Hối hả ra đồng chăm sóc lúa
Những ngày sau Tết, trên cánh đồng lúa ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, nhiều nông dân hối hả ra đồng cấy dặm, tháo nước, bẫy chuột, bón phân cho lúa đông xuân đang thời kỳ đẻ nhánh.
Gia đình ông Lương Hòa có hơn 8 sào lúa cho biết, cuối năm 2021, do ảnh hưởng mưa lũ nên trà lúa đông xuân trên địa bàn gieo sạ muộn. Song nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân tích cực chăm sóc kể cả trước, trong và sau Tết nên cây lúa hiện sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại.
Đối với ruộng lúa nhà ông Hòa đang giai đoạn đẻ nhánh nên cần được cấy dặm, nhổ cỏ dại, dẫn nước vào ruộng. Vì vậy những ngày qua, gia đình tập trung nhân lực để chăm sóc với hi vọng có một vụ mùa thắng lợi.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Tiến có 2 sào lúa đang chăm sóc, bón phân. Ông cho biết, trước Tết chính quyền địa phương đã tuyên tuyền, hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật và thời điểm chăm sóc lúa. Nông dân đã thực hiện việc cấy dặm, nhổ cỏ dại, bón phân đợt một. Sau Tết trên đồng ruộng xuất hiện một số loại sâu bệnh như đạo ôn, bọ đen, nên nông dân đã chủ động phòng, trừ.
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên, vụ đông xuân 2021 - 2022, tỉnh Phú Yên đã gieo sạ 26.666 ha lúa, gồm các giống như ML49, ML48, ML213, khang dân 18, ĐV108…
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay, diện tích gieo sạ cao hơn so với kế hoạch hơn 100 ha. Hiện các trà lúa đều phát triển rất tốt, chỉ số ít diện tích bị chuột cắn phá và bị bệnh đạo ôn, bọ trĩ, sâu năn... Do đó, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi và hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời các đối tượng gây hại cho cây trồng.
Không lơ là đồng ruộng
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên, hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh buổi sáng lạnh, thỉnh thoảng có mưa nên sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Cùng với đó, theo dự báo, các đối tượng như bọ trĩ, chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, bệnh đạo ôn, thối thân... tiếp tục phát sinh và gây hại.
Do đó, Chi cục đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp phòng, trừ.
Cụ thể, đối với lúa trà sớm (giai đoạn đòng - trỗ) cần tập trung chăm sóc, giữ nước, bón phân cân đối và hợp lý…; đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời và phòng trừ các đối tượng gây hại như chuột, sâu đục thân, cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh đạo ôn, thối thân... khi có nguy cơ gây hại nặng.
Đối với lúa trà chính vụ - trà muộn (giai đoạn mạ - đòng), tập trung chăm sóc, tỉa dặm sớm, bón phân cân đối và hợp lý… cũng như tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời và phòng trừ các đối tượng gây hại như chuột, OBV, bọ trĩ, sâu năn, bệnh đạo ôn...
Ngày 9/2, Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên đã có thông báo tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua (từ ngày 2 - 8/2), cho thấy đang chú ý bệnh khảm lá virus gây hại trên cây sắn. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 8.301 ha sắn bị nhiễm bệnh, với tỷ lệ bệnh từ 5 - 100%, tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa và Tuy An.
Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 1 ha, tỷ lệ bệnh từ 5 - 15% cây; diện tích nhiễm trung bình 800 ha, tỷ lệ bệnh từ 15 - 30% cây; diện tích nhiễm nặng 7.500 ha, tỷ lệ bệnh từ 50 - 100% cây. Dự báo thời gian tới, bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại, bệnh thối củ có khả năng phát sinh gây hại tại một số địa phương. Do đó, Chi cục khuyến cáo các địa phương truyên truyền nông dân cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân, khi phát hiện cây bị bệnh thì nhổ loại bỏ cây bị bệnh…cũng như chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng.