| Hotline: 0983.970.780

Lão nông tài hoa

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:51 (GMT+7)

Về xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), hỏi tên Huỳnh Văn Xê (Tư Xê, nghệ danh Minh Thành), ai cũng biết.

Về xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), hỏi tên Huỳnh Văn Xê (Tư Xê, nghệ danh Minh Thành), ai cũng biết. Ông là một nông dân chính hiệu nhưng lại mang trong mình dòng máu nghệ sỹ với tài sáng tác cổ nhạc. Mỗi lúc buông tay cày cuốc, ông lại sáng tác nhạc. Đến nay, tài sản của ông là hơn 200 ca khúc viết về Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước.

ĐAM MÊ

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ sỹ Minh Thành vào một buổi chiều tà, khi ánh nắng vàng còn phủ kín cỏ cây. Con đường đất đỏ dẫn tới nhà ông ở ấp Lộc Khê tung bụi mịt mù. Căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm giữa vườn cây trái nhưng treo đầy bằng khen, giấy khen về những thành tích ông đạt được trong phong trào nghệ thuật ở địa phương và từ những tác phẩm do ông sáng tác. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Tư Xê còn khá nhanh nhẹn. Khuôn mặt đôn hậu của ông khiến chúng tôi thấy ông dễ gần.

Nghe chúng tôi giới thiệu, ông cười nói: “Tụi con muốn nghe chuyện thì chú kể cho vui chứ có chi đâu mà lên báo rùm beng”. Rồi ông kể: Cũng như bao nông dân nghèo khác trong vùng, ngày ngày ông chỉ lo cày cuốc nuôi đàn con 7 đứa. Đến khoảng năm 2001, khi các con đã trưởng thành và yên bề gia thất (3 người con của ông hiện nay đều giáo viên), ông bắt đầu có thời gian rỗi. Đúng lúc đó, xã thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử. Ông tham gia. “Ban đầu, mọi người trong câu lạc bộ chỉ đàn, hát những bản nhạc về quê hương của… nơi khác chứ bản thân vùng đất Trảng Bàng anh hùng này chưa có bất kỳ một ca khúc nào. Dần dần, tui nghĩ, tại sao lại không có bài nào ca ngợi quê hương mình? Thế là, tui mày mò tự viết những ca khúc về chính quê hương Trảng Bàng và rộng hơn nữa là vùng đất Tây Ninh. Và, cuối cùng tui cũng có tác phẩm đầu tay. Đó là bài “Mẹ anh hùng đất Trảng”, viết xong ngày 18/11/2002”, ông Xê kể.


Lão nông dân Tư Xê - Minh Thành và những bằng khen, giấy khen nhận được về thành tích hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Sau đó, những tác phẩm khác nối đuôi nhau ra đời. Hầu hết những ca khúc của ông dành trọn cho tình yêu quê hương và Bác Hồ như: “Đôi hài Bác đi”, “Bác ở trong tim mình”, “Người đã cho tôi một trời khát vọng”… được nhiều người yêu thích. “Lấy dân làm gốc”, “Làm theo gương Bác”, “Ơn Người như biển rộng trời cao”… và những ca khúc ca ngợi những người con đất Tây Ninh như “Tấm gương mẹ Đặng Thị Phần”, “Người mẹ Tây Ninh”, “Tấm gương liệt sĩ Trần Thị Đẹp”... Trong số hơn 30 ca khúc cải lương, tài tử viết về Bác, có 6 tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc thi khác nhau.

Ngừng giây lát để mồi điếu thuốc, ông Tư nói tiếp: “Thực sự, hình ảnh Bác Hồ trong suy nghĩ của tui và người nông dân nghèo nơi đây sâu đậm lắm. Vì thế, tôi viết những bài ca cổ nhạc về Bác là để tất cả mọi người đều có thể hát được những giai điệu về Bác. Thể loại cải lương, đờn ca tài tử là loại nhạc mang nặng tính ứng tác, nghĩa là hát, nói, đệm đàn, sáo theo tình huống diễn biến nên lời ca rất chân chất, gần gũi chứ không có gì cao siêu cả. Ngay cả mấy đứa nhỏ, khi tham gia câu lạc bộ đờn ca của chúng tôi, chỉ nghe qua vài lần cũng có thể hát được những ca khúc ấy”.

Ông Xê cho biết, một trong những ca khúc để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong hơn 10 năm sáng tác nhạc của ông là tác phẩm cải lương “Đôi hài Bác đi”. Nói về ca khúc này, ông kể: “Nhiều người nói tôi đổi tên lại là “Đôi dép Bác Hồ”, nhưng tôi không đồng ý. Với đôi dép cao su ấy, Bác đã bôn ba khắp năm châu, bốn bể. Nó chẳng khác nào đôi hài vạn dặm trong cổ tích”.

MONG MỘT LẦN ĐƯỢC THĂM LĂNG BÁC

Nói về sự đam mê nhạc, anh Huỳnh Thanh Sang, con trai cả của ông Xê tự hào: “Có lẽ sự đam mê ca cổ đã ngấm vào máu ba tui rồi. Nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ba vẫn đi khắp nơi để tham gia các phong trào văn nghệ. Thấy ba vui, mình cũng mừng. Mỗi lần có khách tới, ba lại cất cao giọng ca bài về Bác Hồ. Khi viết các tác phẩm về Bác, ba thường hay xúc động, rơi lệ và ông rất tự hào về những bài ca đó”.

Vừa rồi, ông Tư Xê đã vinh dự được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tây Ninh tôn vinh là 1 trong 6 nghệ sỹ tiêu biểu của tỉnh nhà vì đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào nghệ thuật. Điều đáng nói, duy nhất ông là nông dân chứ không phải nghệ sỹ qua đào tạo và làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Có lẽ, đó chính là phần thưởng cao quý xứng đáng mà mọi người dành cho ông sau những cố gắng không biết mệt mỏi trong con đường âm nhạc của riêng mình.

Dù đã cao tuổi, nhưng ông Xê cùng những người yêu đờn ca tài tử vẫn rong ruổi trên các vùng quê Tây Ninh để sáng tác những bài ca cho đời. “Đầu năm nay, ba tôi cùng vài người bạn đã chạy xe máy cả trăm cây số vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, rồi vòng qua Núi Cậu (quần thể di tích lịch sử Núi Bà Đen) trong một ngày để lấy cảm hứng sáng tác ca khúc cách mạng. Chỉ có niềm đam mê thì các cụ mới đi được vậy”, anh Sang nói.

Lão nghệ sỹ nông dân Tư Xê bảo, hiện nay các con ông đều có công ăn việc làm, cuộc sống tuy chưa giàu nhưng đều ổn định. Và, ước mong cuối cùng của ông là được một lần ra Thủ đô thăm Bác. Lần giở trong tập những ca khúc đã và đang viết về Bác Hồ, lão nghệ sỹ nông dân Tư Xê - Minh Thành trầm ngâm nói: “Hình ảnh Bác Hồ đã ngấm sâu trong máu tui từ nhỏ. Mỗi khi nghĩ về Bác, lòng tui lại dâng tràn cảm xúc. Bây giờ, tui chỉ có một mong ước là được ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác một lần cho thỏa lòng thôi”. Nhưng do tuổi cao, lại chưa đi xa bao giờ nên mấy lần định đi rồi cũng chả có ai đưa ông đi.

Rời nhà nghệ sỹ nông dân Minh Thành, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, xúc động. “Có thể nói, ông không chỉ là một nông dân đầy bản lĩnh, đã nuôi dạy cả đàn con nên người mà còn là người dạt dào tình yêu quê hương, đất nước và Bác Hồ”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.