| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương nhân giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh

Thứ Năm 03/03/2022 , 15:48 (GMT+7)

Ngày 1/3, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về tình hình bệnh khảm lá sắn và kiến nghị một số biện pháp phòng chống.

Nhiều nỗ lực đã triển khai

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), bệnh khảm lá virus hại sắn (mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam.

Năm 2021, bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng sắn trọng điểm. Ảnh: Đăng Lâm.

Năm 2021, bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng sắn trọng điểm. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh, đến nay bệnh đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian qua, ngành BVTV đã chủ động các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Năm 2017, Cục BVTV đã ban hành Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng. 

Năm 2019, Cục Trồng trọt cũng đã ban hành Quy trình canh tác sắn, quy trình sản

Bài liên quan

xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá và quy trình tự sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá cho các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện; phối hợp đánh giá các giống sắn kháng bệnh, hỗ trợ Viện Di truyền nông nghiệp công bố các giống sắn kháng bệnh khảm lá.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện một số dự án sản xuất giống sạch bệnh, phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại Tây Ninh...

Đối với các viện nghiên cứu, Viện Khoa học Nông nghiêp Việt Nam, Viện Di truyền, Viện BVTV những năm qua đã tham gia tích cực vào nghiên cứu biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn thông qua các chương trình, dự án. Điển hình là Dự án: “Phát triển hệ thống sản xuất sắn bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan".

Đến nay, đã xác định được một số giống sắn kháng bệnh khảm lá, nhưng việc nhân nhanh giống phục vụ sản xuất còn rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Đến nay, đã xác định được một số giống sắn kháng bệnh khảm lá, nhưng việc nhân nhanh giống phục vụ sản xuất còn rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế - CIAT, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO triển khai đánh giá tập đoàn các giống sắn trong nước và nhập nội dưới áp lực bệnh tự nhiên từ tháng 10/2018 tại huyện Tân Biên và Tân Châu của tỉnh Tây Ninh. Kết quả đã chọn 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá được công bố lưu hành gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97 và vẫn đang tiếp tục chọn tạo các giống mới.

Đến nay, các tỉnh (Tây Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế…) đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh của tỉnh và các huyện để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, nhiều địa phương có trồng sắn lớn như Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên... cũng đã dành nhiều cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai nhân giống sắn sạch bệnh, giống kháng bệnh khảm lá

Siết chặt quản lý giống sắn

Tại văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT, Cục BVTV kiến nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương phòng chống bệnh khảm lá sắn; chỉ đạo Viện Di truyền Nông nghiệp tiếp tục chọn tạo các giống sắn kháng bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cụ thể:

Cục BVTV tiếp tục hướng dẫn các địa phương phòng chống bệnh khảm lá sắn, trong đó tập trung phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Hiệp hội sắn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh và chuyển giao cho các địa phương.

Nghiên cứu khảo nghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3, HN5 tại vùng Đông Nam bộ năm 2021. Ảnh: TL.

Nghiên cứu khảo nghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3, HN5 tại vùng Đông Nam bộ năm 2021. Ảnh: TL.

Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất giống sạch bệnh theo các quy trình sản xuất giống sạch bệnh đã ban hành.

Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Cục BVTV xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh trình Bộ NN-PTNT phê duyệt; tiếp tục phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá và các sâu bệnh khác; chuyển giao nguồn giống kháng bệnh và quy trình nhân giống cho các địa phương, doanh nghiệp sắn.

Các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khảm lá sắn; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và vận chuyển hom giống bị bệnh, xử lý những cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, giống nhiễm bệnh; tổ chức hình thức chia sẻ giống sạch bệnh trong cộng đồng...

Hiệp hội sắn Việt Nam phối hợp với Cục BVTV và Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh; kêu gọi các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ nông dân giống sạch bệnh; trực tiếp tổ chức hoặc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống sạch bệnh, kháng bệnh. 

Hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước là 513.200 ha (trong đó ở các tỉnh phía Bắc là 95.300 ha; Bắc Trung Bộ là 53.500 ha; Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là 270.700 ha; phía Nam là 93.700 ha). Sắn được trồng chủ yếu ở vụ đông xuân và vụ hè thu. Các giống được trồng phổ biến hiện nay là KM94, KM 419, KM 140, KM 505, HLS-11 và các giống địa phương.

Lên kế hoạch nhân nhanh giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh khảm lá

Cục BVTV cho biết thời gian tới, cần triển khai nhân nhanh giống sạch bệnh và giống kháng bệnh khảm lá để phục vụ sản xuất với các phương án cụ thể sau:

Thiếu giống sạch bệnh, nông dân nhiều nơi đang 'đánh liều' dùng giống sắn trôi nổi để sản xuất. Ảnh: VD.

Thiếu giống sạch bệnh, nông dân nhiều nơi đang "đánh liều" dùng giống sắn trôi nổi để sản xuất. Ảnh: VD.

- Về nhân giống sắn sạch bệnh:

Phạm vi triển khai tại các tỉnh nhiễm bệnh nhẹ, bao gồm Nghệ An, Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Long An, Kon Tum, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Định, An Giang, Bình Phước, Quảng Trị, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.

