| Hotline: 0983.970.780

"Kỳ nhân" trên Hải Vân quan

Thứ Năm 04/08/2011 , 10:47 (GMT+7)

Cơn mưa chiều trên mạn bắc Hải Vân quan (TT- Huế) như đẩy những dãy núi trùng điệp đi xa hơn. Ngồi trên đỉnh đèo hoang vu ấy, người đàn ông phóng đôi mắt nhìn xa xăm...

Cơn mưa chiều trên mạn bắc Hải Vân quan (TT- Huế) như đẩy những dãy núi trùng điệp đi xa hơn. Ngồi trên đỉnh đèo hoang vu ấy, người đàn ông phóng đôi mắt nhìn xa xăm. Thoáng chốc, ông lại tất tả đi vá xe hộ hoặc quét dọn các am thờ cho những người xấu số. Ông là Nguyễn Bừa (tổ 4, Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, TP. Đà Nẵng).

Tan giấc mộng vàng

Vừa lúi húi quét xi măng cho chiếc am mới dựng, thấy khách lạ, ông dừng tay mời chúng tôi vào “đại bản doanh” là chiếc lán phủ bạt che mưa nắng cho những am thờ trên đỉnh đèo. Ông kể, năm 1988, cũng như nhiều lớp người sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, ông lên núi tìm vàng với mong ước đổi đời. Sống vật vạ trong rừng 3 năm trường, trải qua hàng chục cơn sốt rét hành hạ, vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy thân thể héo mòn như chiếc lá khô. Khi đã không còn sức để tiếp tục "giấc mộng vàng" nữa, ông trở về quê Đà Nẵng với hành trang là mấy bộ áo quần cũ và chiếc gậy chống tay vì không thể đi lại nổi.

Hết lên núi tìm vận may, năm 1991, ông quay xuống biển, đi theo các bạn thuyền kiếm kế mưu sinh. Chưa kiếm được đồng nào đắp đổi qua ngày với nghề câu mực ở quận Thanh Khê, trận bão lớn ập đến, thuyền bị bão, ông cùng 75 bạn thuyền trôi dạt sang tận Ma Cao (Trung Quốc). Ròng rã hơn một tháng trời, ông mới được đưa về quê khi trong người không một đồng xu dính túi.

Thất nghiệp trong thời gian dài, thấy ông khó khăn, gia đình người anh em cọc chèo mở quán bán hàng trên đỉnh Hải Vân, gọi ông lên giúp việc. Cũng từ đó đến nay, đã hơn 10 năm ông gắn đời mình với đỉnh đèo hoang vu này. Ông tâm sự: “Lúc đầu lên đây, công việc chưa ổn định, ít người qua lại nên “thèm” cái không khí phố xá lắm, nhưng riết rồi cũng thành quen. Tự dưng thấy mình “có duyên” với đỉnh đèo và những vong hồn cô quạnh khi gửi thân chốn lạnh lẽo này”.

Dựng trại cứu người

Hơn 10 năm làm việc nghĩa, trong ký ức không lành lặn của những cơn sốt rét rừng, ông đã không nhớ rõ bao nhiều lần mình ra tay trượng nghĩa giúp người bị hoạn nạn khi qua còn đèo nguy hiểm này.

Rít điếu thuốc, ông bảo cách đây 6 năm, ông đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa mạnh, những người đi hái mây, lấy củi bảo phía nam Hải Vân có một vụ tai nạn, chỉ thấy xe không thấy người. Bật dậy nhìn đồng hồ điểm 3 giờ sáng. Vợ ông can: “Thôi ông à, khuya khoắt thế này biết đâu bọn cướp nó “bày trận”, chỉ mình ông thì biết xoay xở thế nào?”. Ông gạt phăng bảo: “Cứu người là trên hết mẹ mi à. Người tui có chi đâu mà cướp".

Nói dứt câu ông ra xách xe trực chỉ hướng đỉnh đèo. Đến nơi, chỉ thấy chiếc xe máy nằm chỏng chơ dưới cống, máu me be bét. Dưới lùm cây, có người đang động đậy. Biết là có người còn sống, ông khiêng lên mặt đường sơ cứu, cầm máu cho người bị nạn. Từ xa, có ánh đèn của ô tô, ông đứng bên đường vẫy tay, chiếc xe vẫn cố chạy. Bí thế, ông phải chặn xe giữa lòng đường. Trên chiếc xe mang BKS Hà Nội, anh tài xe hét lớn: “Muốn chết hả?”. Ông khẩn thiết: “Có người đang bị nạn, nguy kịch lắm, nhờ mấy anh chở xuống Đà Nẵng với”.

Đưa người đi xong, ông báo cơ quan công an rồi quay lại đỉnh đèo cùng mọi người mang tư trang, hành lý xuống bệnh viện cho người bị nạn. Nhờ có sự cứu giúp kịp thời của ông Bừa, người thanh niên đã thoát chết trong gang tấc. Câu chuyện ông kể cảm động hơn, sau khi thoát nạn, người thanh niên trở lại đỉnh đèo và xin nhận ông làm bố nuôi.

Mười năm qua, cánh lái xe đã quen lắm cái hình ảnh “ông già” ngồi trong lán trại một mình. Chốc lát lại chạy đi vá xe, ứng cứu người bị nạn.

Câu chuyện thứ hai được ông kể khi cơn mưa chiều đã ngớt. Dẫn chúng tôi ra chiếc am nằm đối diện với “đại bản doanh” của mình, thắp nén nhang, ông kể, năm 2010, có hai công nhân làm đường, không may cả người và xe ủi đều rơi xuống vực. Biết trên đèo có ông Bừa hay cứu giúp người, đơn vị công trình đã nhờ ông tìm thi thể. Chính bàn tay ông đã đi tìm kiếm và lượm từng mảnh xương thịt của hai công nhân xấu số, rồi liên hệ mua quan tài để người thân mang về quê an táng.

Dọc đường thiên lý, nhiều người khi qua đỉnh đèo không may xe hết xăng, hỏng máy, chính ông đã bỏ tiền túi mua xăng, rồi cặm cụi sửa chữa cho người đi đường. Mỗi lần vá xe, ông chỉ lấy đúng tiền công và tiền mua săm. Rồi sau những trận bão, cây cối, taluy đường sạt lở, xe cộ qua đèo khó khăn, ông lại xắn tay áo đi dọn đường, thông xe. Mỗi ngày, ông đi từ quán lên lán trại ở đỉnh đèo mất 15km, tiền ông sửa xe, vá lốp cũng chỉ đủ cho chi phí tiền xăng xe, ấm trà điếu thuốc khi trời lạnh.

Không chỉ giúp người, “đại bản doanh” lán trại của ông còn là “cõi về” cho những linh hồn vất vưởng. Cứ đến ngày rằm, mồng một, ông lại làm mâm cơm đạm bạc, hương khói cho những am thờ. Ông tâm sự: “Nơi đây không chỉ những người xấu số bỏ mạng tại đỉnh đèo khi qua lại dọc đường thiên lý mà còn có những công nhân người Việt mình khi làm tuyến đường này thời Pháp thuộc nằm lại. Đã ngót trăm năm, không biết họ quê quán ở đâu, tui đành làm am thờ chung cho những vong hồn đỡ cô quạnh".

"Tôi không là hiệp sỹ"

Nói về ông Bừa, anh Lê Đức Trung, nhân viên trực ban ga Lăng Cô, cho biết: “Với anh Bừa, không chỉ người đi đường mà cánh lái xe Bắc - Nam đều trở thành những người bạn thân thiết. Mỗi khi có chuyện xảy ra, chỉ cần a - lô là anh Bừa có mặt ngay. Nhiều du khách khi đi qua đây, gửi ông lời cảm ơn là quý hóa lắm. Làm việc nghĩa nơi vắng bóng người mà không màng tư lợi cá nhân như ông thiệt hiếm".

Đó là câu đầu tiên ông nói khi gặp tôi với mong muốn “định hướng” cho bài viết. Nhiều người cứ gọi ông là hiệp sỹ hay người làm việc trượng nghĩa, ông không mấy thích. Bởi ông chỉ nghĩ đơn giản rằng, làm việc nghĩa cốt ở tấm lòng chứ không là tên gọi, phô danh!

Hơn mười năm dựng trại cứu người, những việc ông làm không phải người nào cũng hiểu. Ông bảo, có bận vợ ông đi chợ về, mặt buồn thiu. Hỏi ra mới biết, nghe nhiều người xì xầm rằng ông cứu người, làm việc nghĩa nhiều lúc có tư lợi cá nhân, nhưng ông vẫn cứ mặc, vợ con hiểu được ông là được.

Vợ ông, bà Phạm Thị Kim Minh, tâm sự: “Thực lòng những ngày đầu lên đây kiếm kế mưu sinh, thấy ông nhiều lúc bỏ việc nhà, nửa đêm ai gọi cầu cứu đều giúp tui cũng lo lắm, nhất là từ ngày có hầm qua Hải Vân, nhiều đối tượng đã lợi dụng hành nghề trộm cướp trên đỉnh đèo. Nhưng rồi cũng thấy quen, thấy việc ông làm là ý nghĩa. Nhất là mấy đứa con đã khôn lớn, luôn ủng hộ bố mình”.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.