| Hotline: 0983.970.780

Khó phát triển đàn dê trên đảo Cát Bà

Thứ Sáu 19/06/2020 , 09:12 (GMT+7)

Dê nuôi trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải (Hải Phòng) có giá trị kinh tế rất cao, cung không đủ cầu, có thể thu tiền tỷ, tuy nhiên rất khó để tăng đàn.

Thu tiền tỷ từ nuôi dê

Việc nuôi dê ở Cát Bà đã có từ rất lâu với giống dê cỏ thuần chủng của ngư dân trên đảo. Do có những ưu đãi về khí hậu, nguồn thức ăn đa dạng, hoàn toàn tự nhiên từ nhiều loại lá cây dược liệu quý... nên dê nuôi trên đảo Cát Bà nổi tiếng là có hương vị thơm ngon. Có giá trên thị trường cao hơn nhiều lần so với dê nuôi ở những nơi khác.

Người dân trên đảo Cát Bà thường nuôi thả dê trên các dãy núi đá và làm chuồng trại luôn trên đó. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân trên đảo Cát Bà thường nuôi thả dê trên các dãy núi đá và làm chuồng trại luôn trên đó. Ảnh: Đinh Mười.

Theo người dân địa phương, thảm thực vật ở trên đảo Cát Bà thuộc kiểu rừng nhiệt đới và các loại rừng núi thấp, ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa, có nước biển.

Mặt khác còn có sự đa dạng của các kiểu rừng đã hình thành nên sự phong phú của hệ động, thực vật, trong số hơn 700 loài thực vật ở đây có tới 40% được xem là những loài có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh và nhiều loài nằm trong danh mục quý hiếm như: nhân trần, cam thảo, đơn sương, đậu sương, ngũ da bì… Với ưu đãi như vậy, cộng thêm môi trường không khí trong lành nên dê núi được nuôi trên đảo Cát Bà có đặc trưng không thể pha lẫn với dê nuôi ở những nơi khác.

Thống kê của phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, hiện tại, trên địa bàn huyện có hơn 150 hộ nuôi tổng cộng khoảng 5.000 con dê, tập trung nhiều ở thị trấn Cát Bà và các xã: Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long, Gia Luận… Dê ở đây được nuôi theo phương thức chăn thả, nguồn thức ăn từ tự nhiên và là đặc sản được săn đón của khách du lịch.

Dê nuôi trên đảo Cát Bà có hơn 90% là giống dê cỏ truyền thống, năng suất thấp, tỷ lệ thịt xẻ không cao nhưng thịt ngon. Khối lượng trưởng thành từ 20 -30 kg/con. Giá bán từ 200.000 - 250.000 đ/kg, cao hơn thị trường ở đất liền 15 - 20%.

Ghi nhận tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, đàn dê xã này có khoảng 500 con, hộ nuôi nhiều nhất là trên 100 con, tại xã Hiền Hào có khoảng 200 con… Dê được người dân chăn thả trên núi, tối mới lùa về, có hộ làm chuồng luôn trên núi đá. Với khoảng 30 con dê mẹ, hộ chăn nuôi hoàn toàn có thể thu 1 năm khoảng 200 triệu đồng/1 năm.

Dê Cát Bà có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với dê nuôi ở trong đất liền, khoảng 250-300 nghìn đồng/1 kg. Ảnh: Đinh Mười.

Dê Cát Bà có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với dê nuôi ở trong đất liền, khoảng 250-300 nghìn đồng/1 kg. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cát Hải cho hay: Dê Cát Bà đắt hơn các loại dê ở những nơi khác do những đặc trưng riêng, đây là loại vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Huyện có khuyển khích người dân phát triển tuy nhiên do lí do khách quan, diện tích chăn thả ít nên chỉ duy trì được mức trên dưới 5.000 con/1 năm, trong đó cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 con, nguồn thu trung bình từ 15-18 tỷ/1 năm từ nuôi dê.

“Lợi thế của Cát Bà là đất du lịch, địa hình, điều kiện tự nhiên. Cát Bà có rừng, núi đá, có khoảng 15.000ha, hệ thống thực vật phong phú, có nhiều cây cỏ quý, là cây thuốc… đảm bảo các yêu cầu chăn thả, môi trường khí hậu tốt, dịch bệnh ít. Do đó dê ở đây rất ngon, được du khách đón nhận và giá trị kinh tế cao, khoảng 250.000-300.000đ/1kg. Đàn dê trên địa bàn huyện không đủ phục vụ nhu cầu khách du lịch tại Cát Bà” – ông Nam cho biết.

Khó phát triển đàn

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch và nền kinh tế nói chung, nhu cầu về dê thương phẩm ngày càng tăng. Dê Cát Bà thường không đủ để cung ứng cho thị trường tuy nhiên vẫn khó có thể phát triển thêm do nhiều lí do khách quan.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, những năm qua, huyện đã có chính sách khuyến khích người dân chăn thả, tận dụng vườn rừng, huyện có cơ chế vốn vay lãi suất thấp. Thông qua đề án phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2017-2020, mỗi hộ chăn nuôi dê được tiếp cận đến 200 triệu/1 năm để gia tăng đàn dê với lãi suất như hộ nghèo (0,66%/1 năm).

Có giá trị kinh tế cao, không đủ cung ứng cho thị trường nhưng khó phát triển đàn dê Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Có giá trị kinh tế cao, không đủ cung ứng cho thị trường nhưng khó phát triển đàn dê Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Với cơ chế này, người dân sản xuất có điều kiện để tăng đàn vật nuôi,  tuy nhiên, hạn chế là khu vực chăn thả không được nhiều nên rất khó tăng về số lượng đàn dê.

Tại các xã có nuôi dê trên đảo Cát Bà, nhiều năm nay đàn dê cũng không thay đổi nhiều về số lượng. Đơn cử như tại xã Xuân Đám – địa phương được xem là đang nuôi nhiều dê bậc nhất của huyện Cát Hải nhưng mấy năm nay cũng chỉ loanh quanh với số lượng trên dưới 500 con. Trong đó hộ nuôi nhiều nhất có khoảng 150-200 con.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Xuân Đám cho biết: “Huyện đã tạo điều kiện của huyện, hỗ trợ đầu tư vốn cho người dân, người dân vay qua ngân hàng chính sách, tạo công ăn việc làm cho nhân dân dân, nâng cao thu nhập. Người dân vay để chăn nuôi, trước kia được đầu tư giống, nay cho vay lãi suất thấp. Thời cao điểm, có hộ nuôi tới 200 con, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nghiệp, do diện tích chăn thả có hạn, nên khó phát triển đàn và chỉ hộ nào có rừng, đồi thì mới có thể chăn nuôi. Do đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tiếp theo, ngoài khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi thì du lịch là được lựa chọn là kinh tế mũi nhọn của xã.

Tìm hiểu của PV cho thấy, dù nuôi dê ở Cát Bà cho giá trị kinh tế cao, tuy nhiên về cơ bản dê nuôi ở đây là giống dê cỏ, tầm vóc nhỏ, khối lượng trưởng thành chỉ đạt 20 -30 kg/con, do đó, về hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao. Mặt khác, đối với nguồn vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, tuy lãi suất thấp nhưng theo một số hộ dân, nếu gia đình nào có vốn thì việc chăn nuôi dê mới có thu nhập cao, còn những gia đình phải vay ngân hàng để mua con giống phục vụ sản xuất thì rất khó để dư giả.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ

BÌNH PHƯỚC Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn bưởi của HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp thu hút rất nhiều ong mật về làm tổ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.