| Hotline: 0983.970.780

Liên kết trồng lúa bền vững, đưa hạt gạo vươn xa

Thứ Sáu 14/01/2022 , 07:00 (GMT+7)

Dự án VnSAT đã tạo ra mối liên kết trồng lúa bền vững giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp, góp phần đưa hạt gạo vươn xa ra thị trường quốc tế.

Mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu

Với sự hỗ trợ của Ban quan lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nhiều Tổ chức nông dân/HTX đã trở thành mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu ở ĐBSCL. Các tổ chức nông dân này đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thông minh, liên kết trồng lúa, tạo sản phẩm chất lượng cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, nhiều tổ chức nông dân đã trở thành mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, nhiều tổ chức nông dân đã trở thành mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia dự án VnSAT, các thành viên của HTX Thạnh Phát (xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) nhiều vụ lúa vừa qua đều giảm lượng lúa giống, sạ thưa, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, giúp lúa đạt năng suất cao, với chi phí hợp lý. Sản phẩm lúa gạo làm ra đạt chất lượng tốt, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, tạo đầu ra ổn định, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. 

Anh Trần Văn Danh, quản lý của HTX Thạnh Phát cho biết, hiện đơn vị có 81 xã viên, canh tác trên diện tích 222,5 ha, sản xuất 2 vụ/năm. Nhờ được tập huấn và sử dụng thành thạo các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến của dự án VnSAT, đã giúp nông dân giảm chi phí sản suất, hạ giá thành từ việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới… Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, giúp giảm công lao động trên đồng ruộng, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch.

Thời gian qua, sản xuất lúa của HTX Thạnh Phát còn có sự đồng hành của doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng lúa, như cung cấp vật tư đầu vào, xây dựng mô hình sản xuất, bao tiêu đầu ra.

Anh Nguyễn Văn Đen, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Kim Cương Kiên Giang cho biết, Công ty hoạt động chính trong 2 lĩnh vực là kinh doanh lúa gạo và thủy sản. Địa bàn đầu tư vùng nguyên liệu của Công ty bao trùm hầu hết các huyện trọng điểm về sản xuất lúa của tỉnh như: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương, Tân Hiệp…

Nông dân ngày càng tiết kiệm hơn chi phí phân bón khi tham gia dự án VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân ngày càng tiết kiệm hơn chi phí phân bón khi tham gia dự án VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

“Để phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, bền vững, chúng tôi đã liên kết trồng lúa với nhiều tổ chức nông dân, trong đó có HTX tham gia dự án VnSAT, như HTX Thạnh Phát (U Minh Thượng).

Cụ thể, Công ty TNHH Kim Cương Kiên Giang đồng hành cùng nông dân bằng cách cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào, gồm lúa giống, phân bón, thuốc BVTV cho nợ đến cuối vụ. Đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm cho bà con xã viên theo giá thị trường. Vì vậy, nông dân không phải lo về chi phí đầu tư, yên tâm về đầu ra, chỉ cần ứng dụng tốt khâu kỹ thuật, canh tác lúa hiệu quả là đảm bảo giữ ổn định được lợi nhuận”, anh Đen chia sẻ.

Dự án VnSAT đã tác động tích cực đến phương thức canh tác, làm thay đổi tập quán canh tác bằng việc sử dụng lúa giống chất lượng, giống lúa xác nhận ở hầu hết các HTX/tổ chức nông dân.

Qua đó, giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp cho sự thay đổi chung ở các vùng sản xuất lúa gạo mà dự án hỗ trợ.

Nhà nông hưởng nhiều lợi ích

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện (gồm cả thời gian gia hạn thêm 18 tháng, đến tháng 6/2022), dự án VnSAT đã hỗ trợ chương trình quy mô lớn về cải thiện cánh tác và quản lý nông học để thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Cụ thể, dự án đã hỗ trợ thành lập hoặc cũng cố 318 tổ chức nông dân/HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, tạo mối liên kết trồng lúa bền vững. Cùng với đó, đào tạo tuấn huấn cho khoảng 142.500 nông dân về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và gần 89.000 nông dân về “1 phải, 5 giảm”.

Tham gia dự án VnSAT, nông dân đã sử dụng lúa giống chất lượng, giống lúa xác nhận. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia dự án VnSAT, nông dân đã sử dụng lúa giống chất lượng, giống lúa xác nhận. Ảnh: Trung Chánh.

Với sự hỗ trợ từ dự án VnSAT, các tỉnh đã triển khai xây dựng các công trình hạ tầng và thiết bị sản xuất thiết yếu. Những hỗ trợ của dự án góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao hệ hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, liên kết trồng lúa và kinh doanh lúa gạo bền vững. Diện tích canh tác lúa bền vững thông qua áp dụng các kỹ thuật tiến tiến nói trên trong vùng dự án đạt khoảng 150.000 ha và khoảng 40% diện tích này có hợp đồng liên kết trồng lúa với doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng dự án.

Tại Hậu Giang, nhiều HTX đã được nâng cao năng lực nhờ tham gia dự án VnSAT. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết, HTX được thanh lập năm 2015, trùng với thời điểm dự án VnSAT bắt đầu triển kai tại ĐBSCL. May mắn là HTX được chọn tham gia dự án, được đầu tư cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo HTX cũng như xã viên đều được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản lý, giúp nâng cao năng lực hoạt động...

Dự án VnSAT đã đầu tư nhiều hạ tầng giúp nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án VnSAT đã đầu tư nhiều hạ tầng giúp nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Kiên, HTX Phước Lộc đã được đầu tư nhà kho chứa lúa, lò sấy lúa trên diện tích nền 3.000 m2, tổng kinh phí lên đến 7,9 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của dự án VnSAT, năng lực HTX với vốn điều lệ khiêm tốn không thể đầu tư được.

Bây giờ, HTX Phước Lộc đã đủ sức làm hàng loạt dịch vụ cho xã viên, như khâu cơ giới hóa từ làm đất, bơm tưới đến thu hoạch, cung cấp vật tư đầu vào, lúa giống... Riêng về bao tiêu lúa hàng hóa, ngoài diện tích của các xã viên trong HTX, đơn vị còn thu mua cho cả các HTX khác trong khu vực, giải quyết bài toán tiêu thụ khi vào vụ đông ken.

“Làm kinh tế tập thể, lại tham gia chuỗi giá trị trong dự án VnSAT về sản xuất lúa, cùng mua chung bán chung nên có lợi về đàm phán giá cả. Trong trường hợp khi thu hoạch rộ mà giá lúa sụt giảm quá sâu, bất lợi trong tiêu thụ thì sẽ họp các thành viên, cùng thống nhất trữ lại, chờ giá tốt hơn để không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chứ trước đây, thu hoạch xong giá nào cũng phải bán, kể cả lỗ vốn, vì không có lò sấy, kho chứa nên đành chịu”, ông Kiên tự hào nói về năng lực của HTX hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Sáng, thành viên HTX Nông nghiệp Phước Lộc có gần 5 ha lúa, dự án VnSAT đã giúp gia đình ông từ bỏ tập quán canh tác truyền thống, kém hiệu quả. Ông Sáng bảo, ngày trước làm kinh tế hộ, chưa tham gia HTX, vào vụ mạnh ai nấy làm theo thói quen, kinh nghiệm vốn có và thường gieo sạ mật độ rất dày. Tự làm nên quanh năm cũng chẳng có hội họp gì, tập huấn kỹ thuật cũng khi có khi không.

Nhờ được dự án VnSAT đầu tư hạ tầng, lò sấy, nông dân đã chủ động hơn trong thu hoạch, tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ được dự án VnSAT đầu tư hạ tầng, lò sấy, nông dân đã chủ động hơn trong thu hoạch, tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Bây giờ tham gia HTX, lại tham gia dự án VnSAT, có khi một vụ lúa tập huấn, hội thảo tới 2, 3 đợt. Rồi có mô hình trình diễn thực tế tại HTX, được hỗ trợ cả về vật tư cũng như kỹ thuật, nông dân tận mắt theo dõi, tham gia thực hành nên rất thuần thục.

Gieo sạ thưa với mật độ vừa đủ, không chỉ giảm chi phí, mà lúa ít sâu bệnh, lúa trúng mùa, hạt rất sáng chắc, lại đảm bảo an toàn vì không phải phun xịt hóa chất nhiều. HTX cũng có chính sách hỗ trợ cho xã viên, như giảm giá vật tư đầu vào, giảm giá khâu làm đất, bơm tưới, thu hoạch… rất nhiều cái lợi.

Giải quyết các khâu yếu kém trong sản xuất lúa

Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc dự án VnSAT Hậu Giang đánh giá, dự án đã góp phần chuyển đổi sản xuất lúa bền vững, thông qua giải quyết các khâu yếu kém của nền nông nghiệp. Cụ thể, dự án giúp hoàn thiện về mặt hạ tầng sản xuất, chế biến và sự vận hành của chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho các đối tác trong chuỗi, giúp phát triển bền vững hơn.

Từ đó, giúp nông dân ổn định sản xuất, tăng cường năng lực kinh doanh và nâng cao thu nhập cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp. Các hoạt động của hợp phần được thiết kế nhằm nâng cao phương thức canh tác bền vững và thân thiện với môi trường thông qua việc áp dụng và nhân rộng các mô hình về canh tác bền vững.

Không những vậy, những cải cách về thể chế, chính sách cũng như nền tảng phát triển bền vững cho chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê do dự án tạo ra sẽ làm nền tảng để Việt Nam nhân rộng tái cơ cấu các chuỗi giá trị khác của toàn bộ ngành nông nghiệp, giúp đạt các mục tiêu, nội dung của Đề án tái cơ cấu, tạo dựng sự phát triển bền vững và giá trị gia tăng cao.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.