| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục việc thiếu mã số thuế cho HTX nông nghiệp

Thứ Ba 20/12/2022 , 06:00 (GMT+7)

Do không có mã số thuế, doanh nghiệp không thể thực hiện các giao dịch tài chính với HTX Đặng Xá mà phải chi trả tiền trực tiếp cho từng hộ nông dân.

z3969130640763_024c7ad91a5fed6d1c83ca5de3619661

HTX Đặng Xá có 120ha được chứng nhận rau an toàn và 37ha đạt chứng nhận VietGAP. Ảnh: Q.L.

Với vị trí nằm cạnh sông Đuống, HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) có lợi thế lớn trong canh tác rau ăn lá nhờ lượng phù sa màu mỡ. Tuy các sản phẩm của HTX luôn đảm bảo chất lượng an toàn nhưng vào thời điểm trước năm 2012, HTX Đặng Xá gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm khi không thể ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp, siêu thị.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX Đặng Xá cho biết, HTX được thành lập trong giai đoạn 1996 - 2000 nên hiệu quả hoạt động thấp, cán bộ HTX chưa nắm bắt đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật nên chậm trễ trong việc đăng ký mã số thuế. Do đó, các doanh nghiệp không thể thực hiện các giao dịch tài chính và thuế với HTX mà phải chi trả tiền trực tiếp cho từng hộ nông dân.

Để khắc phục khó khăn trên, hướng đến mở rộng diện tích canh tác và xây dựng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, xã Đặng Xá đã thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất làm cầu nối giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp như HTX Tùy Anh, HTX Kết nối cung cầu Gia Lâm,… còn HTX Đặng Xá duy trì chức năng quản lý sản xuất, giới thiệu, kết nối với các đơn vị thu mua.

Nhờ đó, các sản phẩm sạch của HTX Đặng Xá đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, WinMart, cùng các bếp ăn tập thể và chợ đầu mối lớn của nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Với tổng diện tích khoảng 135ha canh rác rau, củ các loại, HTX Đặng Xá cung ứng cho các thị trường từ 50 - 100 tấn rau, củ sạch mỗi ngày, các sản phẩm chủ lực gồm: bắp cải, cà chua, đỗ, bí, cải thảo,…

Hiện nay, HTX đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu Đặng Xá, sản xuất rau an toàn theo mô hình liên kết 3 nhà: nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh nông dân trồng rau an toàn và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đặng xá

Mô hình liên kết 3 nhà đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX Đặng Xá. Ảnh: Q.L.

Để đạt được mục tiêu này, HTX đã xây dựng mô hình hệ thống giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng (PGS), bao gồm xác định cơ cấu, xây dựng cơ chế, chứng nhận, xử lý vi phạm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. HTX thành lập 15 nhóm, mỗi nhóm có sự tham gia giám sát của người sản xuất, hợp tác xã, đơn vị thu mua và cơ quan quản lý Nhà nước.

Hàng tháng, HTX xây dựng kế hoạch và phân công công việc cho các nhóm. Các nhóm tự quyết định số lượng và sản phẩm dựa trên khả năng cung cấp của từng hộ. Các nhóm được tập huấn, ghi chép nhật ký trồng rau và thanh tra chéo sản phẩm. Bên cạnh đó, toàn bộ xã viên HTX Đặng Xá đã được tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, từ khi áp dụng tiêu chuẩn PGS trong canh tác rau nhờ hợp tác giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp đã giúp hai bên đạt được cả hai mục tiêu về chất lượng và sản lượng trong quản lý rau an toàn.

“Điều này còn tạo ra một thói quen tiêu dùng văn hóa giúp người tiêu dùng có niềm tin về chất lượng rau an toàn và yên tâm sử dụng hàng ngày. Đây là thành công lớn trong việc kết nối, tạo chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại Hà Nội”, ông Mạnh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Chung, thành viên HTX Đặng Xá hiện đang canh tác 5 sào rau ăn lá các loại như cải ngồng, bắp cải, hành lá,… chia sẻ, nhờ được doanh nghiệp ký kết thu mua, gia đình bà Chung đạt lợi nhuận khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào/năm.

"Nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng rau an toàn bằng phân hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng tiêu chuẩn PGS, việc tiêu thụ các sản phẩm rau ăn lá của gia đình được thuận lợi hơn hẳn, nhờ đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Chung cho biết thêm.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn về trồng rau an toàn, bà Chung cũng thường xuyên cập nhật những kiến thức trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh từ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Gia Lâm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.