| Hotline: 0983.970.780

Giữa cánh rừng vàng

Rừng đóng cần thêm nhiều điểm mở

Thứ Hai 01/05/2023 , 06:10 (GMT+7)

Diện tích tương đương tỉnh Hưng Yên với hệ sinh thái đa dạng nhưng Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn chưa thể khoe được vẻ đẹp của mình, vì thiếu những điểm mở.

Empty

Đại ngàn Pù Mát là nơi có hệ động thực vật phong phú với cảnh quan hùng vỹ, ấn tượng. Ảnh: Quang Linh.

Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và 2 từ này được dùng để đặt tên cho vườn.

Bài liên quan

Vườn Quốc gia Pù Mát rộng hơn 94.000ha ở vùng lõi, xấp xỉ cỡ diện tích của tỉnh Hưng Yên, chưa kể vùng đệm của vườn cũng có diện tích lên tới 86.000ha. Nếu so sánh với Vườn Quốc gia Cúc Phương, địa danh vốn quen thuộc hơn với đại đa số thì Cúc Phương chỉ có diện tích 22.000ha, chưa đến 1/4 so với Pù Mát.

Với diện tích lớn, trải dài trên 3 huyện miền Tây của Nghệ An là Con Cuông, Tương Dương và Anh Sơn, Pù Mát có một hệ sinh thái rất phong phú, cả thực vật lẫn động vật.

Ngay ở trung tâm hành chính dịch vụ của vườn, bước qua cổng là hàng dầu rái chạy dài hàng trăm mét tạo thành con đường xanh dẫn vào khu vực nhà làm việc.

Những cây dầu rái cao hàng chục mét, thân thẳng tắp là một trong những thực vật đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới miền Tây Nghệ An và một số địa phương lân cận.

Con đường dầu rái này như mở ra một hành trình đầy hấp dẫn về vẻ đẹp đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Pù Mát.

Pù Mát đẹp ở cái hùng vỹ của rừng xanh, ở vẻ nguyên sinh không chút đụng chạm của bàn tay con người. Ai đến với Pù Mát cũng sẽ được chiêm ngưỡng nét hoang sơ của rừng nguyên sinh với tính da dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam và nhiều thắng cảnh nổi bật.

Dải lụa Bổ Bố

Từ Quốc lộ 7A đoạn qua Thị trấn Con Cuông, chạy khoảng 20km về hướng Tây Nam, sẽ đến thác Khe Kèm. Khe Kèm là tên chính thức của thác nước kỳ vỹ này, còn người Thái ở đây gọi là Bổ Bố, nghĩa là dải lụa. Với chiều cao khoảng 150m, được chia thành nhiều tầng, đây thực sự là món quà cho những ai bỏ khoảng 1 giờ đồng hồ, vượt qua được quãng đường quanh co, gập ghềnh để vào tới thác.

Empty

Hàng cây dầu rái thẳng tắp, cao chót vót trên đường dẫn vào khu nhà Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Quang Linh.

Chân thác nhìn lên, một cảnh tượng kỳ vỹ hiện lên trước mắt, cảm giác như dòng nước trắng xóa như vô tận tuôn ra từ lòng núi, rơi qua nhiều tầng tung lên những dải bọt, chẳng khác gì một dải lụa tuôn dài bất tận. Xuống đến chân thác là một dòng suối trong vắt, mát rượi hòa cùng tiếng chim ca ở những mảng rừng xanh xung quanh.

Nhiều nhà khoa học sau khi khảo sát và nghiên cứu tại đây đã khẳng định thác Khe Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam.

z4255170336824_7e141cb5874767fa2a7e65f1db7b247b

Thác Khe Kèm chụp từ trên cao. Ảnh: Đinh Tùng.

Không chỉ có thác Kèm, dịch xuống phía Đông, dòng sông Giăng chảy xuyên qua lõi rừng của Pù Mát cũng là một không gian thích hợp cho những người ưa khám phá và hòa mình vào thiên nhiên.

Empty

Thác Khe Kèm được người Thái gọi là Bổ Bố, nghĩa là dải lụa, cao đến 150m với nhiều tầng nước. Ảnh: Đinh Tùng.

Nếu như 2 bên bờ không thiếu những hàng cây săng lẻ đỏ rực vào mùa thay lá thì dưới nước, dòng sông gần như trở nên tĩnh lặng với con đập Phà Lài, trong tiếng Thái có nghĩa là “hoa của trời”. Thả mình theo thuyền trôi trên sông, du khách có thể cảm nhận được vẻ hoang sơ của Pù Mát với những rặng cây rậm rạp, thi thoảng nổi lên những vách núi đá vôi trắng cao lừng lững.

Có thể thấy, do nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát có thể xem là một khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất khu vực Bắc Trường Sơn.

Vườn cũng là nơi đã xác định có sự phân bố của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó phải kể đến các loài mới được khoa học phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX. Đây cũng là một trong những khu vực đầu tiên phát hiện loài thú quý hiếm của Việt Nam là Sao la.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc phối hợp khai thác thế mạnh với bảo tồn sinh thái thế nào để phát huy tối đa lợi thế vốn có của Vườn Quốc gia Pù Mát là câu chuyện còn phải bàn thêm.

Empty

Những cây săng lẻ đến mùa thay lá trên đường vào Khe Choăng. Ảnh: Đinh Tùng.

Cần thêm những điểm mở

Trong tiếng lá xào xạc của những ngày đầu hè lẫn với tiếng chim chóc véo von trong khu hành chính dịch vụ của vườn, Giám đốc Trần Xuân Cường có những chia sẻ về các điểm nghẽn trong khai thác thế mạnh của Pù Mát.

Mở đầu, lãnh đạo vườn cho biết đang tham mưu cho HĐND tỉnh để ban hành nghị quyết về thu phí vào các khu tham quan. Vấn đề hiện nay là việc thu phí đang chưa có một khung phù hợp. Nếu lấy theo đơn giá của Bộ NN-PTNT đang quy định thì phí tham quan sẽ rơi vào khoảng 60.000 – 80.000 đồng/người/lượt nhưng theo ông Cường như vậy là quá cao đối với khu vực miền núi như ở Pù Mát nên phải giảm xuống, còn 30.000 đồng/người/lượt.

“Nhưng với mức thu như vậy, vườn đang thu không đủ bù chi, do phải duy trì nhân sự tại các khu vực có khách tham quan”, Giám đốc Cường nói và đề xuất việc Bộ NN-PTNT có thể ra một văn bản hướng dẫn để các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn có thể dựa vào đó xây dựng lên mức phí tối thiểu để đáp ứng được việc duy trì hoạt động.

Empty

Những cây cổ thụ trơ trọi cành trước mùa ra lá mới, có thể bắt gặp rất nhiều trên đường vào lõi rừng Pù Mát. Ảnh: Đinh Tùng.

Theo người đứng đầu Vườn Quốc gia Pù Mát, quá trình xây dựng các nghị quyết của HĐND các tỉnh thường tốn nhiều thời gian nên phương án tối ưu là Bộ NN-PTNT ra văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Vấn đề tiếp theo mà ông Trần Xuân Cường đưa ra đó là hiện nay trên cả nước chỉ duy nhất Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là có thể thu đủ bù chi, nên đầu tiên là cần duy trì ngân sách nhà nước để các vườn, các khu có thể đảm bảo được hoạt động.

Sau đó là cần đến những chính sách, cơ chế để thu hút được đầu tư vào rừng, để phát triển được du lịch, dịch vụ, đồng nghĩa với việc kéo được các doanh nghiệp vào tham gia cùng. Tuy nhiên, những chính sách về đất đai hay hợp tác giữa doanh nghiệp với chủ rừng vẫn là điểm khó, khiến các đơn vị không thể “phá rào” để thực hiện được.

Hiện nay, có một mô hình được đánh giá khá hiệu quả đó là hợp tác giữa chủ rừng và doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động khai thách du lịch và dịch vụ ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Cụ thể, những hoạt động này sẽ được tổ chức theo điểm, tuyến và từ khi xây dựng các đề án khai thác đã có sự tham gia của cả chủ rừng lẫn doanh nghiệp. Sau đó, chủ rừng sẽ là đơn vị đóng vai trò tổ chức quản lý, còn tổ chức khai thác và vận hành sẽ do phía doanh nghiệp đảm nhận.

“Pù Mát đang trong quá trình khảo sát để xây dựng đề án cho một số tuyến du lịch theo mô hình này”, ông Cường cho biết và bổ sung thêm, nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp, các vườn sẽ không có kinh phí, không có kinh nghiệm và không có khả năng truyền thông, quảng bá.

Empty

Một góc rừng Pù Mát thời điểm cuối xuân, đầu hè. Ảnh: Đinh Tùng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một vướng mắc nữa đối với Pù Mát là do nằm trên địa bàn biên giới nên việc khai thác du lịch với người nước ngoài còn hạn chế. Cụ thể, chỉ những người có visa công việc mới được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của tỉnh xem xét cho phép tiếp cận, còn visa du lịch thì không. Điều này khiến một lượng lớn du khách quốc tế không có cơ hội được trải nghiệm hệ sinh thái đa dạng của Pù Mát.

“Tôi cho rằng, với những khu vực thuộc biên giới nhưng không phải trọng điểm về an ninh, quốc phòng, chúng ta có thể thí điểm mở rộng đối tượng cấp phép tiếp cận, cho cả những người chỉ có visa du lịch được xem xét”, ông Cường kiến nghị. Ngoài ra, việc cấp phép cũng có thể nghiên cứu đưa từ cấp tỉnh về cấp huyện để giảm thời gian làm thủ tục cho du khách nước ngoài.

Vườn Quốc gia Pù Mát còn một tiềm năng nữa đó là phát triển dược liệu dưới tán rừng, mặc dù được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm nhưng vẫn chịu nhiều sự trói buộc liên quan đến quy chế quản lý rừng, ví dụ như ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thì không thể đưa vào bất cứ thực thể nào.

Pù Mát đang nhận được sự quan tâm của một tập đoàn lớn vì khả năng phát triển loài lan thạch hộc, một trong những dược liệu rất có giá trị, phát triển rất tốt dưới tán rừng và không gây ảnh hưởng đến sinh thái của rừng.

Tuy nhiên, đây không phải là loài bản địa của Pù Mát nên nếu đưa vào sẽ là vi phạm quy định. Do đó, vườn cũng đang xem xét, xây dựng quy hoạch trong thời gian tới để có thể mở rộng một số khu vực phục vụ phát triển kinh tế dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.