhỏ muôn đời nghèo khó
Nhiều người miền Bắc kể cả không làm được ruộng nhưng cũng nhất định không chịu bán. Cách nào để người dân sẵn sàng đưa đất cho doanh nghiệp? Cách nào để đôi bên có lòng tin với nhau? Cách nào để doanh nghiệp không phải mất tiền mua đất mà vẫn thuê được trong thời hạn 20 - 40 năm còn nông dân cho thuê mà không sợ bị mất?
Vậy thì ai đứng giữa? Chỉ cần nhà nước đứng ra đảm bảo là sào ruộng góp vào xứ đồng này dù 100 năm sau vẫn là bìa đỏ của ông bà, có nhà nước đứng ra làm chứng cho chuyện đó. Dù khi cho thuê có phá bờ đi nhưng trên bản đồ rải thửa của ông bà vẫn ở vị trí này nhưng nếu đang cho thuê mà đòi lại trước thời hạn là nhất định không được…
Sẽ có các ông chủ đất mới. Những ông chủ thành thạo nông nghiệp và đam mê chứ không phải tích tụ để chơi. Năng lực sản xuất giờ đang kém nên hạn điền 2 hay 3ha có thể phù hợp nhưng thời gian nữa sẽ quá lạc hậu. |
Một lý do nữa khiến nông dân không dám rời đất là do họ không có việc làm. Giải quyết công ăn việc làm cho nông dân bằng cách đưa công nghiệp, dịch vụ, du lịch về, bằng cách xuất khẩu lao động thì họ sẵn sàng cho thuê đất ngay.
Doanh nghiệp trả tiền thuê đất theo thỏa thuận, lấy giá thóc làm mặt bằng thì mới yên tâm đầu tư nhà kính, nhà lưới, đưa máy móc vào. Nông dân sau khi cho thuê đất có thể quay lại làm công cho chủ mới hoặc đi làm nơi khác. Nhà nước phải đứng ra bảo lãnh tất cả những thứ này bằng thủ tục, bằng luật pháp chứ không phải bằng tiền.
Không có bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất thì ta làm bìa xanh, bìa tím hay bìa vàng để xác nhận việc cho thuê lâu dài (Vingroup đang bàn thuê đất tới 40 năm). Những người dân thuê đất của nhau để sản xuất cũng nên làm thế, phải đứng ra bảo lãnh cho họ.
Nhà nước phải có thông tư hướng dẫn về việc cho thuê đất, thủ tục giấy tờ ra sao. Ta đang có thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp đất nông nghiệp nhưng lại không có cho thuê. Doanh nghiệp không làm được chuyện này, nông dân không làm được việc này mà phải là nhà nước.
Phải phân cấp tỉnh làm cái gì, huyện làm cái gì, xã làm cái gì. Bìa chứng nhận việc cho thuê đất không phải do tỉnh cấp mà ủy quyền cho huyện, thậm chí xã cấp. Dân không có những thứ đó không bao giờ tin vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có những thứ đó đừng hòng gom được đất của dân. Đang sản xuất mà tự dưng có người ra đòi lại đất thì chết à?
Không làm được những thứ đó sẽ không bao giờ có tích tụ đất đai, có năng suất lao động, có hiệu quả kinh tế cao, càng không bao giờ có sản phẩm cạnh tranh được. Còn như bây giờ với hiện trạng manh mún một thửa ruộng một hộ, luật pháp cho tôi quyền có thể làm gì tùy thích ở trên đất. Ông trồng rau thì tôi trồng hành. Ông trồng hành thì tôi trồng dưa. Ông trồng dưa thì tôi trồng lúa… Ruộng đồng thành ra hàng trăm thửa ngay. Không gỡ được chuyện này thì không làm gì được.
Tại sao hiện nay không hình thành được sàn giao dịch đất nông nghiệp? Vì nông dân lấy đâu ra tiền? Người có nhu cầu tích tụ đất cũng không thể có tiền mà mua. Mỗi sào ruộng ở quê tôi giờ đang 100 - 120 triệu. Làm gì ra 100 - 120 triệu? Phải sản xuất trong 70 năm mới có thể thu hồi vốn. Bởi thế nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ ruộng sang đô thị, sang dịch vụ thì người ta mới mua còn để từ nông nghiệp sang nông nghiệp không mấy ai muốn. Thuê lâu dài chính là cách hay nhất.
PHÙNG QUANG HÙNG
(Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc)