Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững
Mới đây, Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, quan điểm phát triển chăn nuôi tỉnh Khánh Hòa sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và cả nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho nhân dân trong tỉnh…
Cụ thể, định hướng phát triển ngành chăn nuôi phải đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị quyết số 17 ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Quyết định 02 ngày 9/3/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
Trong chăn nuôi lợn sẽ phát triển với các giống cao sản theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến khích phát triển hình thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ; giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô từ 400 - 450 nghìn con. Trong đó đàn lợn nái từ 25 - 28 nghìn con; đàn lợn được nuôi trang trại chiếm trên 85%.
Đối với chăn nuôi gia cầm cũng phát triển theo phương thức trang trại, gắn với an toàn dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển thế mạnh giống vật nuôi bản địa như giống gà Ri Ninh Hòa. Cùng với đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển những mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 3,5 - 4,0 triệu con, trong đó khoảng 45-50% được nuôi theo phương thức công nghiệp.
Đàn bò được duy trì ổn định ở quy mô từ 80 - 100 nghìn con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong trang trại. Nuôi chim yến với sản lượng tổ yến đạt khoảng 3 tấn vào năm 2025 và 5 tấn vào năm 2030. Về thức ăn chăn nuôi ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 30 - 40 nghìn tấn, sản lượng thực tế từ 65-70 tấn/năm. Cùng với đó, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học tháy thế kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi và sản xuất thức ăn bổ sung nhằm tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản…
Nhiều giải pháp
Để phát triển chăn nuôi theo định hướng trên, tỉnh Khánh Hòa đưa ra 10 giải pháp triển khai thực hiện. Thứ nhất, hoàn thiện các nhóm chính sách như có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi; chính sách tài chính và tín dụng; chính sách thương mại và đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, cơ sở chăn nuôi VietGAP…
Thứ 2, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là đối với cơ sở sản xuất giống và cơ sở chăn nuôi trang trại.
Thứ 3, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất vắc xin, nhận dạng, truy xuất động vật, giết mổ, chế biến, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi.
Thứ 4, nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Thứ 5, nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi. Thứ 6, nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, tỉnh sẽ tổ chức lại mạng lưới giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Thứ 7, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở. Chú trọng đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, tập huấn, hoạt động khuyến nông. Thứ 8, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học thay thế nguồn nhập khẩu.
Thứ 9, đổi mới tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Thứ 10 là tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.
Mục tiêu cụ thể chiến lược chăn nuôi
Theo quyết định chiến lược chăn nuôi này, giai đoạn 2021 – 2025 mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 - 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 70 - 75 nghìn tấn, trong đó thịt lợn từ 75 - 77%, thịt gia cầm từ 12 -13%, thịt gia súc ăn cỏ từ 9 - 10%.
Đến năm 2030 đạt từ 80 - 85 nghìn tấn, trong đó thịt lợn từ 74 - 76%, thịt gia cầm từ 13 - 14%, thịt gia súc ăn cỏ từ 9 -10%.
Đối với sản lượng trứng đến năm 2025 đạt từ 180 - 200 triệu quả; đến năm 2030 đạt khoảng 250 triệu quả. Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm đến năm 2025 đạt từ 50 - 55 kg thịt xẻ các loại và từ 180 - 200 quả trứng. Còn đến năm 2030 đạt từ 58 - 60 kg thịt xẻ các loại và từ 220 - 250 quả trứng. Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 40% và 20% vào năm 2025, khoảng 60% và 40% vào năm 2030. Cùng với đó, tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt khoảng 10% vào năm 2025, khoảng 30% vào năm 2030.
Tỉnh sẽ xây dựng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ít nhất 13 cơ sở đến năm 2025 và ít nhất 20 cơ sở đến năm 2030.