Ngày 14/3/2019, ông Nguyễn Văn Cường và vợ là bà Ngô Thị Vân đã ký kết Hợp đồng tín dụng số: 5.070.19.023.HĐTD với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) – Chi nhánh Đống Đa – Phòng giao dịch Láng Hạ để mua ô tô nhằm mục đích kinh doanh. Từ khi ký kết Hợp đồng, ông Cường luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ tháng 01/2020, công việc kinh doanh đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông Cường vẫn thu xếp để thanh toán đủ và đúng hạn các kỳ thanh toán tháng 01, tháng 02 năm 2020 cho VIB.
Ngày 29/5, nhân viên ngân hàng VIB gọi điện thoại cho ông Cường đem xe lên định giá để làm hồ sơ giãn nợ theo quy định.
Khi lái xe của ông Cường đưa xe đến thì được nhân viên VIB yêu cầu lên văn phòng để viết đơn thay cho ông Cường.
Xong việc, lái xe xuống thì không thấy xe, hỏi mọi người xung quanh thì được biết người của VIB đã thuê cẩu xe đi. Sau đó, ông Cường đã trình báo sự việc ra Công an phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bức xúc vì cho rằng “bị VIB lừa, cẩu xe đi”, ông Cường đề nghị luật sư vào cuộc. Theo luật sư Nguyễn Hồng Thanh, người trợ giúp pháp lý cho ông Cường, ngân hàng VIB có dấu hiệu không tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm điều khoản đã ký với khách hàng.
Cụ thể, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số: 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19.
Theo quy định tại điều 4, điều 5, của thông tư này, ông Cường thuộc trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí.
Luật sư Thanh khẳng định việc ngân hàng VIB chuyển khoản vay của ông Cường sang thành nợ quá hạn và thu giữ tài sản bảo đảm mà không thông báo bằng văn bản là vi phạm Phụ lục đính kèm Hợp đồng tín dụng số: 5.070.19.023.HĐTD.
Đoạn cuối khoản 4.2b điều 4 Điều khoản và điều kiện cấp tín dụng (đính kèm Hợp đồng tín dụng) quy định: “Khi VIB thực hiện theo điều 4.2(b)(iv) VIB sẽ thông báo cho Bên được cấp tín dụng. Nội dung thông báo gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Khi VIB thực hiện theo điều 4.2(b)(v)(vi)(vii)(xi) VIB sẽ thông báo cho Bên được cấp tín dụng. Nội dung thông báo gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn”.
Luật sư Thanh khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý để coi đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự. Do đó, việc chậm thanh toán các khoản nợ đến hạn của ông Cường sẽ được xem xét theo quy định tại khoản 2 điều 351 Bộ luật dân sự: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự…”
Tính đến hết ngày 17/6/2020, ông Cường đã thanh toán toàn bộ các khoản cho ngân hàng VIB, song đến nay vẫn chưa được trả xe.
“Văn phòng luật sư chúng tôi đã đề nghị ngân hàng VIB nhanh chóng bố trí một buổi làm việc hoặc trả lại xe ô tô Hyundai County, biển kiểm soát: 29B 30215 cho ông Cường. Nếu hết ngày 30/6/2020 mà ngân hàng không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì buộc lòng chúng tôi phải đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”, luật sư Thanh cho biết.