| Hotline: 0983.970.780

Kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga: Nên hình thành những nghĩa trang dưới đáy biển

Thứ Tư 05/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Bà là thạc sỹ quy hoạch đô thị của Pháp, nổi tiếng bấy lâu nay bởi dự án 'Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận'.

Là người sống lâu năm ở Pháp, lại được đi nhiều nước, bà nhận xét gì về tình trạng mồ mả, nghĩa trang lộn xộn ở Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới trong quy hoạch nghĩa trang thế nào?

Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có chuyện đặt mồ mả xuống ruộng, rất lộn xộn. Cách đây 20 năm, tôi mang hài cốt bố từ Lào về cũng đặt xuống cạnh mộ bà nội trên một mảnh ruộng ở làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bởi lúc sinh thời ông rất yêu âm nhạc, chơi với những nghệ sĩ lớn nên tôi xây ngôi mộ cho bố có hình cây đàn piano, đẹp lắm. Nhưng đến khi người ta quy hoạch đường cao tốc chạy qua vùng đó thì tất cả phải di dời vào nghĩa trang của làng. Tôi cũng định xây lại ngôi mộ của bố có hình cây đàn piano nhưng người ta không cho vì vào nghĩa trang chung rồi thì mọi ngôi mộ phải theo kích thước, hình dáng giống nhau. Về sau tôi thấy quy định đó là văn minh.

Mồ mả, nghĩa trang là vấn đề lớn, liên quan đến tâm linh, nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của người Việt nên được quy hoạch nghiêm túc và quy chuẩn để không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, du lịch và nhiều ngành nghề khác đồng thời phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề tế nhị bởi nhiều người nghĩ hôm nay những gì mình có được là nhờ mồ mả của cha ông.

Kiến trúc sư Nguyễn Nga (ảnh Dương Đình Tường)

Kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngày xưa ở Paris của Pháp cũng như vậy, mồ mả, nghĩa trang cũng nằm rải rác lung tung. Đến khi cải tạo lại Paris vào cuối thế kỷ 18, người ta đã quy tập mộ về đặt trong những đường hầm khai thác đá vôi, biến nơi đây trở thành hầm mộ Catacombes khổng lồ chứa khoảng 6 triệu bộ hài cốt. Giờ hầm mộ Catacombes đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Ở trên là thành phố người sống, ở dưới là thành phố của người chết mà dân Pháp cũng như khách du lịch các nước đến xếp hàng mua vé vào xem để tìm hiểu về lịch sử phát triển của Paris.

Các con của tôi sinh ra ở Paris, hồi nhỏ chúng cũng thường xuống đó chơi, thậm chí còn mang cả sách ở nhà xuống để lập thành một thư viện cho người ta đọc… Ở Paris còn có một nghĩa trang trở thành điểm du lịch nổi tiếng khác là Pere Lachaise, nơi có nhiều danh nhân yên nghỉ. Làm được như thế mới có Paris của ngày hôm nay.

Phải quy hoạch lại các nghĩa trang của Việt Nam nhưng để hài hòa với tín ngưỡng, với tôn giáo thì cần nghiên cứu kỹ. Phải có những “công viên vĩnh hằng”.

Thời nay người Việt vẫn quan trọng chuyện mồ mả. Vậy thì tiếp tục địa táng hay là hỏa táng? Nếu còn địa táng thì Nhà nước phải quy hoạch, tổ chức lại các nghĩa trang theo quy chuẩn, đồng bộ và thống nhất. Các tỉnh, huyện, xã cũng phải làm như vậy chứ không để người dân tự do xây dựng mồ mả theo ý của mình.

DSC_0915

Một khu mộ lớn ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy giải pháp của bà như thế nào về những công viên vĩnh hằng này khi quỹ đất của Việt Nam rất hạn hẹp?

Tôi có một ý tưởng, Việt Nam có 3.260km bờ biển, có truyền thuyết với cha rồng Lạc Long Quân sống dưới biển, mẹ tiên Âu Cơ sống ở trên cạn. Đó là hiện thân của hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt liên minh với nhau cùng chống lại sự đồng hóa của người Hán nên mới có hai từ đất nước. Không một nơi nào trên thế giới gọi quốc gia mình bằng hai từ đất nước như Việt Nam cả.

Thế thì tại sao chúng ta chỉ có mộ trên đất mà lại không có mộ dưới nước? Dọc bờ biển tại sao không có những công viên vĩnh hằng ở dưới đáy biển? Trong tâm thức người Việt, biển rất thiêng liêng, biển là nguồn cội sinh thành. Cha Lạc Long Quân đã đưa 50 người con xuống biển để trấn giữ biển đảo. Số phận dân tộc Việt Nam gắn liền với biển. Nhờ biển mà chúng ta lớn lên và trưởng thành.

Ở Miami, nước Mỹ đã có người thay vì rắc tro của người chết xuống biển đã đưa tro cốt vào những hình con sao biển bằng bê tông rồi gắn tấm bia bằng đồng lên, thả xuống biển. Còn ở Tây Ban Nha đã đúc những bức tượng nghệ thuật rồi thả xuống biển, trở thành một gallery (địa điểm trưng bày) dưới đó để người khác lặn xuống tham quan.

Từ hai ý tưởng đó, kết hợp lại tôi mới nghĩ ra chuyện Việt Nam nên có những công viên vĩnh hằng dưới đáy biển vì chúng ta là con rồng, cháu tiên. Tro cốt chúng ta có thể để vào những pho tượng mang hình hài của chính người đã mất, vừa làm bệ đỡ cho san hô, vừa làm điểm tham quan du lịch, đồng thời là những cột mốc tâm linh giữ gìn biển đảo của tổ quốc.

Empty

Khách lặn xuống thăm tượng Phật ở đáy biển Bali, Indonesia. Ảnh: Tư liệu.

Cụ thể những công viên vĩnh hằng dưới đáy biển đó sẽ như thế nào thưa bà?

Gần đây, theo cuốn "Địa đàng ở phương Đông" của Stephen Oppenheimer thì 7.000 - 8.000 năm trước ở Đông Nam Á đã có những thành phố của một nền văn minh rực rỡ mà khi nước biển dâng lên đã làm chúng bị chìm xuống đáy. Các cư dân không có đất sản xuất nữa mới di dân sang các vùng khác, trong đó có những đoàn thuyền độc mộc xuyên Thái Bình dương sang Nam Mỹ, trở thành tổ tiên của người Maya. Ngày nay đã tìm thấy dấu vết của những thành phố dưới đáy biển như vậy ở Đông Nam Á.

Dựa vào những bằng chứng khoa học ấy và cả truyền thuyết cha rồng, mẹ tiên tôi có dự định triển khai dự án xây dựng thành phố của Lạc Long Quân dưới đáy biển giống như thành phố Atlantis dưới đáy biển vậy. Ở đó, sẽ có gallery nghệ thuật, nơi trưng bày tượng những người nổi tiếng, có công với nước Việt, được đúc bằng composite hoặc xi măng. Không chỉ có vậy, đó còn là công viên vĩnh hằng. Tôi muốn ở cái thời mình đẹp nhất, làm một cái khuôn để đúc cơ thể thành một cái tượng đúng như hình hài lúc đang sống.

Sau này khi chết, xác thiêu thành tro, đưa vào cái hốc ở sau lưng bức tượng rồi bịt kín lại, thả xuống đáy biển để con cháu mình lặn thăm còn thấy được hình hài. Những bức tượng như vậy có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là không chiếm đất của người sống, không làm ô nhiễm môi trường. Thứ hai là làm bệ đỡ cho san hô, cho cá có chỗ trốn. Thứ ba là làm cột mốc để bảo vệ biển.

Ngoài các bức tượng, thành phố của Lạc Long Quân dưới đáy biển còn có những cái cột. Nơi đó mỗi cái cột có thể là một gia đình, một dòng họ cùng “sống với” nhau. Thay vì chiếm đất ở trên bờ để xây mộ thì khi chết, tro của mỗi người đem đúc và gắn vào một cái đốt của cây cột gắn dưới biển. Cái cột đó sẽ có nhiều đốt, gồm tro của ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt.

Empty

Vườn tượng ở dưới đáy biển Caribe. Ảnh: Tư liệu.

Cách đây chừng mươi năm, có một người cứ tìm tôi suốt, bảo có một khu rất lớn ở vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được giao trong 50 năm, muốn làm một thành phố của Lạc Long Quân. Tôi hỏi ông sẽ làm như thế nào. Ông trả lời rằng sẽ bơm nước ra khỏi đó rồi xây thành phố. Đó là điều không tưởng bởi không thể bơm hết nước biển được. Tôi mới nghĩ ra giải pháp rất dễ là xây dựng từng modul sẵn trên bờ rồi cho xuống biển, neo nó lại để khi người ta lặn xuống, tưởng tượng ra thành phố của Lạc Long Quân ngày xưa.

Đó là đường dẫn để tôi phát triển ý tưởng về các khu công viên vĩnh hằng dưới lòng biển. Ở đó người có tiền sẽ đúc những bức tượng để tro của mình, còn người ít tiền sẽ đúc tro thành những con sao biển hay thành những đốt của cột nhà. Ở đó sẽ bảo vệ, trồng mới những rặng san hô, nuôi biển. 

Dọc bờ biển Việt Nam, mỗi tỉnh thành có thể lập một khu nghĩa trang dưới đáy biển như vậy. Phải quy hoạch, biến chúng trở thành các điểm du lịch.

Empty

Sau một thời gian, tượng sẽ là giá đỡ cho san hô phát triển. Ảnh: Tư liệu.

Tính khả thi của ý tưởng đó thế nào và bao giờ bà sẽ thực hiện?

Giờ tôi đang còn bận với dự án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên trở thành một bảo tàng kí ức, bảo tàng nghệ thuật đương đại nên chưa triển khai được ý tưởng nghĩa trang đó nhưng nó rất khả thi. Nếu ai không muốn thì cứ việc địa táng theo kiểu truyền thống, còn những ai muốn là những người có tư duy mới, khác thì tôi cho họ điều kiện để thực hiện. Tôi nghĩ nhiều người sẽ muốn đúc tượng rồi thả xuống biển bởi ai mà chẳng muốn để hình hài mình lại cho con cháu?

Giờ họ bỏ ra bao nhiêu tiền để mua một miếng đất trong công viên vĩnh hằng, xây mộ rồi có ai nhìn thấy mặt nữa đâu? Cũng là vài trăm triệu ấy có một cái tượng, được con cháu đến thăm, được người nước ngoài đến thăm. Sau cái chết của mình vẫn bảo vệ cho đất nước. Sau cái chết của mình vẫn là bệ đỡ cho san hô, nuôi biển. Tôi làm như thế là làm nghệ thuật. Tôi làm như thế là làm tâm linh. Tôi làm như thế là phát triển du lịch. Nghĩa trang dưới biển không chỉ thay đổi cho cộng đồng ở Việt Nam mà còn cả nhân loại nữa.

Ý tưởng của tôi rất nhiều nhưng mỗi ngày chỉ có 24 tiếng thôi nên có cái làm trước, có cái làm song song. Với ý tưởng về công viên vĩnh hằng dưới biển, việc đầu tiên là phải chốt được địa điểm, từ đó lên phương án, xin phép Nhà nước để làm, đến các tỉnh thành để trình bày ý tưởng, liên kết thực hiện.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.