| Hotline: 0983.970.780

Không khí lạnh hiếm có 40 năm, cảnh báo nguy cơ sâu bệnh hại lúa

Thứ Hai 16/05/2022 , 17:57 (GMT+7)

Đợt không khí lạnh hiếm có trong 40 năm qua, kèm mưa, trời âm u đang có nguy cơ rất cao bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đông xuân phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục BVTV, ông Nguyễn Quý Dương (phải) và Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, ông Trần Ngọc Chính kiểm tra tình hình dịch hại tại đồng ruộng vụ đông xuân. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV, ông Nguyễn Quý Dương (phải) và Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, ông Trần Ngọc Chính kiểm tra tình hình dịch hại tại đồng ruộng vụ đông xuân. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 16/5, Sở NN-PTNT Nam Định có công điện gửi UBND, Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc phòng trừ sâu bệnh hại vụ đông xuân 2021 - 2022.

Theo đánh giá, từ 11/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều ngày. Một số diện tích lúa chưa kịp phun thuốc BVTV hoặc phun xong gặp mưa nên hiệu quả phòng trừ kém.

Đặc biệt, từ ngày 15/5, đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm qua làm nhiệt độ giảm sâu, gây mưa giông xen kẽ, biên độ nhiệt ngày và đêm lớn trùng vào giai đoạn lúa trỗ bông. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại mạnh, có thể bùng phát gây hại trên diện rộng, làm giảm sút năng suất lúa xuân.

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BVTV) Nam Định cho biết, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 trên địa bàn sẽ nở rộ từ ngày 22/5, gây hại chủ yếu trên diện tích lúa trỗ bông sau ngày 20/5. Bệnh đen lép hạt, bệnh bạc lá... có quy mô phân bố và mức độ gây hại cao hơn vụ xuân 2021.

"Nông dân cần nhận thức được tác hại của bệnh đạo ôn cổ bông và việc phun thuốc chỉ có tác dụng phòng bệnh ở giai đoạn lúa bắt đầu trỗ, hoặc trỗ thoát hoàn toàn. Khi lúa có vết bệnh biểu hiện trên cổ bông hoặc bông lúa đã bị bạc thì không có khả năng phòng trừ", ông Chính nói.

Bệnh đạo ôn cổ bông nguy cơ bùng phát khi gặp thời tiết lạnh, kèm mưa nhiều.

Bệnh đạo ôn cổ bông nguy cơ bùng phát khi gặp thời tiết lạnh, kèm mưa nhiều.

Nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa đông xuân, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị UBND, Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho những diện tích lúa phun xong gặp mưa, hoặc những vùng lúa bắt đầu trỗ 3 - 5% số bông.

Những giống nhiễm như BC15, TBR225, Khang Dân 18, Q5, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168, nếp... cần được tập trung phòng trừ theo nguyên tắc ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau.

Nếu gặp áp lực bệnh cao, người dân cần phun thuốc lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Ruộng lúa khi trỗ không kịp phun thuốc phải phun lại ngay sau khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn.

Bên cạnh đó, người dân cần tổ chức phun trừ kịp thời sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 (tập trung từ ngày 22/5 - 27/5), rầy nâu lứa 3, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn... theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, diện tích lúa xuân đã trỗ khoảng 34.290ha, chiếm 48% diện tích. Dự kiến đến ngày 20/5, 90% diện tích lúa sẽ trỗ. Đến ngày 25/5, các trà lúa xuân toàn tỉnh cơ bản trỗ xong.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 71.000 ha, giảm hơn 780 ha so với vụ xuân 2021. Lúa thuần chiếm 92% cơ cấu giống, riêng giống Bắc thơm 7 chiếm 63% diện tích. Toàn tỉnh đã xây dựng được 253 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 11.263 ha, trong đó 1.472 ha được bao tiêu sản phẩm. 

Về rau màu, Nam Định gieo trồng vụ này khoảng 11.790 ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạc chiếm 3.983 ha, ngô 927 ha, còn lại là các cây trồng khác.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.