| Hotline: 0983.970.780

Luân canh màu trên đất lúa, thu nhập tăng gấp đôi

Thứ Năm 13/10/2022 , 16:16 (GMT+7)

KIÊN GIANG Luân canh cây màu và 2 vụ lúa giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nông dân thu nhập tăng gần gấp đôi so với sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Một vụ màu bằng hai vụ lúa

Ngày 12/10, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tổ chức hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi đất chuyên lúa sang luân canh lúa – màu thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu”.

Mô hình luân canh lúa - dưa lê góp phần nâng cao hiệu quả trồng lúa trên nền đất lúa 3 vụ, gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình luân canh lúa - dưa lê góp phần nâng cao hiệu quả trồng lúa trên nền đất lúa 3 vụ, gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Thị Tú Linh, Trưởng phòng Khuyến nông – Trồng trọt và Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) cho biết, mô hình luân canh lúa - màu được thực hiện tại 3 huyện là U Minh Thượng, Giồng Riềng và Giang Thành với diện tích 7ha, có 7 hộ nông dân tham gia (1ha/hộ) từ nguồn kinh phí do Sở KH-CN Kiên Giang cấp. Theo đó, thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm, nông dân sẽ sản xuất lúa đông xuân và hè thu, xen canh vụ màu xuân hè và cây trồng được chọn là dưa lê.

Luân canh sản xuất lúa – màu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập cho nhà nông. Trồng dưa lê nếu đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 20 tấn trái/ha. Còn bình quân tại 3 điểm thực hiện mô hình đạt 16,5 tấn/ha. Giá bán khoảng 7.000 đồng/kg, tổng thu đạt 116 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khoảng 34 triệu đồng/ha. Năm nay do giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao nên chi phí sản xuất tăng gần gấp 2 lần so với trước đây nên lợi nhuận giảm.

Theo bà Thị Tú Linh, kết quả đánh giá cho thấy, sản xuất 3 vụ lúa/năm, tổng chi phí đầu tư hết khoảng 71 triệu đồng, lợi nhuận thu được là 37,5 triệu đồng. Còn đối với mô hình luân canh 2 vụ lúa – 1 vụ dưa lê, tổng chi phí sản xuất là 127 triệu đồng, lợi nhuận thu được gần 68 triệu đồng.

Như vậy, mô hình luân canh lúa - dưa lê góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả đạt được từ mô hình tại các huyện U Minh Thượng, Giồng Riềng và Giang Thành có thể nhân rộng ra cho các vùng có điều kiện tương tự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhất là với đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ đạt hiệu quả không cao.

Chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng đánh giá, mô hình luân canh lúa - màu trên nền đất lúa rất phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của huyện. Hiện nay, huyện đang có khoảng 3.000ha đất lúa, nông dân sản xuất lúa vụ 3 rủi ro rất cao, thiếu nước tưới vào cuối vụ và gần như năm nào cũng xảy ra thiệt hại. Hiện có khoảng 100ha đã được nông dân luân canh trồng dưa lê, dưa hấu, cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi còn rất lớn, cần có sự hỗ trợ, tổ chức sản xuất tốt hơn, giúp nông dân tăng thu nhập.

Thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm, nông dân sẽ sản xuất lúa đông xuân và hè thu, xen canh vụ màu xuân hè và cây trồng được chọn là dưa lê, giúp tăng thu nhập gần gấp đôi so với độc canh cây lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm, nông dân sẽ sản xuất lúa đông xuân và hè thu, xen canh vụ màu xuân hè và cây trồng được chọn là dưa lê, giúp tăng thu nhập gần gấp đôi so với độc canh cây lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang Nguyễn Đức Long cho biết, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh được giao chuyển đổi 5.000ha đất chuyên lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác. Trong đó, có 3.000ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản, còn 2.000ha chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc luân canh.

Chi cục đã hỗ trợ thực hiện thí điểm chuyển đổi sang cây ăn trái, cụ thể tại huyện Giang Thành là cây mãng cầu ghép gốc bình bát, ở huyện Giồng Riềng là cây sầu riêng… Tuy nhiên, diện tích cần thực hiện chuyển đổi vẫn còn khá lớn, mô hình sản xuất luân canh lúa – màu (dưa lê) hiệu quả sẽ mở ra hướng phát triển cho nông dân. Ông Long đề xuất, ngoài việc hỗ trợ chuyển đổi, cần hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc hữu cơ, tiến tới đăng ký cấp mã số vùng trồng, giúp đầu ra của sản phẩm thuận lợi hơn, nhất là khi thực hiện xuất khẩu.  

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn (550.912ha), với 4 tiểu vùng sinh thái là: Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng, vùng đảo và hải đảo, điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp Kiên Giang phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, đặc biệt là phát triển sản xuất lúa.

Tuy nhiên, với việc canh tác lúa 3 vụ/năm lâu dài đã dẫn đến đất đai ngày càng bị bạc màu, năng suất lúa giảm, ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng. Do đó, việc chuyển đổi, luân canh lúa – rau màu là rất cần thiết.

Việc chọn cây dưa trong mô hình luân canh cho thấy tính thích nghi rộng, năng suất cao, có thị trường tiêu thụ. Qua sản xuất luân canh, có sử dụng bổ sung phân hữu cơ, đất được cải tạo, giúp sản xuất vụ lúa sau đó giảm chi phí, đạt hiệu quả cao hơn. 

Mô hình luân canh lúa - dưa lê góp phần nâng cao hiệu quả trồng lúa trên nền đất lúa 3 vụ, gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Việc bón phân hữu cơ ở vụ dưa lê cũng là yếu tố cải thiện đất và gia tăng độ phì nhiêu cho đất ở vụ canh tác lúa, giúp giảm chi phí phân bón và gia tăng năng suất lúa.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất