| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình:

Lo sâu bệnh hại lúa vì dân bỏ làm đồng đi phản đối nhà máy rác

Thứ Bảy 15/04/2023 , 08:07 (GMT+7)

Hơn chục ngày qua, người dân xã Đông Á (huyện Đông Hưng) bỏ bê chăm đồng để đi phản đối chủ trương quy hoạch nhà máy điện rác đặt tại địa phương.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sâu bệnh hại lúa, nhất là trong thời điểm thời tiết nồm ẩm, dễ dàng cho sâu bệnh phát triển.

Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp (UBND huyện Đông Hưng) trong 1 tuần qua đã trực tiếp nhiều lần xuống thực địa, kiểm tra diện tích lúa mùa của xã Đông Á.

Trong tình hình thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, khí hậu ẩm thấp… đang diễn ra diện rộng tại các tỉnh miền Bắc rất thuận lợi cho sâu bệnh đạo ôn, uốn lá, khô vằn bùng phát gây hại cho lúa mùa.

Dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện đặt tại xã Đông Á đang bị người dân phản đối do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thái Bình.

Dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện đặt tại xã Đông Á đang bị người dân phản đối do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thái Bình.

Đông Á có 310ha diện tích trồng lúa mùa trên toàn xã. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân trong xã đã bỏ bê đồng ruộng vì tập trung lên UBND xã, UBND huyện, một số cơ quan hành chính của Thái Bình… để phản đối chủ trương quy hoạch dự án nhà máy xử lý rác thải – phát điện được đặt tại xã này.

Điều này khiến ông Trưởng phòng Nông nghiệp huyện lo lắng, người dân không đi thăm đồng, bỏ bê đồng ruộng, không kịp thời phun thuốc xử lý sâu bệnh… đúng thời vụ sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa mùa trong năm nay. Đó chưa nói tới vấn nạn chuột bọ phá hại lúa…

Trong vòng 1 tuần, Phòng Nông nghiệp đã phát 3 văn bản chỉ đạo trung tâm khuyến nông xã Đông Á; HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Á… duy trì công tác chuyên môn, nhắc nhở người dân không quên nhiệm vụ chăm sóc trà lúa mùa.

Xác nhận nội dung này, chủ tịch UBND xã Đông Á Phí Đức Vui cho biết, hầu hết các ban ngành của xã từ cuối năm 2022, đặc biệt thời điểm từ đầu tháng 4 cho tới nay phải dồn sức tập trung nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, tiếp dân… khi người dân tụ tập thành các đám đông phản đối chủ trương quy hoạch nhà máy điện rác đặt tại xã.

Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hưng lo ngại sâu bệnh hại lúa do bà con bỏ bê chăm đồng vì lo tập trung đi phản đối dự án nhà máy rác. Ảnh: Thái Bình.

Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hưng lo ngại sâu bệnh hại lúa do bà con bỏ bê chăm đồng vì lo tập trung đi phản đối dự án nhà máy rác. Ảnh: Thái Bình.

“Tình hình nghiêm trọng và chưa có phương hướng giải quyết. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày” – ông Vui nói.

Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp xã Đông Á Trần Phí Vân cho biết, HTX cũng thường xuyên tuyên truyền người dân trong xã không tập trung đông người để khiếu kiện; chú ý chăm sóc lúa mùa, phun thuốc trừ sâu diệt đạo ôn, khô vằn… đang xuất hiện và nguy cơ bùng phát mạnh rất nhanh.

Hai thôn người dân tập trung nhiều nhất là Đông Hoà, Trưng Trắc B – nơi chủ trương quy hoạch đặt nhà máy xử lý rác phát điện cói 130ha diện tích lúa mùa. 5 thôn còn lại có gần 200ha đất lúa.

“Chúng tôi thông báo cho các trưởng thôn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân cần tập trung quan tâm, chăm sóc tới trà lúa mùa. Nếu không phun thuốc đúng thời điểm, giai đoạn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất lúa” – ông Vân lo lắng.

Vì sao người dân phản ứng dự án nhà máy rác phát điện?

Từ ngày 3/4 đến nay, người dân xã Đông Á nói chung, đặc biệt là hai thôn Đông Hoà, Trưng Trắc B đã tổ chức thành các đám đông trước trụ sở UBND xã và trụ sở các cơ quan hành chính.

Vị trí quy hoạch nhà máy rác tiếp giáp đê sông Trà Lý, thu hồi, giải phóng mặt bằng 10,5ha đất nông nghiệp. Ảnh: Thái Bình.

Vị trí quy hoạch nhà máy rác tiếp giáp đê sông Trà Lý, thu hồi, giải phóng mặt bằng 10,5ha đất nông nghiệp. Ảnh: Thái Bình.

Sự việc liên quan tới chủ trương nhà máy xử lý rác phát điện đang được triển khai thủ tục tại đây. Người dân lo lắng, việc xuất hiện nhà máy xử lý rác thải sẽ mang tới nguy cơ đe doạ, ô nhiễm môi trường về lâu dài.

Ngoài ra, theo bà con, dự án không thông qua lấy ý kiến tham vẫn cộng đồng nhưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; hiện đang tiến hành các bước thu hồi đất nông nghiệp để mở đường vào dự án…

Theo quy hoạch, vị trí dự án được đặt gần khu vực đê sông Trà Lý có chiều dài khoảng 1km. Tại đây, có một nhà máy nước sạch sinh hoạt sử dụng nước mặt sông cung cấp nước sạch cho 3 xã với khoảng 2 vạn nhân khẩu. Diện tích đất lúa thu hồi, GPMB cho dự án khoảng 10ha.

“Thông tin việc sẽ có một nhà máy xử lý rác thải – phát điện tại xã Đông Á có từ cuối năm 2020, sau đó chúng tôi không thấy nhắc tới. Do đó, người dân nghĩ rằng chủ trương này sẽ không triển khai nữa. Cho tới cuối tháng 3, bà con thấy có đơn vị về cắm mốc nói là làm đường cho dự án nên chúng tôi bất ngờ” – một người dân thôn Đông Hoà cho hay.

Rác thải sinh hoạt không chôn lấp, để lộ thiên tại xã Đông Á. Ảnh: Thái Bình.

Rác thải sinh hoạt không chôn lấp, để lộ thiên tại xã Đông Á. Ảnh: Thái Bình.

Sự việc bắt đầu phức tạp khi ngày 29/3, Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình đã thông báo Kết luận của ông Lại Văn Hoàn, PCT UBND tỉnh về việc xác định Dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Á là dự án trọng điểm của tỉnh; giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, UBND huyện Đông Hưng thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, làm đường dự án; xây dựng chủ trương đầu tư dự án; hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu… lựa chọn nhà đầu tư…

Điều này khiến người dân cho rằng nhà máy xử lý rác thải sắp được xây dựng tới nơi, do đó người dân đã tổ chức các đám đông phản ứng trước thông tin này.

Chánh văn phòng UBND huyện Đông Hưng xác nhận: người dân trong xã đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, phản ánh tới các cấp thể hiện quan điểm phản không nhất trí thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Đỉnh điểm là ngày 3/4 đến ngày 12/4, người dân thường xuyên tụ tập đông người trong đó lôi kéo cả các cháu học sinh mang theo băng rôn, khẩu hiệu… để phản đối.

“Nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại xã Đông Á là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi đã nắm bắt các nội dung kiến nghị của người dân, giao các đơn vị liên quan hoàn thành văn bản, nội dung trả lời. Dự kiến khoảng thời gian từ 17/4 đến 20/4, UBND huyện sẽ tổ chức buổi tiếp công dân tại Hội trường nhà văn hoá xã Đông Á để tuyên truyền, giải thích.

Chính quyền huyện khuyến cáo người dân không tụ tập đông người để không ảnh hưởng tới các vấn đề an ninh trật tự của địa phương” – Chánh văn phòng UBND huyện Đông Hưng cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.