| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói cây dược liệu

Liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu

Thứ Hai 10/05/2021 , 12:56 (GMT+7)

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã góp phần quan trọng giúp phát triển diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Mô hình trồng sâm Bố Chính ở huyện vùng cao Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: CĐ.

Mô hình trồng sâm Bố Chính ở huyện vùng cao Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: CĐ.

Tiềm năng, dư địa còn nhiều

So với nhiều địa phương khác, Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất dược liệu. Khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh rất phù hợp với loại cây này. Bức xạ ánh sáng và nhiệt độ cao tạo ra sự đa dạng về chủng loại, hàm lượng dược liệu.

Trên địa bàn, quỹ đất phát triển cây dược liệu còn nhiều, nhất là đất chuyển đổi từ rừng kinh tế hiệu quả thấp. Nhiều mô hình sản xuất dược liệu có lợi nhuận cao đã ra đời, làm tiền đề thúc đẩy mở rộng diện tích trồng loại cây này trong thời gian tới.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế trên, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Theo đó, năm 2017, tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 03, xác định dược liệu là 1 trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, chính sách hỗ trợ phát triển các cây trồng chủ lực, trong đó có cây dược liệu đã ra đời. Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây dược liệu có định mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/ha, không quá 3 ha/năm.

Người dân thu hoạch sâm Bố Chính. Ảnh: CĐ.

Người dân thu hoạch sâm Bố Chính. Ảnh: CĐ.

Nghị quyết số 02 mới ban hành vào tháng 7/2019, tỉnhQuảng Trị xác định dược liệu là nhóm cây chủ lực ưu tiên được hỗ trợ, hưởng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Quyết định số 21 của UBND tỉnh Quảng Trị về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, cây dược liệu thuộc nhóm được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa có liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nhân rộng sáng kiến các mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tạo điều kiện cho vay hỗ trợ lãi suất từ 50 - 100 triệu đồng/mô hình trong thời gian không quá 2 năm. Ngoài ra, thông qua các nguồn lực như: nguồn vốn kinh tế sự nghiệp hằng năm, nguồn vốn Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn chương trình khuyến nông…, các địa phương đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình sản xuất dược liệu mới, có hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân và các doanh nghiệp thực hiện mở rộng, phát triển diện tích cây dược liệu trong thời gian tới.

Liên doanh, liên kết doanh nghiệp

Các loại cây dược liệu được trồng phổ biến trên địa bàn hiện nay là đinh lăng, sâm bố chính, ngưu tất, sinh đinh, trạch tả, nghệ, chè vằng, cà gai leo… Để đảm bảo đầu ra ổn định, thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã liên kết mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên một số địa bàn có điều kiện thuận lợi.

Sản xuất cà gai leo ở Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy. Ảnh: CĐ.

Sản xuất cà gai leo ở Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy. Ảnh: CĐ.

Hiện nay trên địa bàn hiện có một số doanh nghiệp nội tỉnh đã chủ động đầu tư các trang thiết bị tương đối hiện đại và xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động trong quá trình sản xuất dược liệu như: Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy, Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH Bảo Ngọc, Công ty TNHH Huyền Thoại… Bước đầu, một số mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn đang xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo theo các quy định, tiêu chuẩn sản xuất GMP, là hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm kiểm soát các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy đã liên kết sản xuất, tiêu thụ cà gai leo trên diện tích 5 ha, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất an toàn sinh học, chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh. Với mô hình này, mỗi năm, cây cà gai leo cho thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất khô đạt 20 - 24 tấn, thu nhập 160 - 200 triệu đồng/ha, lãi 100 - 130 triệu đồng/ha.

Tại làng nghề Định Sơn, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây chè vằng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình này sử dụng công nghệ phun mưa áp lực thấp, quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 3 ha. Theo ghi nhận, cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, doanh thu 135 triệu đồng/ha.

Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác cũng đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư trồng dược liệu ở Quảng Trị. Trong đó, các mô hình trồng cây dược liệu theo hướng liên kết với các doanh nghiệp: Công ty TNHH QT Minh Điền, Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm, Công ty Cổ phần Traphaco…

Một trong những mô hình được đánh giá thành công là Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm liên kết sản xuất và tiêu thụ sâm bố chính với diện tích 7ha. Nhờ áp dụng tốt công nghệ tưới phun mưa áp lực thấp, quy trình sản xuất an toàn sinh học, sâm bố chính cho năng suất 40 tạ/ha, giá bán 50 ngàn đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí lãi thu được khoảng 140 triệu đồng/ha.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Theo ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất gắn với thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN- PTNT đang xây dựng Đề án “Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”.

Theo đó, địa phương sẽ ban hành các chính sách mới, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển một số sản phẩm dược liệu chủ lực theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đáp ứng các tiêu chí Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh. Các nguồn lực sẽ được huy động để tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý trong tự nhiên, từ đó lựa chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao.

Mô hình trồng cây sâm Bố Chính ở huyện Gio Linh. Ảnh: CĐ.

Mô hình trồng cây sâm Bố Chính ở huyện Gio Linh. Ảnh: CĐ.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý. Việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh sẽ được quan tâm hơn. Một việc quan trọng khác là thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh; triển khai những giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức, chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu theo hướng hữu cơ, sạch, có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến sâu; lồng ghép các chương trình, dự án liên tỉnh, liên vùng mang tính trọng tâm, trọng điểm, tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm chức năng đảm bảo sức khỏe nhân dân, hướng tới nghiên cứu, chế biến thuốc cho các nhà máy chế biến trong và ngoài nước…

“Chúng tôi mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh triển khai một số chương trình, dự án, mô hình liên kết phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh; giới thiệu một số doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến dược liệu; hỗ trợ quảng bá một số sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu trên địa bàn với các đối tác trong và ngoài nước; hỗ trợ thực hiện một số chương trình, mô hình khuyến nông quốc gia về dược liệu cho tỉnh…” ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.

Tính đến tháng 3/2021, tỉnh Quảng Trị đã phát triển được khoảng 1.500ha cây dược liệu, trong đó, một số cây chủ lực có diện tích lớn như chè vằng 85ha, nghệ 540ha, sả 250ha, đinh lăng 80ha, ba kích 450ha… Bên cạnh đó, địa phương này cũng đưa vào trồng khoảng 95ha cây dược liệu được theo hướng liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH QT Minh Điền, Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm, Công ty Cổ phần Traphaco… bước đầu tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.