| Hotline: 0983.970.780

Kiến thức + Tài chính là chìa khóa chăn nuôi an toàn sinh học

Chủ Nhật 06/10/2024 , 15:37 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân.

Chăn nuôi an toàn sinh học đang trở thành một giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chăn nuôi an toàn sinh học đang trở thành một giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Đồng Tháp, chăn nuôi an toàn sinh học đang trở thành một giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Hiện, tổng đàn gia súc trong tỉnh Đồng Tháp là 118.711 con, bao gồm 79.247 con heo, 37.228 con bò và 2.236 con trâu. Đàn gia cầm toàn tỉnh đạt khoảng 6,78 triệu con, trong đó đàn vịt chiếm số lượng lớn với hơn 5,4 triệu con và đàn gà khoảng 1,38 triệu con.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cho biết: An toàn sinh học là tập hợp các biện pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của mầm bệnh trong các cơ sở chăn nuôi. Việc kiểm soát dịch bệnh là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng mật độ chăn nuôi đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Mô hình nuôi heo rừng trên đệm lót sinh học và cho ăn thức ăn thảo dược tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình nuôi heo rừng trên đệm lót sinh học và cho ăn thức ăn thảo dược tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là điều cần thiết. Hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và hướng dẫn nông dân về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm của các dịch bệnh như cúm gia cầm hay dịch tả heo Châu Phi.

Theo ông Hiền, những biện pháp quan trọng trong an toàn sinh học bao gồm việc xây dựng chuồng trại cách ly, thực hiện vệ sinh định kỳ, kiểm soát thức ăn và nước uống, cũng như tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm.

Ông Hiền nhấn mạnh thêm: Người dân phải luôn cảnh giác, tuân thủ các quy trình an toàn sinh học để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn của cả người dân trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đàn gia súc, gia cầm của mình.

Trong những năm gần đây, các huyện của Đồng Tháp như Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng và TP Sa Đéc... đã chứng kiến sự gia tăng về năng suất chăn nuôi nhờ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đã đem lại kết quả tốt.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là điều cần thiết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là điều cần thiết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho biết: Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của an toàn sinh học, họ đã áp dụng tốt các biện pháp, từ đó không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.

Theo ông Sơn, huyện Tháp Mười đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật và trang thiết bị cho người dân nhằm thúc đẩy việc xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Những mô hình này giúp nông dân quản lý tốt hơn nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Tại các địa phương, người dân cũng đã thấy rõ sự thay đổi khi tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học. Anh Nguyễn Văn Hùng, một nông dân chăn nuôi gà lấy trứng tại huyện Cao Lãnh, chia sẻ, trước đây, anh không am hiểu nhiều về an toàn sinh học nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đàn gà thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất thấp.

Sau khi tham gia các khóa đào tạo chăn nuôi an toàn sinh học của ngành nông nghiệp, anh Hùng đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của an toàn sinh học. Nhờ đó, mà nhiều năm gia đình đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, từ vệ sinh chuồng trại đến tiêm phòng đều đặn. Kết quả là đàn gà của gia đình ann Hùng khỏe mạnh hơn, ít bệnh và sản lượng trứng tăng cao.

Bà Lê Thị Lan, một hộ chăn nuôi heo tại xã An Khánh, huyện Châu Thành cho biết: Từ khi dịch tả heo Châu Phi bùng phát, gia đình bà rất lo lắng. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của cán bộ thú y, gia đình bà đã áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, từ việc vệ sinh chuồng trại đến kiểm soát nguồn nước và thức ăn. Nhờ đó, đàn heo của bà Lan không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp gia đình bà vượt qua giai đoạn.

Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của an toàn sinh học, từ đó không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của an toàn sinh học, từ đó không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi tất yếu để đảm bảo ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Tháp phát triển bền vững trong tương lai. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao kiến thức cho người dân và hỗ trợ tài chính sẽ là chìa khóa để mô hình này tiếp tục mở rộng và đem lại nhiều lợi ích hơn.

Tỉnh Đồng Tháp đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và người dân để xây dựng một môi trường chăn nuôi không chỉ an toàn về dịch bệnh mà còn thân thiện với môi trường.

"Trong những năm tới, với những nỗ lực không ngừng, Đồng Tháp sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mang lại sự phát triển bền vững và ổn định cho ngành chăn nuôi cũng như góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng

Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây xoài còn giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.