| Hotline: 0983.970.780

Khách hàng bị tịch thu xe khi đến trả lãi cho ngân hàng

Thứ Năm 30/09/2021 , 07:45 (GMT+7)

Trong đơn kêu cứu, một khách hàng cho rằng bản thân bị bắt chẹt, ép buộc trả toàn bộ gốc lẫn lãi khi chưa đến hạn.

Chiếc Peugeot 5008 của anh Lê Hồng Lưu bị ngân hàng thu giữ hôm 10/9/2021 tại khu đô thị Times City (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Chiếc Peugeot 5008 của anh Lê Hồng Lưu bị ngân hàng thu giữ hôm 10/9/2021 tại khu đô thị Times City (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Bị cẩu xe khi đang nộp tiền

Ông Lê Hồng Lưu gửi đơn kêu cứu đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, trình bày về việc ngày 10/9/2021 bị nhân viên của một ngân hàng thuê người cẩu xe đi trong lúc ông này đang nộp tiền vào ngân hàng để trả nợ theo định kỳ.

Theo đơn của ông Lưu, ngày 10/9/2021, ông Lưu ra quầy ngân hàng để nộp 17,5 triệu đồng cho ngân hàng. Đây là số tiền phải trả gồm gốc, lãi và tiền phạt do nộp chậm, theo hợp đồng vay vốn mua ô tô Peugoet 5008 biển kiểm soát 30G19123 giữa ông Lưu và ngân hàng.

Ông Lưu trú tại KĐT Times City , phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ quầy giao dịch của ngân hàng đi ra, ông Lưu phát hiện xe đã biến mất. Sau đó, người đàn ông tên Kiên nhắn tin cho ông Lưu: "Bên thu hồi nợ của ngân hàng thu giữ và cẩu xe của anh đi rồi".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu nói bản thân khi đó "vô cùng phẫn uất" vì đây là xe mua từ khoản vay 700 triệu đồng của ngân hàng, thời hạn vay 60 tháng kể từ tháng 6/2020.

Khách hàng nói việc trả nợ góp hàng tháng số tiền 17,5 triệu đồng (gồm lãi 11,5 triệu và gốc 6 triệu đồng) suôn sẻ. Tháng 7, ông Lưu đi công tác và bị kẹt tại TP.HCM do bùng dịch Covid-19.

"Tôi đã gọi điện đến ngân hàng, trình bày về hoàn cảnh bất khả kháng. Mặt khác, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi cũng lâm vào cảnh khó khăn. Đến ngày 28/8, sau khi ra Hà Nội và tuân thủ cách ly tại nhà 14 ngày, tôi đã ra ngân hàng nộp đầy đủ các khoản phí phải đóng của tháng 7, tháng 8 cho ngân hàng", ông Lưu nói.

Đến ngày 4/9/2021, ông Lưu nhận được thông báo nợ gốc đã quá hạn 4 ngày. Tiếp đó, ngày 10/9, ông Lưu bị ngân hàng thu giữ xe sau khi đã đóng tiền.

Cần xem lại thủ tục

Để có câu trả lời khách quan, chúng tôi đã liên hệ, đặt câu hỏi gửi tới ngân hàng và được hẹn sẽ có văn bản trả lời vào 29/9. Tuy nhiên, khi đến ngày hẹn, đại diện ngân hàng cho biết do phải xin ý kiến Hội sở chính tại TP.HCM, nên hiện chưa thể cung cấp văn bản trả lời.

"Một số bộ phận của ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong di chuyển tại TP.HCM. Do đó, chúng tôi chưa thể trả lời như đã hẹn. Chúng tôi sẽ thu xếp để sớm có văn bản gửi báo", đại diện ngân hàng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật TNHH ANVI) cho biết, có hai khía cạnh cần xem xét là phương pháp giao dịch và quy trình đôn đốc nhắc nợ.

"Cách xử lý như với trường hợp của ông Lưu dễ gây bức xúc. Mặt khác, nó còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh trong công việc làm ăn của ông Lưu. Hình ảnh của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng", luật sư Đức nói.

Phân tích về khía cạnh pháp lý, luật sư Lưu cho biết các ngân hàng đều có quy trình đôn đốc nhắc nợ theo trình tự. Nếu nợ quá thời hạn, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, quy trình thu giữ phải tuân thủ Nghị quyết 42 của Quốc hội (Nghị quyết 42/2017/QH14).

Viện dẫn khoản 4 điều 7 nghị quyết 42, luật sư Đức cho biết quy định về trình tự thu giữ tài sản đảm bảo là động sản (máy bay, tàu thuyền, ô tô…), như sau:

a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.

b) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Tuy nhiên, theo lời ông Lưu, lãnh đạo duyệt hồ sơ cho ông Lưu vay vốn, không hề liên lạc với khách hàng về các quy trình nêu trên. Ông Lưu cũng nói lãnh đạo ngân hàng “biết rất rõ” ông đang ở KĐT Times City, thậm chí hợp đồng vay vốn được ký tại đây, song đơn vị này không hề thông báo cho ông hay vợ ông về việc sẽ thu xe.

"Làm thế khác nào ăn cướp. Tôi có cảm giác bị lừa đi nộp tiền, rồi sau đó nhân viên ngân hàng thừa cơ hội đó để thuê người cẩu xe tôi đi. Đến lúc muốn lấy lại xe, ngân hàng bắt tôi trả toàn bộ gốc lẫn lãi là hơn nửa tỷ đồng mới làm thủ tục giải chấp", ông Lưu nói.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc các Tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không nâng mức nợ xấu, giãn nợ với các khoản nợ phát sinh từ 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ 17/7/2021 đến trước 07/9/2021.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.