+ Phương pháp nhân giống sạch bệnh: Áp dụng quy trình nhân giống sạch bệnh của Cục Trồng trọt ban hành. Biện pháp chủ yếu là: Chọn những ruộng sắn không bị bệnh hoặc bị bệnh nhẹ, trước khi thu hoạch kiểm tra 100% số cây trong ruộng để loại bỏ, tiêu hủy các cây có biểu hiện triệu chứng bệnh khảm lá.

Vận động nhân dân chia sẻ giống sạch bệnh hoặc bố trí kinh phí mua giống phát cho những hộ có ruộng sắn bị bệnh nặng. Không lấy sắn ở những ruộng bị bệnh trung bình – nặng làm giống và cần được tiêu hủy (băm nát, phơi khô) không để mọc mầm.   

+ Thời gian thực hiện: Năm 2022, tổ chức tập huấn cho nông dân và xây dựng các mô hình nhân giống sạch bệnh. Năm 2023, tổ chức nông dân tự nhân giống trên diện rộng ở tất cả những khu vực bị bệnh khảm lá sắn. Giao phòng nông nghiệp các huyện chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện.

Bệnh khảm lá hoành hành, cùng với việc liên kết, tổ chức sản xuất lỏng lẻo khiến nhiều vùng nguyên liệu sắn đang đối mặt nguy cơ tàn lụi. Ảnh: VD.

Bệnh khảm lá hoành hành, cùng với việc liên kết, tổ chức sản xuất lỏng lẻo khiến nhiều vùng nguyên liệu sắn đang đối mặt nguy cơ tàn lụi. Ảnh: VD.

+ Tổ chức thực hiện: Sở NN-PTNT các tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng phương án và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Chi cục Trồng trọt và BVTV xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật nhân giống sạch bệnh ở các thôn, xã có diện tích sắn bị bệnh.

Hiệp hội sắn Việt Nam vận động các doanh nghiệp thành viên tham gia tổ chức nhân giống sạch bệnh và hỗ trợ nông dân về nguồn giống sạch bệnh.

Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Trồng trọt và BVTV/Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tham gia tập huấn, chỉ đạo thực hiện.

- Về nhân giống kháng bệnh: 

Phạm vi thực hiện tại các tỉnh nhiễm bệnh nặng, bao gồm Tây Ninh, Phú Yên, Gia Lai, Đồng Nai, Quảng Ngãi.

+ Phương pháp nhân giống kháng bệnh: Về nhân giống bằng nuôi cấy mô, Viện Di truyền Nông nghiệp nhân giống nuôi cấy mô với các giống mới HN1, HN36, HN80, HN97 làm nguồn giống cho các địa phương tiếp tục nhân giống.

Với nhân giống bằng nhà màng Tunnel, Viện Di truyền Nông nghiệp tập huấn chuyển giao công nghệ nhân giống cho các đơn vị có nhà màng Tunnel.

Nhân giống trên đồng ruộng: Sau khi có nguồn giống kháng bệnh từ việc nhân bằng nhà màn Tunel thì trồng ra đồng ruộng để nhân giống số lượng lớn với các giống mới HN1, HN36, HN80, HN97 và giống HN3, HN5 hiện đã có trên đồng ruộng.

Nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh đang là yêu cầu rất cấp thiết. Ảnh: TL.

Nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh đang là yêu cầu rất cấp thiết. Ảnh: TL.

+ Thời gian thực hiện: Năm 2022, tổ chức tập huấn cho các đơn vị có nhà màng Tunnel; nhân giống nuôi cấy mô cung cấp cho các đơn vị có nhà màng Tunnel; nhân giống trong nhà màng cung cấp cho hệ thống nhân giống trên đồng ruộng.

Năm 2023, tăng công suất nhân giống thông qua cải tiến công nghệ và xây dựng thêm nhà màng Tunnel.

+ Tổ chức thực hiện: Giao Viện Di truyền Nông nghiệp làm đầu mối nhân giống nuôi cấy mô với các giống mới HN1, HN36, HN80, HN97 cung cấp cho các đơn vị có nhà màng Tunnel.

Viện Di truyền nông nghiệp tập huấn chuyển giao công nghệ cho Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Đại học Tây Nguyên, Trung tâm Giống cây trồng Quảng Ngãi (đang có nhà màng Tunnel); Trung tâm Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc và Tây Ninh (cần xây dựng nhà màn mới).

Sở NN-PTNT các tỉnh chỉ đạo nhân giống trên đồng ruộng ở địa bàn khi có giống mới được cung cấp. Khuyến khích hiệp hội, doanh nghiệp sắn tham gia nhân giống kháng bằng nhà màn Tunel ở Tây Ninh và các tỉnh có áp lực bệnh cao.

Đối với tỉnh Tây Ninh, ngoài việc thực hiện các nội dung trên cần thực hiện bổ sung gồm: Đầu tư hệ thống 20 - 30 nhà màng Tunnel để nhân giống kháng bệnh ngay từ năm 2022; bố trí quỹ đất 200 - 500 ha và nhân công để nhân nhanh giống kháng trên đồng ruộng. Xây dựng phương án mua giống nhiễm bệnh nhẹ và sạch bệnh ở các địa phương khác cho nông dân để giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp sắn đóng trên địa bàn tham gia hỗ trợ nhân giống sắn sạch bệnh và giống kháng bệnh.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.