| Hotline: 0983.970.780

Lá thư thứ 3.000

Thứ Tư 15/04/2020 , 17:16 (GMT+7)

Từ 23/8/2003 đến nay đã 3.000 kỳ thư lên báo. Những người trẻ trung đã thay thế cho những người mà tôi gắn bó...

Độc giả quý mến!

Hồi ấy tôi đang sống và làm việc ở Hà Nội. Một hôm tôi nhận được cú điện thoại của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn (một facebooker rất nổi tiếng hiện nay).

Ông bạn đề nghị: “Báo Nông Nghiệp Việt Nam mở mục Tư vấn gia đình, tôi nghĩ, bà rất thích hợp cho việc này, chỉ có bà!”. Vừa “môi giới”, rất thân tình và cả tán dương nữa.

Lưu Trọng Văn còn thêm: “Bà có biết Tổng Biên tập Lê Nam Sơn không, đồng hương Nghệ Tĩnh cùng với ông Thân nhà bà đấy!”. Tôi nghĩ bụng, không biết rồi thì sẽ biết.

Ngẫu nhiên, bài đầu tiên của chuyên mục bắt đầu vào ngày 23/8, ngày sinh của con gái tôi, vì thế mà tôi nhớ mãi nó bằng tình cảm trang trọng. Tổng Biên tập Lê Nam Sơn mặt chữ điền, một Phó tổng rất cừ là Trịnh Bá Ninh và một Phó tổng nữa rất xinh đẹp, Phạm Thị Hà Xuyên.

Giống như bắt đầu một tình bạn, “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đến nhiều công sở ở Hà Nội năm 2003 ấy, thú thực có được cái nếp như Báo NNVN, không nhiều. Tôi “hâm mộ” cái khăn lau bàn nước trắng tinh ở bàn Tổng Biên tập và thú thực cảm xúc đó với Lê Nam Sơn. Ông ấy nói: “Nếp cơ quan cũng như nếp nhà chị ạ, nhìn cái nếp biết sếp của cơ quan ấy”.

Từ 23/8/2003 đến nay đã 3.000 kỳ thư lên báo. Những người trẻ trung đã thay thế cho những người mà tôi gắn bó. Báo NNVN và tôi là một cái duyên, một cái duyên lớn. Không duyên sao chúng tôi có thể làm việc được với nhau 17 năm dài?

Có những người trong Ban Biên tập sau này tôi không biết mặt, nhưng các bạn ở văn phòng tòa báo thì vẫn một cái nếp chu toàn có từ Tổng Biên tập cũ: cẩn thận từng tờ báo biếu, từng kỳ nhuận bút, từng khoản quà Tết hay ngày Nhà báo 21/6, từng cuốn lịch, từng cây viết bic, thậm chí từng cái túi hay cọng dây thun cho tôi cuộn báo để cho dễ đi đường.

Biết bao ân tình và thâm tình chúng ta đã có với nhau, dài đến hai thế hệ Tổng Biên tập rồi đó.

Hầu như 7 năm đầu của chuyên mục, là thư bưu chính của bạn đọc, khắp mọi miền. Tôi còn trân trọng giữ hàng ngàn lá thư cả phong bao như thế trong tủ lưu niệm của mình. Hàng ngàn phong thư các bạn ạ.

Một thời giở lại là thấy rưng rưng, nhiều thư ở xa như bước ra từ nơi u tịch, lẩn khuất, đi cả tuần mới đến với tôi, và câu chuyện họ kể thì quá ư ám ảnh bởi tăm tối, đói nghèo, lạc hậu.

Thời còn Bưu điện Văn hóa xã và người dân đã bấu víu vào hệ thống đó để tiếp cận các loại báo, trong đó có NNVN và trong NNVN là chuyên mục mà có khi, họ phải lặn lội cả ngày đường núi để đứng ở cái điểm bưu điện ấy mà đọc được hồi âm của tôi. Một thời chúng ta đã đi qua, ngậm ngùi nhưng đầy công phu, hữu ích.

Năm 2008 tôi chuyển về sống ở Sài Gòn, cũng là lúc Internet bùng nổ. Một trang khác đã mở ra cho mọi người, kể cả rừng sâu núi cao. Thư bưu chính thưa dần, thư email được thay thế, cho đến hôm nay. Những vấn đề đến với tôi cũng đã rất khác.

Hầu như không thấy chuyện bị lạm dụng khi bé mà thư bưu chính kể rất nhiều. Đa số là chuyện sinh nhai, đôi lứa, bất hạnh, tiền nong, quan hệ của những người trong gia đình hay gia tộc...

Và rồi, bắt đầu những lá thư gần với cuộc sống đô thị hóa toàn cầu hóa: nên đi xuất khẩu lao động không, tiền vay làm sao trả, vợ ưa dao kéo làm sao cai đây, con cái xa cách cha mẹ bởi tiện ích điện tử, quê chồng và quê vợ, chồng hướng ngoại đã đành mà vợ cũng không thiếu phút giây ngoài vợ ngoài chồng, sao đây?

17 năm, tôi có cảm giác mình chứng kiến và cả nắm giữ những trang xã hội, thật sự một xã hội chầm chậm lật qua từng trang mới. Bưu chính và Internet, các Website và Facabook và sự thay đổi chóng mặt từ vi tính và tiện nghi điện tử.

Nhưng dù có thay đổi phương tiện thì con người Việt Nam chúng ta vẫn còn nguyên những mối quan hệ nhiều khi dẫn đến bi kịch của truyền thống đang yếu dần mà cái thay thế thì chưa chắc tốt, đó là sự bời rời của các mối quan hệ vốn dĩ phải là mãi mãi, vững bền, không gì thay thế được.

Nhiều lúc tôi nghĩ, 3.000 kỳ thư, 17 năm chuyên trách, đã quá dài. Việc tiếp tục đến bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố và không chỉ mình tôi quyết định. Cảm ơn, cảm ơn Báo NNVN đã cho tôi gắn bó với các bạn đủ lâu, rất lâu. Và trên hết, cảm ơn bạn đọc đã đồng hành với báo và với tôi, trong ngần ấy năm.

Bây giờ, lúc này, mọi người như đang đứng sững lại bởi đại dịch Covid-19. Cũng là lúc các mối quan hệ mà các bạn tưởng đã lung lay, thực sự nó bỗng được thiếp lập lại nhanh chóng, có nồng hậu lên và cũng có cả thử thách.

Mong tất cả các bạn bình an, có bình an đã rồi thì “trong rủi có may” và “còn của thì còn người”, hãy tin như vậy các bạn nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm