| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng lúa gạo mới

Lúa gạo là vị thế chính trị của Việt Nam trên bản đồ thế giới

Thứ Sáu 01/09/2023 , 14:00 (GMT+7)

Nhìn lại con đường phát triển của lúa gạo ở miền Tây trải qua hơn 120 năm, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng GS.TS Bùi Chí Bửu.

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, người nặng tình với cây lúa. Ảnh: Kim Anh.

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, người nặng tình với cây lúa. Ảnh: Kim Anh.

Nghiên cứu khoa học - nền tảng cho ngành hàng lúa gạo phát triển

Bài liên quan

Mở đầu câu chuyện về con đường phát triển lúa gạo ở miền Tây, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đầy hứng khởi chọn dấu mốc năm 1921 - 1924, thời điểm vàng son khi Việt Nam xuất khẩu đạt 1 triệu tấn gạo/năm. Đến năm 1939, lượng gạo Việt xuất khẩu tiếp tục tăng lên 2 triệu tấn.

Thế nhưng, từ sau nạn đói năm 1945 lượng gạo xuất khẩu bắt đầu giảm dần. Thời điểm năm 1954 ghi nhận sản lượng gạo xuất khẩu chỉ còn 0,52 triệu tấn. Đến năm 1968 nước ta ngưng xuất khẩu và trở thành nước nhập khẩu gạo. Đặc biệt năm 1980, cả nước phải nhập 2 triệu tấn lương thực.

Là người chứng kiến khoảng thời gian dài thiếu lương thực cho đến cuộc cách mạng về lúa gạo hiện nay, ông Bửu nhìn nhận, các giống lúa thời bấy giờ bà con nông dân sử dụng chủ yếu là các giống truyền thống, năng suất và sản lượng rất thấp, chỉ khoảng 2 tấn/ha.

Trồng lúa là nghề truyền thống gắn chặt với cuộc sống và tạo thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân miền Tây. Ảnh: Kim Anh.

Trồng lúa là nghề truyền thống gắn chặt với cuộc sống và tạo thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân miền Tây. Ảnh: Kim Anh.

Năm 1977, Viện Lúa ĐBSCL ra đời, qua lời kể của GT.TS Bùi Chí Bửu, khoảng thời gian này vùng ĐBSCL chủ yếu du nhập giống từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) để sản xuất trên diện rộng, phổ biến là các giống IR36, IR19660 và TN73-2. Tuy nhiên các giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài, lên tới 120 ngày.

Bài liên quan

“Những ngày đầu, 5 anh em từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ nhận nhiệm vụ tại Viện Lúa ĐBSCL. Tôi dành trọn 3 năm chỉ để đi điều tra, thu thập gần 2.600 mẫu lúa giống ở các địa phương trên cả nước. Đồng thời tìm kiếm các giống lúa hoang ở vùng Đồng Tháp Mười để làm dòng dẫn xuất bố mẹ phục vụ công tác lai tạo sau này”, GS.TS Bùi Chí Bửu kể về khoảng thời gian gắn bó với công tác lai tạo giống lúa.

Cùng lúc này, các cánh đồng lúa ở miền Tây trải qua đợt rầy nâu phá hoại nghiêm trọng. Điều này khiến các nhà khoa học càng thêm quyết tâm nghiên cứu, chọn tạo ra các giống lúa mới.

“Lúc bấy giờ, chúng tôi có chiến lược là trồng lúa trước lũ và sau lũ. Nghĩa là vụ hè thu, trồng vào tháng 4 - 5, đảm bảo thu hoạch trong tháng 8 và sau khi nước lũ rút tới đâu bà con nông dân gieo sạ tới đó. Vì thế, các nơi gieo sạ không đồng đều, chúng tôi phải tính làm sao không để cây lúa có thời gian sinh trưởng 120 ngày mà phải giảm còn 90 - 100 ngày”, GS.TS Bùi Chí Bửu bộc bạch.

Theo GS Bửu, thời kỳ này, Viện Lúa ĐBSCL đã lai tạo với tốc độ 150 - 200 tổ hợp lai mỗi năm chỉ để tìm ra được một giống ưng ý nhất. Sau đó, cần 2 năm để mang giống đi khảo nghiệm. Cuối cùng để được đưa vào sản xuất đại trà mất thêm khoảng 8 năm.

