Đó là câu thơ trong bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của Tố Hữu, và hôm nay, tôi xin mượn bậc tiền nhân câu thơ ấy để nói về những người đã bám trụ Pha Đin nhằm thay đổi mảnh đất này.
Ba năm trước tôi từng lên đỉnh đèo Pha Đin (nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Điện Biên và Sơn La) và chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ. Chuyện về những người cống hiến tuổi xuân và tiền bạc để tri ân mảnh đất lịch sử này.
Lần này quay lại, vẫn những con người ấy, nhưng Pha Đin đã khác rất nhiều. Nếu đứng từ ngọn núi cao nhất của đèo Pha Đin nhìn xuống, khu đất bằng phẳng trên đỉnh đèo bây giờ giống như một khu dân cư thu nhỏ. Đông đúc, tấp nập. Khác hẳn so với thời điểm cách đây ba năm.
Những lớp học cắm bản ngày xưa đã trở thành trường học khang trang. Có nước sạch và rất nhiều cửa hàng kinh doanh đặc sản vùng cao. Và một điều vô cùng đáng quý, Pha Đin bây giờ còn có cả tỷ phú.
Người đầu tiên tôi gặp khi lên đỉnh Pha Đin ba năm về trước là Trần Thị Thủy. Một cô gái quê ở Hà Tĩnh, vì tình yêu Pha Đin, vì tình yêu với những anh lính Cụ Hồ, vì một giấc mơ trong sự trăn trở với những đóng góp của Pha Đin trong lịch sử đã lên với mảnh đất này. Bây giờ, Thủy được xem là "bà chúa" ở nơi cao hơn 1.600 m so với mực nước biển.
Còn nhớ, lần gặp gỡ đầu tiên, Thủy nói với tôi: “Ban đầu, tôi lên chỉ có một mình. Không sợ trời, không sợ đất chỉ sợ Pha Đin không giữ được màu xanh”. Bây giờ, màu xanh đã phủ hơn 200 ha rừng thông của chị. Chị là tỷ phú.
Và cũng đã đến lúc chị có thể thực hiện giấc mơ của mình, như cái lý do khi rời bỏ Cty kinh doanh để lên với đỉnh đèo: “Con đèo này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nơi ngã xuống của nhiều bộ đội. Tôi yêu hình ảnh người bộ đội. Bố tôi cũng là bộ đội nên tôi xem nơi đẻ ra hình ảnh “anh gánh chị thồ” trong thơ Tố Hữu hết sức thiêng liêng nên muốn làm một cái gì đó cho con đèo lịch sử”.
Trong ngôi nhà sàn được dựng theo lối của người Thái, Thủy thu thập rất nhiều hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để treo kín các bức tường. Giống như bao người con dân tộc Việt Nam khác, chị thần tượng vị Anh hùng dân tộc nổi tiếng khắp năm châu sau khi làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Trần Thị Thủy
Ngôi nhà được chia thành nhiều phòng với mục đích chính là tiếp đón những chiến sĩ Điện Biên một thời về thăm lại chiến trường xưa. Nhà nằm trên một đồi thông, cạnh những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên mà những lần làm đường người ta phát hiện.
Đó chắc chắn là những TNXP, những dân công, bộ đội đã ngã xuống trong những lần kéo pháo, tiếp lương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Phía bên trong cất giữ rất nhiều sách, đều viết về Điện Biên Phủ, về Pha Đin hết. Những cuốn sách theo chị lên đây từ những ngày đầu tiên của 10 năm về trước. Không ít đoạn Thủy thuộc lòng:
“60 năm về trước, Pha Đin nằm trong tuyến huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ của bộ đội Việt Nam. Vì thế mà Pha Đin ghi dấu chân của 8.000 TNXP, dân công hoả tuyến với hàng trăm lượt gánh gồng, tải đạn, chở gạo qua đây mỗi ngày. Nó cũng là tuyến đường hành quân của các lực lượng bộ binh, pháo binh… đến Trần Đình, là tên gọi bí mật của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đèo Pha Đin chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sĩ Điện Biên. Đường kéo pháo vào Điện Biên không chỉ có một mà có nhiều chặng, nhiều hướng đi, nhiều đích đến. Có lúc, đó là đường dùng cho cả chiến dịch.
Nhưng có khi, nó chỉ tồn tại để pháo được kéo qua trong vài giờ đồng hồ, rồi sau đó lại ẩn mình trong rừng sâu, núi thẳm như chưa từng có bao giờ.
