| Hotline: 0983.970.780

Không dùng thuốc thú y thủy sản điều trị bệnh vô tội vạ

Thứ Năm 21/12/2023 , 14:30 (GMT+7)

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo người dân không lạm dụng kháng sinh, không tự ý mua kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh trên thủy sản nuôi.

Thời gian vừa qua, cơ quan chuyên môn Thú y Hà Tĩnh mạnh tay xử lý các hành vi buôn bán kháng sinh cấm sử dụng, thuốc thú y giả, kém chất lượng. Ảnh: TN.

Thời gian vừa qua, cơ quan chuyên môn Thú y Hà Tĩnh mạnh tay xử lý các hành vi buôn bán kháng sinh cấm sử dụng, thuốc thú y giả, kém chất lượng. Ảnh: TN.

Hiện, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 7.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS), với các đối tượng nuôi chủ lực là tôm, cá mặn lợ và nhuyễn thể. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 16.800 tấn, tăng 3,5% so với năm 2022, giá trị sản xuất đạt 992 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh tế nghề NTTS đem lại cho người dân lớn nên quy mô diện tích nuôi theo hướng thâm canh công nghiệp và bán công nghiệp tại các địa phương tăng lên theo từng năm, điều này tạo áp lực cho môi trường nuôi cũng dịch bệnh luôn thường trực.

“Khi môi trường nuôi bất ổn, dịch bệnh nhiều sẽ kéo theo việc sử dụng nhiều hoặc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng, điều trị bệnh trên các đối tượng NTTS. Vừa qua Chi cục đã phát hiện tình trạng buôn bán kháng sinh cấm sử dụng, thuốc thú y giả, kém chất lượng; tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, chế phẩm sinh học tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí có tình trạng người dân lạm dụng kháng sinh, tự ý mua kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh thủy sản nuôi”, một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin.

Việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong NTTS sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Ảnh: TN.

Việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong NTTS sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Ảnh: TN.

Theo vị này, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong NTTS sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Lượng tồn dư này khó loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, nếu tích tụ sau một thời gian sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đơn cử như kháng sinh Chloramphenicol trước đây là kháng sinh đặc trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau đó bị cấm vì tác dụng phụ gây ức chế sự hoạt động của tủy xương dẫn đến thiếu máu và suy tủy, ngoài ra thuốc này còn có khả năng gây ra hội chứng xanh xám ở trẻ sơ sinh.

Về kinh tế, tác hại của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong NTTS khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về, gây thiệt hại lớn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người nuôi trồng.

Vì vậy, người nuôi trồng cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định pháp luật về sử dụng thuốc thú y, kháng sinh trong NTTS. Ảnh: TN.

Vì vậy, người nuôi trồng cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định pháp luật về sử dụng thuốc thú y, kháng sinh trong NTTS. Ảnh: TN.

Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng thuốc thú y trong NTTS theo đúng quy định, góp phần hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành chuyên môn Hà Tĩnh đề nghị các cơ sở nuôi trồng trên địa bàn thực hiện đúng, đủ các hướng dẫn sau:

- Chỉ sử dụng thuốc thú y thủy sản để phòng, điều trị bệnh cho động vật thủy sản theo hướng dẫn và đơn thuốc thú y theo quy định;

- Tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng hóa chất, kháng sinh. Đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế, kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong NTTS;

- Chỉ sử dụng thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành;

- Tuân thủ lịch mùa vụ và quy trình nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thủy sản; không lạm dụng hóa chất, kháng sinh;

- Không mua thuốc trực tiếp của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ điều kiện buôn bán.

Trường hợp phát hiện cơ sở sử dụng thuốc thú y thủy sản không đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2, Khoản 7, Khoản 8, Điều 5, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017, với mức phạt từ 500 ngàn đồng đến 10 triệu đồng.

Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định, danh mục thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng trong thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng, chất bảo quản trong NTTS; sơ chế, chế biến động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản, bao gồm: Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng; Chloramphenicol; Chloroform; Chlorpromazine; Colchicine; Dapsone; Dimetridazole; Metronidazole; Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone); Ronidazole; Green Malachite (Xanh Malachite); Ipronidazole; Các Nitroimidazole khác; Clenbuterol; Diethylstilbestrol (DES); Glycopeptides; Trichlorfon (Dipterex); Gentian Violet (Crystal violet); Trifluralin; Cypermethrin; Deltamethrin; Enrofloxacin; Ciprofloxacin; Nhóm Fluoroquinolones.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.