Do đó, mục tiêu của các nhà khoa học là chọn giống 90 ngày làm chuẩn, tiếp đến là giống gạo dài đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu, kế tiếp là gạo phải mềm cơm, kháng rầy nâu. Các mục tiêu phải xếp chồng lên nhau để ra được giống phẩm chất cao.

Thông qua bộ vật liệu của Ấn Độ gửi tặng, các chuyên gia bắt tay thực hiện công tác lai tạo thành công và cho ra đời giống lúa cực sớm đầu tiên là OM80. Tiếp đó, nhiều giống lúa cao sản ngắn ngày (90 - 100 ngày) do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, như OM269, OM1490, OM4900, OM2517, AS996.

Ngoài ra, thông qua sự kết nối của IRRI, Viện Lúa ĐBSCL nhận được hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế triển khai chương trình quy mô lớn kéo dài 5 - 6 năm. Mục tiêu nhằm tìm ra những giống lúa chống chịu mặn, ngập, khô hạn, thiếu lân cho vùng đất phèn… nhưng đảm bảo được năng suất cao. Những giống lúa này đã trở thành vật liệu đệm cho công tác nghiên cứu, lai tạo sau này.

Hình ảnh con trâu kéo cày trên đồng cũng không còn xuất hiện, thay vào đó cơ giới hóa bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, tốc độ tăng nhanh trên cây lúa. Sự thay đổi đó đã đưa Việt Nam quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo vào năm 1989, chủ yếu là gạo cứng cơm, giá trị thấp.

Kể từ thời điểm năm 1995, thị trường xuất khẩu bắt đầu có sự thay đổi, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn đối với hạt gạo Việt. Đặc biệt chú trọng gạo trắng, hạt dài trên 7mm và mềm cơm. Một lần nữa, công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Lúa ĐBSCL dịch chuyển.

Những nỗ lực đó đã tạo nên thành công lớn cho sản xuất lúa gạo của Việt Nam, sản lượng lúa tăng rất nhanh, năm 2000 đạt 5 - 6 triệu tấn, đến giai đoạn 2005 - 2006 vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn và đến nay đạt từ 24 - 25 triệu tấn.

GS.TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh, về mặt kinh tế, cây lúa có mức đầu tư thấp, thu lãi ổn định và bền vững nhất. Đồng thời, lúa gạo cũng là vị thế chính trị của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Do đó, nền tảng để ngành hàng lúa gạo phát triển đó là quan tâm, đầu tư cho mảng nghiên cứu khoa học.

“Chúng tôi mất khoảng 5 năm để biến hạt gạo từ 6,6 - 6,7 li lên 7 li và gần 10 năm để bóc từng hạt gạo ra nghiền, thử hàm lượng amylose để đảm bảo ở mức độ 20%. Đây là công đoạn rất nhiều khó khăn”, GS.TS Bùi Chí Bửu chia sẻ thêm.

Con đường độc đạo đưa gạo Việt xuất khẩu

Mở ra con đường thủy độc đạo chở lúa gạo miền Tây đi tiêu thụ và xuất khẩu, cách đây trên 120 năm, Pháp đã tiến hành cho đào kênh xáng Xà No dài gần 40km, nối liền sông Cần Thơ (từ Vàm Xáng, huyện Phong Điền) đến sông Cái Lớn (rạch Cái Tư) chảy ra biển Tây.

Kênh xáng Xà No - Con đường độc đạo chuyên chở lúa gạo ở miền Tây đi tiêu thụ và xuất khẩu cách đây hơn 120 năm và giờ đây trở thành tuyến đường thủy huyết mạch của người dân tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Kênh xáng Xà No - Con đường độc đạo chuyên chở lúa gạo ở miền Tây đi tiêu thụ và xuất khẩu cách đây hơn 120 năm và giờ đây trở thành tuyến đường thủy huyết mạch của người dân tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Xà No là tiếng Khmer, nghĩa là Sóc Snor, nơi có nhiều cây điên điển mọc lên. Lần đầu tiên bà con nông dân được tận mắt thấy máy xáng đào kênh, phương tiện khá hiện đại thời bấy giờ. Sau khi kênh đào xong, kênh xáng Xà No được tiếp tục chia ra những kênh nhỏ cắt ngang, cứ 500m có một kênh nhỏ và 1.000m là một kênh lớn, song song với hệ thống kênh Cái Sắn, hình thành nên một loạt kênh: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Mười Bốn Ngàn… Kênh xáng Xà No trở thành tuyến đường thủy huyết mạch, độc đạo vận chuyển lúa gạo về cảng Sài Gòn.

