| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Khô hạn đe dọa hàng chục nghìn ha cây trồng

Thứ Ba 10/03/2020 , 09:10 (GMT+7)

Tình trạng khô hạn xảy ra ở Lâm Đồng khiến mực nước nhiều hồ xuống thấp, thậm chí trơ đáy. Ngành nông nghiệp tỉnh này dự báo 25 nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới.

Mực nước ở hồ Chiến Thắng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang xuống thấp. Ảnh: Minh Hậu.

Mực nước ở hồ Chiến Thắng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang xuống thấp. Ảnh: Minh Hậu.

Tại hồ Chiến Thắng (TP Đà Lạt), mực nước xuống thấp để lộ những doi đất trơ trọi và bãi sỏi khô khốc. Một người dân chỉ tay ra lòng hồ và cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, mép nước sát vị trí tôi đứng nhưng giờ đã cách cả trăm mét. Mấy gốc cổ thụ sót lại dưới lòng hồ bây giờ cũng nhô lên đến 2 mét tạo thành bãi cọc”.

Cũng tại hồ này, người dân phải đấu nối thêm đường ống, đường điện và di chuyển máy bơm từ vị trí cũ ra lòng hồ để hút nước tưới cho cây trồng.

Ông Trần Bình Thanh, người trồng hoa ở phường 8 (TP Đà Lạt) buồn rầu tâm sự: “Gia đình trồng gần nửa ha hoa và nhu cầu nước tưới rất lớn. Độ này, vợ chồng phải thay nhau canh mực nước để di chuyển máy bơm. Nhiều hôm trằn trọc không ngủ được vì sợ khô hạn kéo dài”.

Trong khi đó, hồ nước Đan Kia - Suối Vàng cũng đang rơi vào tình trạng trơ đáy. Hồ này có lưu vực rộng 13.000ha, nằm ở TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương.

Đây là công trình có dung tích thiết kế 21 triệu mét khối nước và phục vụ nguồn nước tưới cho hàng nghìn ha cây trồng ven hồ. Hồ này cũng là nơi cung cấp 45.000-55.000m3 nước sinh hoạt hàng ngày cho cư dân TP Đà Lạt lẫn Lạc Dương.

Theo người dân, hồ sâu khoảng 6m nhưng nước càng ngày càng cạn kiệt. Ở những nơi sâu nhất chỉ còn lại dòng chảy nhỏ như con mương, sâu chưa đến 2m. Ở những nơi nông hơn, đất đáy hồ đều đã lộ thiên, trơ trọi, nứt nẻ và người dân có thể đi bộ trên đó. Những tháp kim loại cao 5-8m mà người dân đặt máy bơm sát mặt nước ở lòng hồ giờ đây đứng chênh vênh trên nền đất.  

Tình trạng khô hạn khiến hàng chục nghìn ha cây trồng ở Lâm Đồng thiếu nước tưới. Ảnh: Minh Hậu. 

Tình trạng khô hạn khiến hàng chục nghìn ha cây trồng ở Lâm Đồng thiếu nước tưới. Ảnh: Minh Hậu

Anh Hoàng Văn Liệu (ngụ tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cho biết, nước trong hồ bắt đầu xuống thấp kể từ nhiều tháng trước và đang tiếp tục giảm.

“Tôi làm vườn cạnh hồ Đan Kia đã 4 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy hồ cạn khô đáy như thế này. Cứ đà này, chỉ vài tuần nữa là hồ không còn giọt nước”, anh Liệu thổ lộ.

Gia đình anh Liệu canh tác 5 sào hoa hồng trong nhà kính ven hồ Đan Kia - Suối Vàng và nguồn nước tưới phụ thuộc vào công trình này. Trước tình hình khô cạn, vợ chồng anh phải thay phiên nhau trông chừng mực nước để đặt máy bơm.

Anh cho hay: "Cứ bật máy tưới một lúc là phải nhìn ra hồ xem mực nước. Trước đây, một ngày tưới mấy lần và tưới toàn bộ vườn. Bây giờ nước khan hiếm nên phải chia vườn thành nhiều ô nhỏ để tưới luân phiên”.

Huyện Lạc Dương có 3 công trình thuỷ lợi lớn phục vụ nước tưới cho 125ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ đang xuống thấp, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết, nước hồ Đan Kia – Suối Vàng đang giảm nhanh chóng còn hồ số 7 ở huyện đã rơi vào tình trạng khô cạn.

Theo dự báo, nguồn nước ở các sông, hồ Lâm Đồng tiếp tục xuống thấp trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hậu.

Theo dự báo, nguồn nước ở các sông, hồ Lâm Đồng tiếp tục xuống thấp trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Hải, huyện đã thực hiện các giải pháp về đầu tư công trình thủy lợi tập trung, khuyến khích và hỗ trợ người dân xây dựng ao hồ để tích trữ nước, phục vụ nhu cầu tưới tiêu. UBND huyện Lạc Dương cũng tổ chức duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi trên địa bàn để chủ động ứng phó khô hạn.

Đặc biệt, tập trung sửa chữa, nạo vét công trình thủy lợi hồ số 7 tại thị trấn Lạc Dương lẫn vùng hạ lưu nhưng khô hạn gay gắt nên việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện mực nước ở 10 hồ lớn của tỉnh không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó các hồ như Tuyền Lâm (Đà Lạt), Ma Đanh, BôkaBang (huyện Đơn Dương) giảm gần 7m nước. Dự báo 25.000ha cây trồng của tỉnh thiếu nước tưới trong mùa khô, trên 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.