| Hotline: 0983.970.780

GS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp:

Không biết rồi đây chúng ta sẽ đi đâu, về đâu?

Thứ Hai 05/02/2018 , 13:30 (GMT+7)

Về các miền quê, hễ quên đi được thì thôi chứ mỗi khi nghĩ đến thì buồn rơi nước mắt. Thưa vắng tiếng chim cu thánh thót mỗi buổi chiều chiều, không còn “dàn nhạc giao hưởng” với đủ mọi loại âm thanh của một hệ sinh thái khỏe mạnh sau mỗi trận mưa.

17-01-57_dsc_0517
GS Lê Huy Hàm

Tất cả chỉ là những khoảnh khắc đẹp đã qua đi…
 

Làng quê đẹp chỉ còn trong dĩ vãng

Quê tôi ở xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định) trước đây rất đẹp. Tôi vẫn nhớ ngày xưa hàng năm đêm 30 Tết nào bố tôi cũng dậy từ 2-3 giờ đêm để đi gánh nước vì đó là lúc nước về, ít người khuấy đục ở đầu nguồn, cho nên trong và sạch. Cụ đổ nước vào bể đợi vài ngày lắng cặn rồi dùng để ăn.

Sông có rất nhiều cá. Thỉnh thoảng trong làng lại có hàng đoàn người đi đánh rập bắt được những con cá chép nặng đến vài cân. Ông hàng xóm của tôi có nghề đi đánh dậm, cứ đi từ sáng đến chiều là đầy một rổ cá cho vợ đi chợ bán. Giờ không ai sống được bằng nghề đánh bắt khi ở sông không còn mấy nước, đổi màu đen kịt, lềnh bềnh toàn túi nylon, chai nhựa.

Còn ở trong đồng ngày xưa mỗi khi rỗi rãi chúng tôi ra mương tát cá để cải thiện, giờ có tát cũng toàn thấy vỏ bao, vỏ chai thuốc BVTV. Con ếch, con rắn hầu như cũng không còn vì ô nhiễm quá. Trước kia trời mưa xong, cả cánh đồng như một giàn nhạc giao hưởng với đủ mọi nhạc cụ của các cư dân của cánh đồng tìm bạn tình. Giờ lặng thinh, chẳng có gì, con ếch, con kèng kẹc, con ễnh ương cũng gần như hết rồi.

Thêm vào đó là kiên cố hóa kênh mương làm mất chỗ ở của các loài thủy sản. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ông Lê Huy Ngọ những năm 1998-1999, khi nói đến người Nhật đã kiên cố hóa kênh mương các cánh đồng của họ cứ băn khoăn rằng kiên cố hóa kênh mương mà ra đồng không có con cua, con cáy, không có con ếch, con nhái thì buồn lắm. Nay thì đúng như thế thật!

Hiện trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay rất đáng báo động. Sản xuất lúa 1 vụ bà con phun trung bình 3-5 lần thuốc BVTV. Càng thâm canh lại càng nhiều sâu, bệnh. Càng nhiều sâu bệnh thì lại càng phun thuốc BVTV. Tại sao tôi lại nói đến cây lúa? Tuy tần số phun thuốc của lúa ít hơn nhiều loại cây trồng khác nhưng vì diện tích rất lớn (xấp xỉ 4 triệu ha đất, 7,8 triệu ha/năm) nên lượng thuốc BVTV sử dụng rất lớn. Chúng ta cũng đổ xuống đất rất nhiều phân bón mà chủ yếu là phân hóa học. Bà con thường bón thừa nên cây trồng chỉ hấp thụ được cỡ 30-40% còn lại thì rửa trôi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Vùng trồng màu, trồng cây ăn quả hay cây cảnh còn ô nhiễm hơn rất nhiều so với vùng trồng lúa. Nếu ruộng lúa là nơi riêng biệt với cộng đồng dân cư thì vườn màu, vườn hoa, vườn cây ăn quả người dân thường làm lều, làm nhà ở ngay bên cạnh nên hứng chịu đủ lượng thuốc BVTV. Hôm nay hộ này phun, ngày mai hộ khác phun cứ liên tục như thế, không căn cứ tỷ lệ sâu, bệnh bao nhiêu mà cứ phun tràn cho an toàn chứ chưa cần nói đến nguồn gốc, chất lượng của thuốc BVTV.

Vì thuốc rẻ nên họ không hề tiếc. Nông dân hay cho rằng không dùng thuốc thì không được ăn, khi phun thuốc thường không dựa trên một cơ sở khoa học nào cả như mật độ sâu hay bệnh. Đành rằng việc phun là cần thiết nhưng càng phun thì càng mất cân bằng sinh thái, mất đa dạng sinh học. Càng mất đa dạng sinh học càng nhiều sâu, bệnh phát sinh. Đó là một cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

17-01-57_phu-dien-dt
Phẫu diện đất

Tôi sang Camphuchia, trên đường bắt gặp rất nhiều bẫy côn trùng kiểu đơn giản bằng cách đào một hố nước, trải tấm nylon bên dưới, đổ nước vào rồi bên trên thắp đèn để dụ côn trùng. Thế mà có rất nhiều côn trùng dính bẫy, người nông dân có thức ăn và thu nhập từ đó, chứng tỏ không gian hoang dã, đồng cỏ của bạn còn rất nhiều.

Trở lại ở ta, nhiều loài sinh vật trên cánh đồng giờ đang bị biến mất hay giảm sút mạnh bởi thuốc trừ sâu, bởi phân bón hóa học, bởi biến đổi môi trường. Khi phun thuốc BVTV cả tác nhân gây bệnh lẫn tác nhân không gây bệnh đều bị tiêu diệt cả. Một khi thiên địch bị chết thì có nghĩa rằng ở pha sau tác nhân gây bệnh lại phát triển nhanh hơn, nhiều hơn, chu kỳ bùng nổ dịch bệnh càng ngắn lại. Đấy là sự mất cân bằng đa dạng sinh học.

Thời gian vừa qua người dân sản xuất vì cuộc sống trước mắt, vì miếng ăn trước mắt. Bởi vậy mà đối với họ ngày mai là ưu tiên hơn cả so với 1 năm sau, 10 năm sau, 20 năm sau. Vì thuốc BVTV rẻ nên họ không hề tiếc. Họ cho rằng không dùng thuốc thì không được ăn, khi phun thuốc thường không dựa trên một cơ sở khoa học nào cả như mật độ sâu hay bệnh mà phun theo định kỳ, phun để cho thêm yên tâm.

Trong tự nhiên, loài này ăn thịt loài kia, khống chế loài kia, đó chính là con đường kiểm soát lẫn nhau an toàn nhất. Có những loài chuyên ăn sâu bệnh, khi loài ấy chết đi thì sâu bệnh không còn sự kiểm soát tự nhiên nữa lập tức bùng nổ. Một số loài là nguồn thức ăn cho những động vật bậc cao hơn. Khi loài này ít đi thì những động vật bậc cao hơn cũng ít đi. Tất cả đều nằm trong chuỗi thức ăn tự nhiên, mất đi một loài là ảnh hưởng cả một hệ thống.
 

Không nên chia ra thiên địch và loài có hại

Nhiều người nhìn sinh vật dưới con mắt lợi ích của sản xuất chứ không phải là lợi ích của tự nhiên nên mới chia ra là thiên địch và loài có hại. Cân bằng là phải có tất cả. Bài học nước Nga mấy chục năm về trước nghĩ rằng sói ăn thịt hươu mà người ta muốn hươu để lấy sừng, lấy thịt nên đã diệt sói để bảo vệ đàn hươu. Nhưng sau khi sói bị tiêu diệt thì đàn hươu bị bệnh thường xuyên hơn, số lượng cá thể của đàn lại giảm hơn so với trước đây. Thì ra, sói đã đóng vai trò vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt con hươu yếu, hươu bị bệnh, làm bệnh không lây lan trong đàn, giữ cho đàn hươu khỏe. Mặt khác do bị sói đuổi nên hươu luôn phải cảnh giác, giống như được tập thể dục thường xuyên vậy, khỏe mạnh hơn, đàn sinh sôi phát triển hơn.

Bài học Trung Quốc trước đây từng tiêu diệt chim sẻ cũng vậy. Người ta nghĩ rằng chim sẻ ăn thóc là gây thiệt hại cho mùa màng, là phải tiêu diệt nhưng có ai ngờ sau khi hết chim sẻ mùa màng lại thất thu hơn vì sâu bệnh phát triển quá nhiều, không bị con nào ăn bớt để giảm số lượng.

17-01-57_ly-mu-con-trung-2
Lấy mẫu côn trùng

Tất cả các sinh vật trong tự nhiên đều nằm trong chuỗi liên kết sinh học, sinh thái, con này phụ thuộc vào con kia. Con người can thiệp vào thiên nhiên nếu không cẩn thận sẽ mang lại hậu quả xấu. Giờ về quê tìm thấy các loại chim hót đã hiếm, các loại chim ăn thịt lại càng hiếm hơn vì đủ thứ bẫy và các dụng cụ săn chim hiện đại. Với công nghệ mới, người ta ghi âm tiếng chim vào rồi đặt bẫy ở bên dưới. Chim nghe thấy tiếng tưởng đồng loại liền kéo đến là dính bẫy ngay.

Trước sự tàn phá môi trường ấy, tôi chưa nhìn thấy sự giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền. Nếu không có biện pháp nào để giúp cho người dân thoát khỏi cảnh ô nhiễm thì tình hình ô nhiễm sẽ càng một nặng hơn, thoái hóa đất, thoái hóa môi trường sẽ càng nặng hơn. Rồi sẽ dẫn đến đâu? Con người cũng là một mắt xích trong hệ sinh thái đó.

Đác Uyn đã dẫn một câu chuyện về mối liên hệ giữa các loài trong hệ sinh thái. Trong một chuyến đi đến một vùng châu Mỹ, ông đưa ra một kết luận rằng: Ở đâu có nhiều đàn bà góa thì ở đó có nhiều thịt bò. Ông giải thích rằng: Đàn bà góa thích nuôi mèo, ở đâu có nhiều đàn bà góa, ở đó có nhiều mèo. Nhiều mèo thì ít chuột. Ít chuột làm giảm việc phá phách các tổ ong, làm tăng số lượng loài ong thụ phấn cho cỏ làm thức ăn cho bò. Do đó đồng cỏ phát triển tốt hơn và bò cũng nhiều hơn.

Phát triển sản xuất mà không gây ra vấn đề với môi trường mới là phát triển bền vững. Làm thế nào đây để giúp cho mỗi con sông quê hương, mỗi cánh đồng, mỗi mảnh vườn với hệ sinh thái khỏe mạnh trường tồn mãi mãi? Đó không chỉ là con sông, là cánh đồng, là mảnh vườn. Đó là tương lai của chúng ta!

Chúng ta đang tàn sát động vật hoang dã quá nhiều. Con chim nó đẹp thế, hót hay thế nhưng khi nhìn thấy nó thì nghĩ ngay đến một miếng thịt. Chính các loại chim giúp chúng ta kiểm soát được sâu bệnh trên cánh đồng nhưng các chợ chim nơi nào cũng có, chúng vẫn bị tàn sát hàng loạt từng ngày. Tàn sát động vật hoang dã, tàn phá thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ báo thù bằng các dịch bệnh.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm