Qua khảo sát, các vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn theo hướng VietGAP, công tác sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn, ghi chép thông tin nhật ký canh tác đầy đủ…
Ghi nhận tại 4 cơ sở trồng nhãn tại huyện Sông Mã cho thấy các hợp tác xã đều đáp ứng các điều kiện để cấp mã vùng trồng. Sau mùa thu hoạch, công tác vệ sinh vườn đang được tiến hành, chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ kỹ thuật canh tác hợp lý, nhãn vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, trung bình mỗi hợp tác xã thu về hàng chục tấn với giá bán 35.000 đồng/kg.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Hoa Mười chia sẻ: “Kỹ thuật canh tác trong trồng nhãn vô cùng quan trọng, phải dựa vào thời tiết để điều chỉnh lượng phân bón và thời gian bón. Chúng tôi luôn ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất để theo dõi, bám sát tình hình".
Khó khăn lớn nhất hiện nay để cấp mã số vùng trồng hiện nay tại huyện Sông Mã là quy mô diện tích đất sản xuất của một hợp tác xã thường không đủ, phải liên kết với các hợp tác xã khác hay với hộ nông dân mới đáp ứng đủ yêu cầu tối thiểu 10ha để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Điều này cũng khiến việc kiểm soát sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La chia sẻ, thiết lập vùng trồng thường phải kết hợp từ 10 - 15 nông dân cùng đồng thuận tham gia, vì vậy việc ghi chép sổ nhật ký phục vụ công tác quản lý rất quan trọng nhằm thống nhất phương pháp canh tác, đảm bảo chất lượng vùng trồng.
Để xuất khẩu, mã vùng trồng cũng phải đi kèm với mã số cơ sở đóng gói, vì vậy sự phối hợp giữa các cơ sở nắm vai trò then chốt để phát triển đúng định hướng nhằm tận dụng hết giá trị của mã vùng trồng.