| Hotline: 0983.970.780

Không đăng ký dùng cho cây ăn trái với thuốc có độc cao với ong

Thứ Sáu 15/08/2014 , 08:10 (GMT+7)

Nếu có cảnh báo trên nhãn thuốc sẽ giúp nông dân sử dụng thuốc an toàn, đúng nơi, đúng thời điểm tránh được những mối nguy hại cho ong.

Không đăng ký dùng cho cây ăn trái với thuốc có độc cao với ong theo phân loại của cơ quan môi trường Hoa Kỳ EPA (Dự thảo TT 3, điều 6, khoản 3, điểm I).

Hội doanh nghiệp SXKD thuốc BVTV Việt Nam: Chúng tôi đề nghị không cấm đăng ký trên cây ăn quả mà chỉ yêu cầu trên nhãn thuốc phải có cảnh báo nguy cơ độc với ong và khuyến cáo thời gian sử dụng thuốc nhằm hạn chế ảnh hưởng tới ong (ví dụ: Thuốc độc với ong. Không phun thuốc ở những nơi có nhiều ong đang hoạt động hoặc cây đang trong giai đoạn ra hoa…) vì sử dụng thuốc BVTV vào thời điểm cây không ra hoa hay tại những vùng không có nhiều ong, hoạt động sẽ không làm ảnh hưởng đến quần thể ong. Hơn nữa không phải loại hoa nào cũng thu hút ong đến lấy mật. Vì vậy nếu có cảnh báo trên nhãn, sẽ giúp nông dân sử dụng thuốc an toàn, đúng nơi, đúng thời điểm tránh được những mối nguy hại cho ong.

TS Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam: Có 2 khía cạnh khi bàn về việc tại sao cần bảo vệ đàn ong

Khía cạnh kinh tế: Nuôi ong đang trở thành nghề sản xuất có tính hàng hóa. Theo Hiệp hội ong mật Việt Nam, trong năm 2013 cả nước đã xuất khẩu được hơn 37.000 tấn mật ong đến các thị trường thế giới, trong đó xuất sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 34.000 tấn (chiếm 95%), đạt kim ngạch xuất khẩu trên 80 triệu USD.

Ngoài ra, ong nuôi nhỏ lẻ của từng hộ, ong khai thác trong tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhu cầu nội địa cũng rất lớn mà cơ quan thống kê chưa thực hiện được.

Năm 2011, ngành nuôi ong của chúng ta từng bị thiệt hại lớn khi Mỹ không thông quan cho 10.000 tấn mật ong vì có dư lượng carbendazim mà nguyên nhân là khoảng thời gian đó xảy ra dịch bệnh nấm vàng rụng lá trên cây cao su và chúng ta khuyến cáo sử dụng carbendazim để dập dịch và phòng trừ.

Khía cạnh môi trường: Theo Achim Steiner – Giám đốc điều hành chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), trong nhóm cây trồng được thụ phấn nhờ côn trùng thì có đến 70% phụ thuộc vào tác nhân thụ phấn, trong đó phụ thuộc vào ong chiếm 80%.

Ong mật và họ hàng với ong mật đóng vai trò rất quan trọng trong tự nhiên làm giúp cân bằng hệ sinh thái hạ thấp được quần thể côn trùng gây hại. Các nhà khoa học của Pháp và Đức đã nghiên cứu thấy rằng giá trị kinh tế toàn cầu của việc côn trùng thụ phấn, hầu hết là ong, đối với những loại cây trồng chính của thế giới lên đến 153 tỷ bảng Anh (năm 2005). 

Con số này chiếm đến 9,5% tổng giá trị sản lượng lương thực nông nghiệp trên toàn cầu. Nghiên cứu cũng xác định rằng sự mất dần côn trùng, nhất là ong thụ phấn có thể gây ra tổn thất cho người tiêu dùng ước tính từ 190 đến 310 tỷ bảng Anh. Tại Hoa Kỳ, lợi ích từ ong mật thụ phấn cho cây trồng lên đến 15 tỉ USD hàng năm.

Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Đài Loan, Mỹ, Australia... cứ đến mùa cây trái ra hoa, nông dân đã phải thuê những người nuôi đem đàn ong về để thụ phấn cho cây tại trang trại của mình, thường 1ha phải thuê 2-3 đàn ong, giá thuê bình quân 20-40 USD/đàn/tháng.

Như vậy cả về lợi ích kinh tế và môi trường thì việc bảo vệ đàn ong là rất cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ cấm trên cây ăn quả cũng không thực tế, bởi ong lấy phấn trên vườn cây ăn quả chỉ chiếm diện tích nhỏ mà phần nhiều trên các cây trồng khác như lúa, bắp, cao su, cà phê... Bởi vậy với những thuốc có độc với ong thì buộc phải ghi cảnh báo rõ ràng trên nhãn thuốc, trong hướng dẫn sử dụng.

Bộ môn BVTV Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Thực tế không phải vùng cây ăn quả nào cũng nuôi ong, vả lại cây ăn quả chỉ ra hoa trong một thời gian ngắn nên với những thuốc độc với ong chỉ cần buộc ghi trên nhãn là độc với ong để nông dân biết và sử dụng cho đúng.

Đại lý Vật tư Nông nghiệp MT (Long An): Ở ĐBSCL vùng cây ăn trái chỉ tập trung ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và cũng chỉ ở những vùng cây ăn quả tập trung có diện tích lớn, mà nhất là những nơi có diện tích nhãn lớn mới phát triển nghề nuôi ong, còn những địa phương khác có cây ăn quả nhưng không tập trung thì không có nuôi ong. Bởi vậy, cách tốt nhất là các công ty SXKD thuốc có sản phẩm bán về vùng cây ăn quả cần có nghĩa vụ phối hợp với mạng lưới BVTV và chính quyền địa phương tăng cường việc truyền thụ kiến thức, khuyến cáo nông dân để làm sao vừa được cho ong lại vừa được cho cây ăn quả.

Nội dung trao đổi kỳ tới:

Không đăng ký trên lúa với thuốc có độc mãn tính loại I cho thủy sinh theo phân loại của GHS.

Ý kiến phản biện: Diện tích xen canh giữa lúa nước và nuôi trồng thủy sản chỉ là số nhỏ. Mặt khác độc mãn tính với thủy sinh chỉ xảy ra khi thủy sinh tiếp xúc với thuốc trong thời gian dài. Trên thực tế thuốc ít gây độc cho thủy sinh vì thời gian tiếp xúc ngắn. Bởi vậy chỉ cần ghi cảnh báo trên nhãn thuốc.

Rất mong bạn đọc góp ý kiến trao đổi: Ý kiến xin gửi theo địa chỉ thư điện tử: diendanbvtv@gmail.com.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.