| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn: Nhiều ý kiến trái chiều khiến chậm bàn giao tài sản thi hành án

Thứ Tư 30/03/2022 , 09:11 (GMT+7)

VIện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án tại Lạng Sơn. Nhưng Bộ Tư pháp nói chưa đủ căn cứ.

 

Những ý kiến khác nhau từ phía VKS Nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp khiến việc bàn giao tài sản thi hành án cho người trúng đấu giá bị chậm. Ảnh: Quang Dũng

Những ý kiến khác nhau từ phía VKS Nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp khiến việc bàn giao tài sản thi hành án cho người trúng đấu giá bị chậm. Ảnh: Quang Dũng

Ý kiến trái chiều về 1 kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án

Như NNVN đã thông tin, về việc chậm bàn giao tài sản trúng đấu giá tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn gây thiệt hại nghiêm trọng cho người được thi hành án là Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) và người mua trúng đấu giá tài sản là bà Đinh Thị Ngọc.

Theo tìm hiểu của PV, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do những ý kiến khác nhau về việc đấu giá tài sản thi hành án.

Cụ thể, ngày 14/1/2022, VKSND Tối cao ra Kết luận số 08/KL-VKSTC về việc trực tiếp kiểm sát đột xuất hoạt động thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lạng Sơn. Cũng trong ngày 14/1, VKSND Tối cao ra thêm 2 văn bản gồm: Kiến nghị số 03/KN-VKSTC và Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC. Trong đó, Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC, VKSND Tối cao yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện hủy Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án số 18/HDDVĐGTS-THA ngày 6/10/2020.

Sau khi VKSND Tối cao ra các văn bản nói trên, ngày 28/1/2022, Cục THADS tỉnh Lạng Sơn ra văn bản số 110/BC-CTHADS về việc không chấp nhận các Kiến nghị, Quyết định kháng nghị.

Trước đó, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành việc thanh tra toàn diện việc tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn và việc tổ chức bán đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Vĩnh Hưng.

Ngày 4/11/2021, Chánh thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 32/KL-TTR, chỉ ra một số vi phạm của cơ quan thi hành án và Công ty đấu giá hợp danh Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các vi phạm, thiếu sót đó không ảnh hưởng đến kết quả thi hành án và tổ chức bán đấu giá tài sản.

Kết luận thanh tra đã kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn khẩn trương tổ chức thi hành dứt điểm bản án và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Qua đó, Cục THADS tỉnh Lạng Sơn nhận thấy, Kết luận số 08/KL-VKSTC ngày 14/1/2022, Quyết định kháng nghị và Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều nội dung không phù hợp các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và Luật Đấu giá tài sản.

Do đó, đơn vị này, không chấp nhận Kiến nghị số 03/KN-VKSTC và Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC của VKSND Tối cao và sẽ không hủy Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án số 18/HDDVĐGTS-THA ngày 6/10/2020.

Không đủ cơ sở và thẩm quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản

Nhận định về Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC của VKSND Tối cao yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện hủy Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án. Luật sư Lê Phương Mai (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cả Bộ Tư pháp và VKSND Tối cao đã có quá trình thanh tra, kiểm sát quá trình tổ chức đấu giá tài sản thi hành án và đều có kết luận về một số sai phạm.

“Theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, cụ thể là Điều 77 Luật Đấu giá tài sản 2016, thì Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất có chức năng quản lý Nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản.

Điều 72 Luật đấu giá tài sản cũng quy định các trường hợp hủy kết quả bán đấu giá. Kết luận số 32/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp đã khẳng định các vi phạm hành chính trong quá trình tiếp nhận đơn và hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, các vi phạm này không thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá. Cụ thể là quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ”, luật sư Lê Phương Mai phân tích.

Ngoài ra, luật sư Lê Phương Mai cho biết thêm “VKSND Tối cao không có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng lại nhận định việc chậm tiếp nhận hồ sơ bán đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Vĩnh Hưng là không khách quan, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá là không chính xác và không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, một số vi phạm khác của tổ chức đấu giá tài sản đã được Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra kết luận hành vi đó không làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá tài sản”, luật sư Mai cho biết.

Như vậy, Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao là không phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở cho việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, xâm phạm nghiêm trọng Điều 103 Luật Thi hành án dân sự về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá”, luật sư Lê Phương Mai nêu ý kiến.

Ai chịu trách nhiệm với thiệt hại của người dân?

Về những thiệt hại kinh tế của người trúng đấu giá, luật sư Lê Phương Mai cho biết, thời hạn, trình tự thủ tục bàn giao tài sản trúng đấu giá đã được pháp luật quy định rõ ràng. Cụ thể, tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền.

“Trong vụ việc này, người trúng đấu giá đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, nộp tiền mua tài sản đấu giá trong thời hạn luật định nhưng không được Cục THADS tỉnh Lạng Sơn bàn giao đúng thời hạn luật định (tối đa 60 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền) thì Cục thi hành án đã vi phạm về thời hạn bàn giao tài sản và phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Trường hợp trong quá trình xác minh, nếu nguyên nhân chậm bàn giao do cơ quan tố tụng khác thì tùy theo hành vi vi phạm của các cơ quan này để xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước của từng cơ quan tố tụng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, luật sư Lê Phương Mai nhấn mạnh.

  • Tags:
Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.