Chúng tôi hòa mình vào câu chuyện của GS.TS Bùi Chí Bửu: “Lúa được vận chuyển bằng ghe tam bản. Thời đó, trên mỗi phương tiện đều có vẽ mắt ghe, nhìn vào đó nông dân sẽ biết được ghe từ xứ nào đến. Những điền chủ ở Bạc Liêu, Sóc Trăng chở từ sông Tiền nối qua sông Mang Thít, qua kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) chạy vào sông Vàm Cỏ để lên cảng Sài Gòn”.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, hệ thống thủy lợi trong vùng tiếp tục được triển khai hoàn chỉnh hơn. Chính quyền cho đào những kênh trục đứng, ngang bài bản, có cống, âu thuyền ngăn mặn, phát huy tốt khả năng dẫn nước ngọt từ sông Hậu phục vụ sản xuất lúa.

Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu, từ năm 2010 mặn bắt đầu xâm nhập, nhưng không xâm nhập quá 100.000ha, thiệt hại nặng nhất cũng nằm ở khoảng 60.000ha. Nghiêm trọng nhất là giai đoạn 2015 - 2016, xâm nhập mặn khiến 250.000 - 260.000ha lúa mất trắng. Vành đai mặn xâm nhập gây nguy hiểm càng teo lại, phù sa không còn phong phú nữa. Đặc biệt khi Trung Quốc làm đập thủy điện ở thượng nguồn làm lực đẩy mặn trong mùa khô ngày càng sâu hơn.

Chợ Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang gắn liền với lịch sử phát triển của kênh xáng Xà No, là kho lúa gạo lớn ở Nam bộ do người Pháp lập nên. Ảnh: Kim Anh

Chợ Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang gắn liền với lịch sử phát triển của kênh xáng Xà No, là kho lúa gạo lớn ở Nam bộ do người Pháp lập nên. Ảnh: Kim Anh

GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định 3 yếu tố hàng đầu tạo thuận lợi cho ngành hàng lúa gạo phát triển là chính sách, giống và thủy lợi. Trong đó, ông Bửu nhấn mạnh, thủy lợi chính là yếu tố hàng đầu quyết định thành công, nếu thủy lợi không tốt, dù có nguồn giống tốt cũng không giải quyết được vấn đề phát triển.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL. Đặc biệt việc xây dựng thêm hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp cho cả vùng Tây sông Hậu thoát được phèn, ngăn mặn, vừa giải quyết được vấn đề giao thông. Số liệu tính toán sơ bộ được GS.TS Bùi Chí Bửu đưa ra, chi phí đầu tư cho thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và việc trồng lúa nói riêng từ Bộ NN-PTNT chiếm khoảng 70%. Điều này đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Kênh xáng Xà No ngày nay ngoài vai trò phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hóa của vùng Hậu Giang, đã trở thành điểm nhấn du lịch của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Kênh xáng Xà No ngày nay ngoài vai trò phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hóa của vùng Hậu Giang, đã trở thành điểm nhấn du lịch của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

“Bức tranh lúa gạo Việt Nam đã rất sáng, tuy những khó khăn, thách thức vẫn còn nhưng chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công”, đó là khẳng định của GS.TS Bùi Chí Bửu đúc kết lại câu chuyện về hành trình hơn 100 năm phát triển trên con đường lúa gạo miền Tây.

Xem thêm
Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn nhất cho Trung Quốc về sản lượng

Tuy nhiên xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, chiếm 12,1% tỷ trọng, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% của thị trường cung cấp chè lớn nhất là Sri Lanka.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Cao su Chư Prông tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Nông trường Cao su Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2024.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất