| Hotline: 0983.970.780

Lý do nào khiến Trung Quốc tăng mua nhiều gạo từ Việt Nam?

Chủ Nhật 22/03/2020 , 09:11 (GMT+7)

2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng tới gần 600% về lượng và hơn 700% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Vì sao vậy?

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc hơn 66 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 37 triệu USD.

Nếu so với Philippines, nước đã nhập tới trên 357 ngàn tấn gạo, trị giá gần 155 triệu USD cũng trong 2 tháng qua, thì rõ ràng, lượng và giá trị gạo xuất khẩu sang Trung Quốc còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất từ thị trường Trung Quốc là sự tăng trưởng rất mạnh của cả lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Cụ thể, với hơn 66 ngàn tấn gạo và hơn 37 triệu USD nói trên, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng qua đã tăng tới 594,5% so với cùng kỳ 2019, còn giá trị tăng tới 723,6%.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với sự tăng trưởng như trên cả về lượng lẫn giá trị, Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng tốt nhất của gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Điều đáng chú ý là một số thị trường khác tuy cũng tăng trưởng rất cao như Pháp (tăng 554,1% về lượng và 723,6% về giá trị), Đài Loan (tăng 214% về lượng và 257,5% về giá trị), Nga (tăng 218,2% về lượng và 156,4% về giá trị)…, nhưng lượng gạo xuất khẩu sang những thị trường này rất ít, chỉ từ chưa tới 1.000 tấn tới vài ngàn tấn trong 2 tháng qua, do đó không có nhiều tác động tới sự tăng trưởng chung của xuất khẩu gạo.

Chính vì vậy, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Trung Quốc mang ý nghĩa rất lớn đối với xuất khẩu gạo Việt Nam. Trước hết, là góp phần không nhỏ giúp cho xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm bất chấp dịch Covid-19 (đạt gần 929 ngàn tấn, trị giá hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và 38,2% về giá trị).

Quan trọng hơn, việc Trung Quốc tăng mua rất mạnh gạo từ Việt Nam, càng cho thấy, gạo đang là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 lan mạnh trên toàn cầu.

Bởi thực tế, về tổng thể, sản lượng gạo của Trung Quốc vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo báo cáo tháng 3/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng gạo năm thị trường 2019/2020 (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020) của Trung Quốc là 146,7 triệu tấn, trong khi tổng nhu cầu nội địa vào khoảng 143 triệu tấn.

Cũng theo USDA, tồn kho gạo năm thị trường 2019/2020 của Trung Quốc vào khoảng 117,7 triệu tấn, chiếm tới gần 70% lượng gạo tồn kho toàn cầu.

Trong năm thị trường 2019/2020, Trung Quốc có thể sẽ xuất khẩu 3,3 triệu tấn gạo và nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn (năm ngoái, Trung Quốc xuất 2,5 triệu tấn, tăng 40% và nhập 2,1 triệu tấn, giảm 25% so với năm 2018).

Trung Quốc đang xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm và nhiều khả năng sẽ vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 5 thế giới trong năm nay. Nhưng gạo xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là gạo trắng hạt dài và hạt vừa, được dự trữ theo chính sách tăng giá thu mua tối thiểu của Chính phủ Trung Quốc. Trong mấy năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức đấu thầu bán gạo dự trữ với giá thấp. Vì vậy, các công ty Trung Quốc sau khi mua được gạo dự trữ đã đẩy mạnh xuất khẩu với giá rất rẻ sang các nước châu Phi.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lại vẫn đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm, bởi người dân nước này thích ăn gạo mới hơn là gạo cũ tồn kho. Đó là lý do vì sao mỗi năm Trung Quốc đang xuất khẩu gạo với số lượng lớn và nhập khẩu cũng rất lớn mặt hàng này.

Và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhu cầu tích trữ lương thực tăng lên của người dân Trung Quốc, hệ thống logistics nội địa bị gián đoạn bởi các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, nhiều nước xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn về nguồn cung do hạn hán… Trung Quốc đã quay lại mua gạo Việt Nam nhiều hơn sau một năm 2019 rất trầm lắng (giảm tới 64,2% về lượng và 64,82% về giá trị so năm 2018).

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước cũng đang có xu hướng tăng nhập khẩu gạo, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu và hạn hán đe dọa nguồn cung ở một số nước xuất khẩu quan trọng, nhất là Thái Lan.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gần 371 ngàn tấn, cao hơn hẳn so với nửa đầu tháng 1 (gần 280 ngàn tấn) và nửa đầu tháng 2 (hơn 242 ngàn tấn).

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vì thế đang liên tục tăng, đến ngày 19/3 đã ở mức 418-422 USD/tấn với gạo 5% tấm và 403-407 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.