Trong hệ thống đường kéo pháo bằng sức người chưa từng có trên thế giới ấy, có một quãng đường đặc biệt được làm chỉ trong vòng 20 giờ, với chiều dài 15 km, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 m, xuống Bản Tấu, Bản Nghễu.
Trên đoạn đường ấy, bộ đội Việt Nam đã kéo những khẩu pháo nặng 2,4 tấn hoàn toàn bằng sức người, vượt qua dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở, vực sâu và máy bay địch gầm rít trên đầu.
Gian nan không kể xiết, để rồi 40 khẩu pháo 75 mm và súng cối 120 mm vẫn kịp đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn trận Điện Biên Phủ lúc 17 giờ ngày 13/3/1954”.
Quả là khó tin thật, nhưng Thủy cứ kể vanh vách với tôi như thế.
Cách đó chừng một cây số về phía dốc đèo là tấm bia di tích lịch sử. “Đèo Pha Đin dài 32 km, điểm cao nhất là 1.648 m so với mực nước biển. Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm của ta phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và TNXP vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng”.
Những nấm mồ trên đỉnh Pha Đin
Trở lại Pha Đin tôi còn gặp ông Phạm Văn Dị, người đàn ông trong phóng sự "Lặng lẽ Pha Đin" mà tôi viết ba năm trước. Ông đã nghỉ công tác ở trạm Viba quân đội. Nhưng có một điều ngạc nhiên là sau khi về hưu, người đàn ông ấy không về quê như ước vọng khắc khoải mấy chục năm trời mà ông từng thổ lộ với tôi. Ông đón cả gia đình lên đỉnh Pha Đin, mua đất, dựng nhà rồi ở hẳn chốn này. |
Tấm bia chỉ ghi được một phần lịch sử. Thủy bảo với tôi rằng xung quanh đồi thông thỉnh thoảng vẫn đào được bom. Năm 2007, công nhân đào đường còn phát hiện cả một quả bom nặng gần 5 tạ nằm ngay trên đỉnh đèo. “Và chẳng biết trong lớp đất đá này còn bao nhiêu người ngã xuống chưa được tìm thấy”, chị nghẹn ngào.
Thời tôi biết Thủy, chị mơ mộng biến Pha Đin thành một màu xanh, thành nơi an nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ. Đã bao năm rồi, giấc mơ của người đàn bà này vẫn vậy. Bỏ qua những giá trị vật chất khiến người ta gọi chị là tỷ phú, bây giờ chị chỉ còn mục đích là tìm được thật nhiều hài cốt của những người đang nằm trong lòng đất, đưa họ lên nơi cao nhất ở đỉnh đèo này yên nghỉ. Để mỗi lần có khách qua lại, có ghé đỉnh Pha Đin thì thắp cho những anh hùng liệt sĩ nén nhang tưởng nhớ.
Nếu trời thương cho Thủy khỏe mạnh, chị sẽ xây hẳn một nghĩa trang ở một nơi gọi là Kho báu Pha Đin. Đó là rừng phong lá đỏ chị tự đặt tên Rừng Thu cấm. Rừng Thu cấm, đó sẽ là cõi tiên vĩnh hằng trải dài trên đất Điện Biên và Sơn La.
“Thế hệ cha ông đã làm nên một Pha Đin huyền thoại thì chẳng có lí do gì để mình không yêu nơi này”. Trần Thị Thủy thường nói thế mỗi khi có ai đó khuyên chị nên bán bớt một phần của Pha Đin để chuyển về những nơi đô hội.
Rồi Thủy lại đọc cho tôi nghe những vần thơ mà chị tự sáng tác từ những ngày đầu tiên lên đỉnh Pha Đin: Pha Đin ơi nơi gặp gỡ giao thoa giữa trời và đất/ Nơi con người gặp gỡ cỏ cây/ Gửi vào đây lòng người con gái trẻ/ Sức vóc mình mang nặng gánh tương lai.
Ba năm trước, những vần thơ ấy còn là giấc mơ, nhưng bây giờ giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Với tài sản hiện tại, chị có quyền nhận thêm nhiều người đưa lên Pha Đin lập nghiệp. Tiêu chí của người đàn bà kỳ lạ này cũng rất đơn giản: Chỉ cần có tình yêu với Pha Đin.