Rừng giàu trên… giấy!
Tham dự Đại hội Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An khóa I nhiệm kỳ 2021 – 2024 vừa diễn ra mới đây, số đông chuyên gia và các đại biểu chung quan điểm: Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng về rừng nhưng thành quả thu về chưa tương xứng, tổng quan chung còn nhiều vấn đề phải cải thiện, diện tích gỗ lớn chưa nhiều, quy mô sản xuất, chế biến còn manh mún…
Nghệ An có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch lên đến hơn 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Qua rà soát, hiện trên 965.000 ha đất đã có rừng (784.340 ha đất có rừng tự nhiên, 180.718 ha đất có rừng trồng). Kết quả kiểm kê thể hiện trữ lượng gỗ toàn tỉnh là hơn 91 triệu m3, trên 505 triệu cây tre nứa các loại cùng hàng ngàn loại cây dược liệu quý.
Những thông số trên cho thấy tài nguyên rừng Nghệ An cực kỳ phong phú và đa dạng, đang là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa và các dịch vụ môi trường. Rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phải khẳng định lâm nghiệp Nghệ An sở hữu nhiều yếu tố để phát triển theo hướng công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Việc thay đổi cách tiếp cận theo chuỗi sản phẩm từ khâu tạo vùng nguyên liệu cho đến khai thác, chế biến tiêu thụ sản phẩm cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển nghề rừng bền vững.
Dẫu vậy, đi kèm với lợi thế hàng loạt vấn đề tồn đọng. Đầu tiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp hiện nay đang rất hạn chế, nhìn chung chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của ngành. Biểu hiện rõ nhất là chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn thấp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn còn hạn chế. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển toàn diện từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ.
Sản phẩm rừng trồng chủ yếu nặng hình thức xuất nguyên liệu thô, hoặc sơ chế đơn giản nên chuỗi giá trị còn thấp. Sau nữa là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn, đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp…
Cần nhiều hơn những “Lâm nông nghiệp Sông Hiếu”
Tại Đại hội Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An khóa I nhiệm kỳ 2021 – 2024, hàng loạt vấn đề đã được nêu ra, nhất là yêu cầu cấp thiết cần tập trung “làm mới” công tác chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nội dung trên tưởng chừng giản đơn nhưng thực chất lại là bài toán hóc búa đối với toàn ngành suốt nhiều năm qua. Trên thực tế, không nhiều cơ sở chủ động được giải pháp phát triển nguyên liệu gắn với công tác chế biến. Đơn vị nổi bật nhất làm được điều này ở Nghệ An có thể kể tới Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, doanh nghiệp được ví là "cánh chim đầu đàn" của ngành lâm nghiệp Nghệ An trong trồng rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm: Rừng gỗ nguyên liệu thường có chu kỳ kinh doanh từ 7 – 10 năm, thời gian kéo dài chi phí trang trải càng lớn. Muốn cùng lúc đáp ứng cả tiêu chí kinh doanh lẫn duy trì hoạt động bộ máy (tiền lương, khấu hao tài sản, các loại chi phí khác), đòi hỏi lãnh đạo Công ty phải có tầm nhìn dài hạn, có tính kế thừa để tập trung hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa đủ lớn, vừa phục vụ cho khâu chế biến, lại đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ưu điểm dễ nhận thấy của cây gỗ lớn là giá trị kinh tế vượt trội, bình quân cao gấp 2 – 2,5 lần so với trồng rừng thông thường, ngược lại là chu kỳ kinh doanh dài ngày, kéo theo quay vòng vốn chậm. Trong khi đó với rừng trồng nguyên liệu phổ biến hiện nay chỉ mất từ 5 – 7 năm, vốn ít, lại nhanh thu hồi, nhưng bất lợi là giá trị không cao, không có tính bền vững, lại thường xuyên bị ép giá.
Xuất phát từ thực tế đó, việc tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn (7 – 10 năm), gắn với khâu chế biến sẽ giải quyết được nhu cầu việc làm, tạo ra doanh thu vượt trội, đặc biệt là hình thành chuỗi quy trình khép kín, từ đó nâng cao rõ rệt giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là phương án khả dĩ của ngành lâm nghiệp Nghệ An và cả nước nếu muốn hướng đến bền vững dài lâu.
Đến nay, qua 20 năm đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu sở hữu khối “vàng ròng” 7.500 ha rừng trồng, phân bổ rộng khắp trên địa bàn 21 xã thuộc 4 huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.
Đáng chú ý, trong số này có đến 1.600 ha cây gỗ lớn cho năng suất từ 150 – 250 tấn/ha, cùng 5.900 ha cây nguyên liệu cho năng suất 120 – 130 tấn/ ha. Hiện giá trị sản phẩm qua chế biến cao hơn từ 1,75 – 2,2 lần so với nguyên liệu thô, khác biệt hết sức rõ rệt.
Với Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, để tạo lập được chỗ đứng vững chắc, doanh nghiệp này đã phải “đổ mồi hôi, sôi nước mắt” suốt chặng đường dài, một mặt kế thừa tinh hoa, mặt khác không ngừng hoàn thiện để đáp ứng đòi hỏi của xu thế mới.
Ngay từ đầu, Công ty đã kết nối với Đoàn điều tra Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An để quy hoạch các vùng cây gỗ lớn và vùng cây nguyên liệu. Kế đó, tập trung vào công tác khai hoang, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào làm đất, đối với những vùng canh tác có độ dốc dưới 15 độ, sẽ dùng máy thay sức người.
Đến khâu kỹ thuật trồng rừng, càng đòi hỏi tính chính xác, chi li và tỉ mẩn. Tùy vào mục đích kinh doanh, sẽ lựa chọn mật độ trồng rừng phù hợp, dao động từ 1.666 – 2.000 cây/ha. Về giống, chủ trương từng bước đổi mới, thay thế các dòng keo cũ bằng những giống mới cho năng suất cao. Điểm khác biệt là những giống mới phải được thử nghiệm trên nhiều điều kiện lập địa trước khi áp dụng đại trà, nhờ đó mức độ rủi ro được giảm thiểu tối đa.
Năm 2020, doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu đạt 64,9 tỷ đồng, lợi nhuận 8,61 tỷ đồng, nộp ngân sách 3,37 tỷ đồng. Năm 2021, dù đối diện với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng tín hiệu chung còn ấn tượng hơn với doanh thu lên đến 71,2 tỷ đồng, lợi nhuận thu về nhảy vọt lên 12,8 tỷ đồng.
Bàn về phương hướng thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hoàng nhấn mạnh: “Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty đang xây dựng 1.500 ha để tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC. Ngoài ra sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ phục vụ chế biến sâu nhằm bao tiêu hết khối lượng gỗ tạo ra, qua đó nâng cao doanh thu và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước”.