| Hotline: 0983.970.780

Má cháu bướu cổ nhưng nhất định không chịu can thiệp y tế

Thứ Tư 10/07/2019 , 09:27 (GMT+7)

Giờ cục bướu của má to nhanh, như bướu độc vậy cô. Thực ra nó là bướu lành, bác sĩ bảo vậy. Bác sĩ cũng nói mổ cũng không dám, vì má có hiện tượng đau tim.

Cô Dạ Hương kính mến!

Người cháu kêu là má thực sự không có con. Cháu là cháu ruột, con của em gái được cho dì từ nhỏ, hồi nhỏ, cháu cứ tưởng dì là má ruột, còn em gái của má cháu kêu là mẹ cho phân biệt vậy thôi.

Má làm nghề dạy học, dạy tiểu học, tằn tiện, ngăn nắp, mô phạm. Nghe nói hồi trẻ dì có yêu, người đó chết ở chiến trường K, má không yêu ai nữa. Tội cho má quá đúng không cô?

Sống với má, cháu được ở thành phố của tỉnh trong khi ba mẹ và anh chị sống ở quê, nhà hương hỏa của ông bà ngoại. Có lẽ vì không chồng con nên má thương các em của cháu lắm. Ngoại không có con trai, chỉ có hai chị em là má với mẹ cháu.

Cháu là đứa có bằng cấp cao nhất so với anh trai và chị gái cháu. Rồi cháu lấy chồng, má bắt ở với má chứ không cho ra riêng. Cũng được cái là chồng cháu hiền lành, chịu khó, anh thương má, thương cả cuộc đời má chỉ biết cháu và gia đình mẹ cháu trong quê. Hai đứa con cháu lần lượt lớn lên trong tay má.

Nhưng cô ơi, má phát hiện mình bị bướu cổ mấy chục năm rồi. Hồi đó cháu còn nhỏ, chưa biết gì để khuyên má đi xử lý. Má tập yoga giỏi, má không chịu can thiệp y tế. Nhưng chứng loãng xương đã khiến má bị té một lần, những động tác khó mà không làm được nữa. Từ khi về hưu má yếu luôn mà cũng bi quan luôn.

Giờ cục bướu của má to nhanh, như bướu độc vậy cô. Thực ra nó là bướu lành, bác sĩ bảo vậy. Bác sĩ cũng nói mổ cũng không dám, vì má có hiện tượng đau tim. Vợ chồng cháu thương má quá, bàn nhau bán nhà lấy tiền cho má trị bệnh, đi bệnh viện tốt ở Sài Gòn, chúng cháu sẽ đi mướn nhà sống. Sau mổ, sẽ đưa má về quê với ba mẹ cháu. Nhưng má nhất định không chịu.

Bệnh đó nguy hiểm lắm phải không cô? Chẳng lẽ ngồi nhìn má chết sao cô?

-----------------------

Cháu thân mến!

Thật là cảm động mối quan hệ của gia tộc bên cháu. Chị gái biến con của em mình thành con và chăm nó nên người, nên sự nghiệp, chăm luôn cả vợ chồng con cái nó. Cô thấy miền Nam mình nhiều gia tộc như vậy, các con xem chị hay em của mẹ như má, cho đến khi tiễn người ấy theo ông bà. Hầu như gia tộc nào cũng có một hình ảnh như vậy, có lẽ do chiến tranh dai dẳng liên miên, không đùm bọc thì bị xé lẻ, khó tồn tại.

Miền Nam mình, nhất là người miền Tây bị bướu nhiều. Do trong nước uống thiếu i-ốt. Cô nhớ em gái út của cô cũng bị, nó là nông dân, thời đói ăn đói thuốc, làm gì có muối i-ốt như bây giờ. Chính cô cũng nuôi em gái đi mổ, khi bướu còn bé như quả hạnh. Ổn luôn, vết mổ khéo rất đẹp.

Má của cháu đã chủ quan, không xử lý từ khi bướu nhỏ. Có người sợ dao kéo, sợ mổ xẻ đến mức lần lựa rồi nguy hiểm đến tính mạng. Bướu sẽ ảnh hưởng đến tim, nhất định vậy rồi. Bác sĩ không chỉ định mổ là thực sự bướu đã ảnh hưởng tới thanh quản, thực quản và tim.

Nguy hiểm chứ. Nếu má sợ dao kéo đến mức buông xuôi thì không ai giúp má được. Chỉ còn cách trở lại với yoga, kiên trì, tập nhẹ nhưng tập bền, thiền và thở nữa. Tập và tin sự mầu nhiệm của yoga. Cô rất tin môn thể dục kỳ diệu này. Nếu bướu lành, nhất định nó sẽ dừng lại và nhỏ đi. Má từng là người giỏi yoga má biết mà.

Không gì là không thể. Giải pháp bán nhà khiến má đau và có thể quỵ luôn. Ngôi nhà duy nhất, nhiều kỷ niệm, ở thành phố dù là thành phố của tỉnh. Má không quen sống ở quê, cháu nhé, thay đổi ghê gớm, cùng với chuyện làm gánh nặng cho em gái và em rể, má không yên lòng đâu.

Sống có cái nhà chết có cái mồ, người Việt mình vậy đó. Chỉ còn cách cô nói, thuyết phục, giúp đỡ, động viên má tập lại. Và uống thuốc, theo một bác sĩ giỏi ở gần và uống thuốc, giờ thuốc tốt nhiều, đem lại cho người bệnh nhiều hy vọng, cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm