| Hotline: 0983.970.780

Long An: Thêm hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn

Thứ Tư 29/06/2022 , 10:27 (GMT+7)

Thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ (Long An) vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn (hoàn thành nhiệm vụ) nông thôn mới năm 2020.

Thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn

Mới đây (ngày 8/6/2022), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký hai quyết định 691 và 692/QĐ-TTg về việc công nhận thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Sỹ Xương, Trưởng phòng Phát triển Nông thôn – Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết: Với việc vừa có thêm 2 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận, tỉnh Long An đã có 4/15 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn (hoàn thành nhiệm vụ) xây dựng NTM. Đó là huyện Châu Thành, TP. Tân An, thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ.

Cũng theo ông Xương cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An đã công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 111/161 xã; phấn đấu đến cuối năm, sẽ hoàn thành mục tiêu 11 xã đạt chuẩn NTM. Trong xây dựng NTM nâng cao, tỉnh Long An cũng đã có 19 xã đạt chuẩn. Phấn đấu cuối năm nay, tỉnh cũng sẽ có thêm 8 xã đạt NTM nâng cao.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về 2 đơn vị cấp huyện vừa đạt chuẩn (hoàn thành nhiệm vụ) xây dựng NTM vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận ông Xương cho hay: “Tuỳ vào thế mạnh, điểm yếu cần khắc phục ở mỗi địa phương mà tỉnh tập trung vận dụng đầu tư để chương trình đạt hiệu quả tối ưu, đem lại sự hài lòng cho nhân dân”.

Nông dân xã Bình Tịnh cần mẫn làm việc trên cánh đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân xã Bình Tịnh cần mẫn làm việc trên cánh đồng. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện Tân Trụ có 9 xã, thị trấn. Kinh tế thuần nông chưa mạnh. Nông dân canh tác chủ yếu thanh long, lúa, thuỷ sản (xã Tân Phước Tây). Nhờ vị trí địa lý, tiếp giáp TP. Tân An và TP.HCM không xa nên huyện Tân Trụ phát triển theo hướng quy hoạch công nghiệp và dịch vụ. Thật vậy, đến nay, thu nhập chính của người dân đến từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp.

Địa phương xác định xây dựng cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp dịch vụ là khâu đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá. Theo đó, huyện đang triển khai một khu công nghiệp An Nhật Tân và 4 cụm công nghiệp với diện tích 290ha. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện tốt. tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 1,82%.

Còn tại thị xã Kiến Tường, địa phương thuộc khu vực Đồng Tháp Mười. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, hạ tầng địa phương còn yếu. Tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đà khởi sắc cho địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, xác định trọng tâm là phát triển cây lúa và cây ăn trái.

Qua 10 năm xây dựng NTM giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.400 tỷ đồng chiếm 35% giá trị sản xuất. Toàn thị xã đã hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4.000ha. Lợi nhuận bình quân đạt trên 27 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

 Đồng thời, thị xã Kiến Tường đã và đang tập trung nỗ lực cải thiện tốt hơn về hạ tầng giao thông, khai thác tốt tiềm năng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để đầu tư. Hiện đã kêu gọi được 2 doanh nghiệp lớn, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Vùng quê 'thay da đổi thịt' từng ngày

Chúng tôi tìm về miền quê xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ tìm hiểu về sản xuất cũng như đời sống của người dân vùng này vào ngày chiều cuối tháng 6. Cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi có được đó là một vùng quê yên bình nhưng hơi vội vã trong hình dáng dáng của đô thị hơn cả. Đường sá lưu thông ở đây thuận lợi lắm bởi đường rộng, trải nhựa phẳng lì. Những con đường liên xóm cũng được trải đan sạch sẽ. Ven đường xanh mướt những trụ thanh long, cánh đồng lúa chờ ngày chín. Trên đường, xe cộ lưu thông ngày một đông đúc hơn khi trời càng về chiều.

Đường quê xã Bình Tịnh (huyện Tân Trụ) thông thoáng sạch đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

Đường quê xã Bình Tịnh (huyện Tân Trụ) thông thoáng sạch đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

Tìm đến UBND xã Bình Tịnh, chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Thành Hải, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã về đời sống của bà con cũng như xây dựng NTM ở đây. Mở đầu câu chuyện là ông Hải nói ngay về cây thanh long, giá vật tư nông nghiệp. Bởi theo ông, cây thanh long mới chỉ phát triển ở địa phương gần đây nhưng có thời điểm diện tích trên 130ha.

Liên tục nhiều vụ thua lỗ, bà con ngán ngẫm chuyển sang trồng cây khác hết 40ha. Chủ yếu là cây mai và hoa màu. Xã Bình Tịnh là xã nhỏ với 1.240 hộ dân, kinh tế thuần nông chưa phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp nên thu nhập của bà con từ cây thanh long và cây lúa. Ông Hải nói, năm qua thu nhập bình quân trên người của xã đạt 55 triệu đồng. Nếu thanh long không rớt giá, số ấy có thể lên đến 60 triệu đồng. Còn sản xuất lúa cũng không mang lại lợi nhuận là bao bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Bỏ qua những câu chuyện buồn về kinh tế nông nghiệp ảm đạm. Ông Hải nói cũng có những nông hộ chuyển đổi trồng rau màu mang lại hiệu quả cao hơn, thích ứng nhanh với tình hình thị trường. Mặc khác, ngoài làm nông nghiệp bà con còn đi làm ở các khu công nghiệp tại địa phương khác nên đời sống của các nông hộ cũng có phần đỡ hơn.

Tiêu biểu như hộ ông Trần Minh Tâm ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh nói có 3.000m2 trồng rau màu và thuê thêm 5.000m2 trồng lúa. Ông Tâm cho hay, chỉ sản xuất rau màu có lãi còn trồng lúa vụ rồi lỗ vốn. Nhận xét về sự thay đổi của xã Bình Tình trong thời gian qua, ông Tâm cho biết: “Đường sá ngày xưa 5m bây giờ 8-9m, dễ đi. Nước nôi thì cũng tạm ổn, cuối năm 2021 đầu năm 2022 này ổn định được vụ nước, trước đó năm 2020 bị mặn dữ lắm. Bây giờ, lúc nước mặn, nhà nước đậy các cống hết, xài nước tuyến trên nhiều”.

Xã  Bình Tịnh đạt chuẩn NTM từ năm 2016, những năm qua địa phương không ngừng vận động người dân cùng nâng chất các tiêu chí đạt được. Ông Nguyễn Thành Hải cho hay, đối với tiêu chí giao thông địa phương được đầu tư theo Nghị quyết 62 của Hội đồng nhân dân huyện, nâng cấp mở rộng đường từ 5m. Tháng 2 vừa qua, xã mới vừa hoàn thành đoạn mở rộng đoạn đường Đặng Văn Nhúng ở ấp Bình Thạnh dài 500m với kinh phí 3 tỷ đồng, trong đó người dân đầu tư 80%.

Ông Nguyễn Thanh Hải nói: “Đón đầu xu thế phát triển đến năm 2023, kinh tế phát triển xe cộ cũng nhiều hơn, địa phương đã đầu tư mở rộng các tuyến đường theo định hướng chung của huyện”.

Chia sẻ thêm chúng tôi về một số tiêu chí nổi bật khác, ông Hải cho biết: Hơn 80% bà con sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Theo tiêu chí cũ, xã có 2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đó là trường mẫu giáo Bình Tịnh và trường tiểu học Nguyễn Văn Thuần.

“Bộ mặt nông thôn của xã đang thay đổi từng ngày, nếu muốn cảm nhận sự khác biệt chúng ta hỏi những người khoảng chừng 10 năm không về địa phương sẽ thấy rõ nét nhất. 10 năm qua, nông thôn mới làm được nhiều thứ, mỗi ngày một chút, hoà vào nhịp sống của nhân dân địa phương”, ông Nguyễn Thành Hải, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh nhận xét.

Theo lãnh đạo huyện Tân Trụ huyện có lợi thế được bao bọc bởi 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, huyện thực hiện quy hoạch theo 3 vùng: Vùng ven sông Vàm Cỏ Đông phát triển công nghiệp, đô thị; Khu vực ven sông Vàm Cỏ Tây phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ; Vùng giữa phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và khi tuyến đường động lực 827E hoàn thành thì khoảng cách từ huyện Tân Trụ đến TP.Hồ Chí Minh được rút ngắn còn 16km. Với đặc điểm thuận lợi đó huyện Tân Trụ đang thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để huyện Tân Trụ có điều kiện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.