| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Thứ Hai 23/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

Năm 2013, thời tiết bất thuận đã làm phát sinh, lây lan các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản, song ngành Thú y đã y vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

* Vắc xin dự phòng dồi dào

Năm 2013, thời tiết bất thuận đã làm phát sinh, lây lan các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản, song ngành Thú y đã y vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vừa qua, Cục Thú y đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch 2014 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo hội nghị

Một năm vất vả nhưng nhiều thành công

Theo ông Đông, năm 2013, dịch cúm gia cầm (CGC) H5N1 đã xảy ra tại 50 xã, phường thuộc 7 tỉnh trên cả nước. Trước tình hình đó, ngành đã xử lý nhanh chóng, triệt để các ổ dịch. Các chương trình giám sát chủ động, chương trình đánh giá vắc xin được triển khai hiệu quả. Từ tháng 10/2013, dịch CGC đã được kiểm soát.

Các loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên đàn gia súc như lở mồm long móng (LMLM), bệnh lợn tai xanh cũng đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, làm ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Nhờ rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu từ những năm trước; chủ động phòng, chống dịch bệnh, do đó mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều lần so với năm 2012.

Hiện nay, dịch LMLM cơ bản đã được khống chế ổn định, cả nước chỉ còn Nghệ An và Phú Yên đang có các ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Ông Đông cũng cho hay, dịch bệnh trên tôm trong năm 2013 tuy xảy ra ở nhiều địa phương hơn, nhưng tổng diện tích bị bệnh chỉ bằng khoảng 49,15% so với năm 2012. Dịch bệnh trên các loại thuỷ sản khác vẫn diễn ra rải rác, không phát triển thành dịch trầm trọng.

Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu và phòng chống nhập lậu động vật qua biên giới cũng được tiến hành sâu sát, quyết liệt. Bên cạnh việc giám sát giết mổ, vệ sinh thú y tại các địa phương, Cục cũng đã chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, nhằm kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sơ chế, kinh doanh động vật tại 8 tỉnh/thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ để có căn cứ đánh giá xếp loại cho từng đơn vị cụ thể.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý chất lượng thuốc thú y, Cục đã kiểm tra đánh giá GMP đối với 29 nhà máy SX thuốc thú y; lấy 365 mẫu thuốc thú y và 27 mẫu vắc xin tai xanh, CGC để kiểm tra chất lượng…

SX vắc xin LMLM trong nước

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, cho rằng: Vấn đề nóng nhất của ngành Thú y năm 2013 là dịch LMLM. Một số tỉnh miền Trung xuất hiện cả các ổ dịch nhiễm virus tuýp A và tuýp O, và bắt đầu lan vào miền Nam (Tiền Giang, Long An). Vì vậy, Cục phải siết chặt quản lý kiểm dịch trong hoạt động vận chuyển động vật từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam.

Về mặt chiến lược lâu dài, ông Bình đề nghị Bộ và Cục cho phép Cơ quan Thú y vùng VI được tiếp nhận tất cả các mẫu virus LMLM từ các vùng và Trung tâm Chẩn đoán Thú y TW đã xác định các chủng virus để giải mã gen.

 “Hiện chúng tôi đang quản lý nguồn gen tất cả các chủng virus LMLM có ở VN và nhiều chủng virus CGC, tai xanh. Với điều kiện kỹ thuật như hiện nay, nước ta có thể nghiên cứu SX vắc xin cho từng vùng cụ thể, như Thái Lan hiện nay đang thực hiện”, ông Bình cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Bình, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), cho biết: “Về lý thuyết và thực tiễn, không có loại vắc xin ngoại nhập nào hiệu quả bằng vắc xin do chính chúng ta tự SX. Do đó, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y quan tâm xây dựng các khu chăn nuôi gia súc để phục vụ cho công tác thử nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin ở cả phía Nam và phía Bắc. Nếu chúng ta thực hiện được cái này sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho quốc gia”.


Tăng cường tiêm phòng, hạn chế phát sinh dịch bệnh

Về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị ngành phải tập trung nghiên cứu các loại vắc xin cho LMLM, để tháng 2/2014 chúng ta có được vắc xin tuýp O, tuýp A phù hơp với Việt Nam, thông qua đó chủ động phòng chống tốt hơn. Đối với CGC và tai xanh, phải lựa chọn được các loại vắc xin phù hợp với đặc điểm dịch bệnh của từng vùng khác nhau, tránh gây lãng phí thuốc.

Phải có sức mạnh của ngành

Nhận định về hoạt động của Cục Thú y trong năm 2013, GS.TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cho rằng: “Ở đâu có ổ dịch là ở đó có cán bộ thú y. Điều đó cho thấy, công tác lãnh đạo phòng chống dịch đã bám sát thực tiễn, không phải lối chỉ đạo dựa trên lý thuyết suông, ngồi từ xa chỉ đạo trên giấy mực, văn bản”.

GS.TS Đậu Ngọc Hào nhấn mạnh: “Ngành phải có sức mạnh của ngành, và Thú y là một ngành quyền lực. Chúng ta phải đủ mạnh thì mới phát triển được chăn nuôi và đưa sản phẩm của ngành chăn nuôi ra thế giới thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Thú y”. Để làm được điều đó, chúng ta phải củng cố cả hơn nữa về mặt hệ thống và mặt kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, bày tỏ sự vui mừng vì về cơ bản, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản đã được kiểm soát tốt: “Dù khiêm tốn đến mấy cũng phải thấy rằng, sự cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành từ Bộ cũng như Cục Thú y và các đơn vị liên quan đã được ghi nhận đích đáng bằng những kết quả thực tế”.

Thứ trưởng cũng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố khoa học kỹ thuật, chúng ta đã giám sát chủ động hơn, lập được bản đồ dịch tễ, nghiên cứu biến chủng của virus, từ đó đề xuất những giải pháp về mặt kỹ thuật cho công tác chỉ đạo điều hành. Cục cũng đã phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ kiểm soát nhập lậu gia súc gia cầm tốt hơn, góp phần hạn chế sự lây lan dịch cúm từ nước ngoài vào quốc nội.

Nhờ việc phòng chống dịch tốt, nên các công ty SX thuốc thú y trong năm nay có hiện tượng ế hàng. Ngay cả các loại thuốc dự trữ quốc gia như CGC, LMLM, tai xanh vẫn còn tồn kho rất nhiều, Bộ đã đề nghị Chính phủ cho chuyển sang sử dụng năm 2014. Thành quả đạt được của ngành không chỉ giúp cho người nông dân phát triển SX, mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước rất lớn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào một số tồn tại. Đó là việc kiểm soát, khống chế dịch LMLM và bệnh đốm trắng ở tôm chưa thực sự hài lòng; công tác kiểm tra, giám sát giết mổ, ATVSTP, kiểm tra chất lượng thuốc không thực sự sát sao; tổ chức bộ máy chưa thực sự hoàn thiện, vẫn còn chồng chéo và cần hoàn thiện trong thời gian tới.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhắc nhở Cục Thú y: Kết quả đạt được trong năm nay là rất đáng mừng nhưng chúng ta không nên chủ quan vì nguy cơ bùng phát dịch LMLM, CGC, tai xanh… vẫn còn. Đặc biệt, đầu tháng 12/2013, Trung Quốc vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do nhiễm virus CGC H10N8. Năm 2014, Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế thế giới mạnh hơn thông qua hiệp định xuyên Thái Bình Dương- TPP.

Một trong những ngành chịu tổn thương nhiều nhất là chăn nuôi. Do đó Thú y phải làm thật tốt khâu kiểm dịch, nhập khẩu và làm sao làm tốt phòng chống dịch bệnh trong nước, từ đó mở đường cho xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra thế giới.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.