| Hotline: 0983.970.780

Lá đơn gây xúc động

Thứ Sáu 02/08/2013 , 10:05 (GMT+7)

Tuy chỉ được theo dõi phiên toà qua màn hình, nhưng các nhà báo đã rất xúc động khi nghe toà công bố lá đơn do hai bị hại Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu cùng ký tên.

8 giờ ngày 1/8/2013, chủ toạ HĐXX phúc thẩm tuyên bố khai mạc. Trong phần thủ tục, chủ toạ tuyên bố: “Mặc dù bị cáo Lê Văn Hiền không kháng cáo, nhưng HĐXX vẫn triệu tập Lê Văn Hiền tham gia tố tụng với tư cách bị cáo (chứ không phải với tư cách người làm chứng) để làm rõ một số vấn đề liên quan”.

Quan điểm này của HĐXX bị người bị hại Phạm Thị Báu phản đối vì: “Lê Văn Hiền không kháng cáo, nhưng bị chúng tôi kháng cáo”. Chủ toạ giải thích: “Bị cáo Lê Văn Hiền bị truy tố và kết tội về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là một vụ án khác. Còn các bị hại là bị hại trong vụ án “Huỷ hoại tài sản”, được gây ra bởi các bị cáo Nguyễn Văn Khanh, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Đăng Hoan và Phạm Xuân Hoa. Tuy 2 vụ án được nhập vào để xét xử trong cùng một phiên toà ở cấp sơ thẩm, nhưng các bị hại không có quyền kháng cáo đối với bị cáo ở vụ án khác”.

Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại toà cho 4 bị hại: Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Thị Thương, Đoàn Văn Quý, Phạm Thị Báu khẳng định: “Các bị hại có quyền đó theo quy định của pháp luật. Còn nếu HĐXX thấy kháng cáo đó không có căn cứ thì HĐXX cứ bác bỏ”.

Bị hại Nguyễn Thị Thương uỷ quyền cho ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng, kháng cáo toàn bộ bản án Hình sự sơ thẩm “Huỷ hoại tài sản” ngày 10/4/2013 của TANDTP Hải Phòng, và tham gia tố tụng tại toà. Nhưng do sự phản đối của đại diện VKSNDTC giữ quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX đã tuyên bố bác bỏ việc tham gia tố tụng với tư cách người nhận uỷ quyền của ông Vũ Văn Luân và đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, đây là phiên toà công khai nên ông Luân có thể tham dự nhưng không có tư cách gì. Thứ hai, ông có thể ra về. Luật sư Trần Vũ Hải đề nghị phương án thứ ba: HĐXX hỏi hai bị hại Đoàn Văn Vươn và Nguyễn Thị Thương tại toà, nếu họ đồng ý để ông Vũ Văn Luân tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, thì ông Luân sẽ tham gia tố tụng với tư cách đó. Nhưng đề nghị này của luật sư bị HĐXX bác bỏ.


Ông Nguyễn Văn Khanh được cho là một cán bộ tốt, thương dân

Một điều có thể nói là vô cùng hiếm trong lịch sử tố tụng hình sự, đã xảy ra tạo phiên toà này: Trong phần thủ tục, bị hại Phạm Thị Báu nghiêm giọng:

- Yêu cầu ông chủ toạ làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Từ lúc tuyên bố khai mạc phiên toà đến giờ, ông đã tước bỏ của tôi hai quyền. Thứ nhất là khi hỏi những người tham gia tố tụng có yêu cầu thay đổi ai trong HĐXX không, ông đã không hỏi tôi. Thứ hai, là ông đã nêu thiếu nội dung chống án của tôi, đó là phần tôi chống án: Lê Văn Hiền không phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, mà phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cướp, huỷ hoại tài sản của công dân có tổ chức, đồng thời Hiền còn phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trước khi xét hỏi, HĐXX đã công bố hai tài liệu mới nhận được. Một là tờ xác nhận do hai bị hại Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu cùng ký tên, xác nhận rằng ông Nguyễn Văn Khanh đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự đối với họ trước khi phiên toà phúc thẩm được mở. Thứ hai là tờ đơn cũng của hai bà ký tên, xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt đối với ông Nguyễn Văn Khanh. Bằng một giọng văn mộc mạc, giản dị, hai bà viết rằng ông Khanh là một đảng viên tốt, một cán bộ tốt, rất thương dân, có nhiều công lao với bà con nông dân ở Tiên Lãng. Ông Khanh phải nhận nhiệm vụ trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế là vì bị bắt buộc, ông không có động cơ hay mục đích huỷ hoại tài sản của họ... Tuy chỉ được theo dõi phiên toà qua màn hình, nhưng các nhà báo đã rất xúc động khi nghe toà công bố lá đơn đó. Một nhà báo đã thốt lên: Không cái gì qua được mắt dân. Ai tốt, ai xấu, dân biết hết.

Hai bị hại Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cũng đồng thanh xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Văn Khanh.

Trình bày quan điểm về đường lối giải quyết vụ án, đại diện VKSNDTC đề nghị: Do Nguyễn Văn Khanh đã thay đổi nội dung kháng cáo, từ kêu oan thành xin giảm nhẹ hình phạt, và xét bị cáo có nhiều đóng góp tích cực với huyện, vì vậy không cần thiêt phải cách ly bị cáo khỏi xã hội như án sơ thẩm đã tuyên. Bác kháng cáo, giữ nguyên mức án của toà cấp sơ thẩm đối với 3 bị cáo còn lại, bác yêu cầu tăng tiền bồi thường của bị hại.

Cả 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đều đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, khởi tố thêm các tội danh “Che giấu tội phạm”; “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đối với Lê Văn Hiền; Cần áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với 3 bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm và Phạm Đăng Hoan, đó là phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thực hiện tội phạm đến cùng. Hội đồng định giá tài sản đã vi phạm Nghị định 26/CP của Chính phủ, vi phạm thông tư 55/2006 của Bộ Tài chính về định giá tài sản nên bản định giá không thể dùng làm căn cứ xác định mức thiệt hại về tài sản của bị hại. Cơ quan điều tra cũng bỏ qua nhiều thiệt hại khác của bị hại như thiệt hại về tôm cá, hoa màu, vật nuôi... mà không xem xét khiến bị hại bị thiệt thòi.

17 giờ 20 phút cùng ngày, HĐXX tuyên án. Chấp nhận đề nghị của đại diện VKSNDTC giữ quyền công tố tại toà, HĐXX đã sửa án sơ thẩm, chuyển từ 30 tháng tù giam thành 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Van Khanh, y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo còn lại, bác kháng cáo của các bị hại. Hai vụ án ở Tiên Lãng đã chính thức khép lại.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm