| Hotline: 0983.970.780

Lão nông với sở thích... thấy cây gì 'hot' là trồng!

Thứ Ba 10/05/2022 , 08:35 (GMT+7)

Hết trồng cam, mận tam hoa, mơ, rồi tới thanh long..., hễ thấy cây gì đang rộ ông Khởi cũng trồng thử, trồng rồi lại chặt. Thế rồi cuối cùng ông cũng thành công.

Ông Hoàng Ngọc Khởi (phải) là một trong những nông dân đi đầu mạnh dạn chuyển đổi nhiều loại cây trồng để tìm ra cây phù hợp cho địa phương. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Ngọc Khởi (phải) là một trong những nông dân đi đầu mạnh dạn chuyển đổi nhiều loại cây trồng để tìm ra cây phù hợp cho địa phương. Ảnh: Công Hải.

Mấy chục năm qua, ông Hoàng Ngọc Khởi ở xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng) xoay đủ thứ cây ăn quả. Hai vợ chồng ông miệt mài san ủi, cải tạo mặt bằng đất để trồng cây. Thấy cây gì đang rộ, nhiều người trồng thì ông đều trồng thử. Hết trồng cam, mận tam hoa, mơ lại đến vải thiều. Cứ trồng được vài năm không thấy hiệu quả, không hợp khí hậu, thổ nhưỡng ông đành chấp nhận phá đi trồng loại cây khác.

Dù vùng đất Nam Phong, xã Hưng Đạo màu mỡ, bằng phẳng, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, thế nhưng sau bao nhiêu năm, loay hoay mãi gia đình ông Khởi cũng không khá lên được vì chưa tìm được cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không nản chí, năm 2000, ông lấy giống cây thanh long về trồng thử. Thấy cây mọc tốt, phù hợp khí hậu ở Cao Bằng, ông bắt đầu trồng 50 trụ. Học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng trước và kỹ thuật qua sách báo nên cây thanh long ngày càng phát triển tốt. Mỗi năm, ông lại mở rộng diện tích trồng thanh long, có thời điểm ông trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột trắng, đỏ. Có những năm giá bán ổn định từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, vườn thanh long đem lại thu nhập trung bình 200 - 300 triệu đồng cho gia đình.

Ông Khởi là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa trong nhà màng ở TP Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Ông Khởi là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa trong nhà màng ở TP Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Năm 2017, tìm hiểu thấy mô hình trồng dưa trong nhà màng theo cộng nghệ Israel đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng làm mô hình nhà màng rộng 1.500 m2 để trồng dưa. Do kinh phí đầu tư lớn, ban đầu ông tận dụng cột tre thay bớt cột sắt để giảm bớt chi phí. Cột tre dù không bền như cột sắt nhưng chi phí rẻ hơn nhiều, có thể dùng được trong 3 năm, sau đó mới thay thế.

Năm 2017 và 2018, ông trồng thử giống dưa hấu miền Nam, năng suất tốt, vị ngọt nên được nhiều khách hàng chọn lựa, nhiều thương lái đến tận vườn mua. Năm 2019, ông lại chuyển sang trồng thử dưa lê Cẩm Ngọc, dưa lưới Hàn Quốc, do áp dụng đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt, quả to đều, cho vị ngọt sắc, thơm ngon.

Tham quan khu nhà lưới đang trồng dưa lê Cẩm Ngọc của ông Khởi, những quả dưa vỏ căng bóng đang gần đến độ thu hoạch nhìn rất tươi ngon, hấp dẫn. Theo ông Khởi, mô hình trồng dưa trong nhà màng vốn đầu tư ban đầu khá lớn so với các loại cây trồng khác và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ hơn.

Chịu khó mày mò, đến nay ông Khởi cũng đã thành công với mô hình trồng dưa trong nhà màng. Ảnh: Công Hải.

Chịu khó mày mò, đến nay ông Khởi cũng đã thành công với mô hình trồng dưa trong nhà màng. Ảnh: Công Hải.

Gia đình ông ngoài nuôi ong mật để thụ phấn cho dưa, cũng phải thụ phấn trực tiếp để đảm bảo cây nào cũng ra quả. Mỗi cây sẽ để mọc 2 quả, thấy quả nào to sẽ để lại và cắt bỏ quả nhỏ hơn đi để cây tập trung dinh dưỡng vào một quả. Lúc quả bắt đầu phát triển, sẽ dử dụng phân hòa tan để tưới nhỏ giọt dưới gốc cây.

Do sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc bán tự động nên tiết kiệm rất nhiều công lao động. Mỗi năm nếu chăm sóc tốt có thể cho 2 - 3 vụ dưa lưới, dưa lê. Dưa lê mỗi quả nặng trung bình từ 1,3 - 1,5 kg; dưa lưới trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, có quả to nặng đến gần 3 kg, giá bán trung bình từ 40 - 50 nghìn đồng/kg.

Từ 1.500 m2 nhà màng đầu tư ban đầu, đến nay gia đình ông Khởi có khoảng 3.000 m2 nhà màng chuyên trồng các loại dưa. Trong đó chủ yếu là dưa lưới Hàn Quốc, dưa lê Cẩm Ngọc trồng chính vào vụ hè thu, còn dưa gai Nhật, dưa leo bao tử trồng vào vụ đông xuân. Năm 2021, riêng mô hình trồng dưa của gia đình đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông Khởi còn phát triển mô hình trồng đào cảnh, trồng rừng, chăn nuôi lợn… đem lại tổng thu nhập hàng năm hơn 300 triệu đồng.

Ông Khởi kiểm tra chất lượng quả dưa gai Nhật. Ảnh: Công Hải.

Ông Khởi kiểm tra chất lượng quả dưa gai Nhật. Ảnh: Công Hải.

Ông Khởi, lão nông 65 tuổi chia sẻ: Mô hình trồng dưa trong nhà màng có nhiều ưu điểm, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm độc hại cho người sản xuất, đồng thời giúp cây dưa trưởng và phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh. Công nghệ tưới nhỏ giọt cũng giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí.

Do áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên sản phẩm dưa của gia đình được các siêu thị tại TP Cao Bằng, các cửa hàng hoa quả đặt mua từ khi chưa đến vụ thu quả. Nhiều người còn mua làm quà gửi cho bạn bè, người thân ở các tỉnh khác.

Ông Khởi cho biết thời gian tới, sẽ vay thêm vốn, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang làm nhà màng, thuê thêm đất để làm khoảng 2.000 m2 nhà lưới để tập trung phát triển mô hình trồng dưa.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.