| Hotline: 0983.970.780

Làm trang trại tổng hợp vườn - rừng - chăn nuôi, rủng rỉnh tiền quanh năm

Chủ Nhật 14/05/2023 , 18:13 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Phải bỏ nghề lò gạch và chuyển sang làm nông nghiệp, anh Thuận ban đầu rất chới với, nhưng rồi công việc mới đã cho anh rủng rỉnh tiền quanh năm.

Từ chủ lò gạch làm chủ trang trại

Trước đây, anh Bùi Thúc Thuận (47 tuổi) là chủ lò gạch thủ công ở xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định). Khi chính quyền địa phương có chủ trương xóa lò gạch thủ công, anh Thuận không khỏi chới với vì bỗng dưng mất đi công việc cho thu nhập nuôi sống gia đình nhiều năm. Trong quá trình vận động xóa lò gạch thủ công, các cấp ngành địa phương hướng dẫn các chủ lò gạch chuyển nghề.

Anh Thuận chọn phát triển bưởi hữu cơ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Thuận chọn phát triển bưởi hữu cơ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi chọn nông nghiệp làm nghề mới cho mình, năm 2010, anh Thuận bán hết vườn đất ở xã Tây Bình đưa gia đình về thôn Đồng Quy, xã Tây An (huyện Tây Sơn, Bình Định) mua 12ha đất để khởi nghiệp làm trang trại tổng hợp.

Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu anh Thuận không khỏi bỡ ngỡ với công việc mới bởi còn xa lạ với sản xuất nông nghiệp. Học hỏi những người đi trước, anh Thuận bắt tay cải tạo 12ha đất đồi để trồng 11ha keo lai và dành 1ha để trồng các loại cây ngắn ngày nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Chưa biết thì vừa làm vừa học, anh Thuận tâm niệm như vậy và không bỏ qua một lớp tập huấn nào của ngành chức năng tổ chức về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Lúc rảnh, anh cất công đi tham quan, học hỏi các mô hình làm trang trại tổng hợp trong và ngoài tỉnh. Dần dần, anh Thuận định hướng đi theo mô hình làm trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi.

Cam là loại cây ăn quả anh Thuận chọn trồng ngay lúc đầu khởi nghiệp làm trang trại tổng hợp. Ảnh: V.Đ.T.

Cam là loại cây ăn quả anh Thuận chọn trồng ngay lúc đầu khởi nghiệp làm trang trại tổng hợp. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2014, anh Thuận cắt bớt 1ha keo lai chuyển sang trồng ổi kết hợp nuôi vỗ béo bò BBB và gà thả đồi. “Vốn liếng không có nhiều nên tôi đi theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Trồng ổi, nuôi gà tuy không thu nhiều lãi nhưng nhanh cho thu hoạch, khoản thu này tôi dành vào việc xoay sở cuộc sống gia đình hằng ngày, còn dư đồng nào tôi dành đầu tư nuôi vỗ béo bò BBB và tiếp tục cải tạo đất để trồng cây ăn quả”, anh Thuận bộc bạch.

Tiên phong trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ

Từ năm 2016, rừng keo lai của anh Thuận cho thu hoạch lứa đầu tiên, thế là anh có thêm điều kiện đầu tư cho cây ăn quả. Đưa chúng tôi đi thăm 2ha cây ăn quả với những cây cam, cây bưởi và ổi đang cho quả lúc lỉu, anh Thuận chia sẻ: “Nhờ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, tỉnh mà tôi biết đến canh tác an toàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nghe làm nông nghiệp hữu cơ thì thấy cao xa, nhưng cán bộ khuyến nông bảo rằng ai cũng làm được, vậy là tôi cố gắng học hỏi”.

Ổi tuy không cho hiệu quả cao nhưng có thể 'nuôi' trang trại tổng hợp của anh Thuận. Ảnh: V.Đ.T.

Ổi tuy không cho hiệu quả cao nhưng có thể “nuôi” trang trại tổng hợp của anh Thuận. Ảnh: V.Đ.T.

Để giảm chi phí đầu vào và tăng chất lượng cây ăn quả, anh Thuận đã tận dụng nguồn phân gà, phân bò và phụ, phế phẩm nông nghiệp ủ với chế phẩm vi sinh Trichoderma làm phân bón cho cây ăn quả nhằm giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học. Theo anh Thuận, phân hữu cơ không những giảm được chi phí đầu tư mà còn làm tăng độ phì cho đất, cây trồng phát triển tốt hơn, bền hơn. Mô hình canh tác của anh Thuận được ngành chức năng địa phương ghi nhận là mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ đầu tiên của xã Tây An.

Hiện nay, trang trại tổng hợp của anh Thuận có 10ha keo lai và 2ha trồng ổi, cam, bưởi đã vào thời kỳ kinh doanh. Sản phẩm cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ của anh Thuận được thương lái ở TP Quy Nhơn bao tiêu theo hợp đồng với giá ổn định dài hạn, ổi được mua 25.000 đồng/kg, cam 22.000 đồng/kg, bưởi 30.000 đồng/kg. Hơn 500 con gà thả đồi và 20 con bò BBB nuôi vỗ béo của anh cũng đều đều cho thu khoản tiền lớn. Mỗi con bò BBB sau 3 tháng vỗ béo bán lãi ít nhất 3 triệu đồng.

Anh Thuận nuôi vỗ béo bò BBB, trong 3 tháng ít nhất cũng lãi 3 triệu đồng/con. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Thuận nuôi vỗ béo bò BBB, trong 3 tháng ít nhất cũng lãi 3 triệu đồng/con. Ảnh: V.Đ.T.

“Tthời gian tới, tôi dự kiến sẽ nuôi 10ha rừng trồng cây keo lai thành rừng gỗ lớn, bán rừng non thì có tiền nhanh nhưng phung phí tài nguyên, ráng nuôi rừng đến 8 - 10 năm tuổi, khối lượng tăng thêm rất lớn mà giá bán gỗ cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu cao hơn nhiều so với bán gỗ rừng non.

2ha cây ăn quả tôi sẽ chuyển dần chuyên canh bưởi, vì qua thực tế tôi thấy đây là loại cây trồng cho thu nhập cao và được tiêu thụ mạnh. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi sẽ nhân rộng đàn gà thả đồi và đàn bò BBB”, anh Thuận cho hay.

Theo nhận xét của ông Đào Duy Thãi, Chủ tịch UBND xã Tây An, từ năm 2018 đến nay, anh Thuận liên tiếp đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Anh là nông dân điển hình, tiêu biểu cho xã Tây An. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế trang trại, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm trang trại, anh Thuận còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con trong xã và các vùng lân cận đến tham quan, học hỏi để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Vợ chồng anh Thuận chăm đàn gà thả đồi trong trang trại của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ chồng anh Thuận chăm đàn gà thả đồi trong trang trại của mình. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài làm giàu cho bản thân, anh Thuận còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Từ mô hình của anh Thuận, chính quyền xã đang định hướng động viên bà con học tập, nhân rộng và thi đua sản xuất kinh doanh giỏi để vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê mình”, ông Đào Duy Thãi, Chủ tịch UBND xã Tây An nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.