| Hotline: 0983.970.780

Mặc cảm vì vóc dáng nhỏ bé

Thứ Tư 10/08/2022 , 08:42 (GMT+7)

Cháu tủi vì mình thấp bé nhẹ cân, tủi vì mình thành công hơn mà các em ít nể, tủi vì có tấm lòng với cha mẹ, với các em mà chúng hay phớt lờ

Cô kính mến!

Cháu sinh ra đã kỳ lạ so với các em. Không hiểu sao nữa cô. Ba mẹ không cao ráo nhưng không thấp lắm, nhưng hai người cộng lại mà sinh cháu chỉ có 1m48. Cháu còn thấy sự lẫm đẫm của mình từ khi đã lên cấp 2. Do nhà nghèo quá, do thiếu thốn quá hay sao ấy cô ơi.

Vậy mà làm chị cả của bốn đứa em. Mẹ đẻ cách nhau chỉ có 3 tuổi, đều bân như vậy. Vậy là 3 tuổi cháu đã ngồi đó coi em, ngồi trên nền đất trải chiếu nát hoặc trải lá chuối, lên 6 tuổi cháu đã phải nê em, 9 tuổi thì khỏi nói luôn cô, tay dắt nách ẳm hoặc để hai đứa trên võng vừa coi em vừa làm bếp, 12 tuổi, cai quản hết 4 đứa, cả đứa mới sinh đấy tháng cho mẹ đi ruộng, đi làm mướn. Cô biết nhà nheo nhóc mà má phải đi gặt lúa, đi cấy, hoặc đi làm cỏ mướn thì nghèo như thế nào. Ba ốm yếu chứ không được mạnh khỏe như người ta, nên mẹ phải làm lụng suốt. Với lại ông bà nội chia cho một ít đất như vậy, trồng lúa đủ ăn, ba mẹ phải chăn vịt thêm, vịt đàn đó cô.

Nhưng cháu học giỏi nhất lớp, từ hồi tiểu học tới sau này. Rồi đậu đại học sư phạm như mơ ước. Nhưng nói các em không nghe, nhất là hai đứa em trai, nó không nể cháu. Chúng nó 4 đứa đều chỉ học tàm tạm hết lớp 12 rồi rẽ ngang, nó nói thẳng Nhà rớt mồng tơi vậy, học hết PTTH, có ai như nhà mình không, vậy là nhất thiên hạ rồi, đi sư phạm học phí rẻ, học đại học khác thì tiền đâu. Hai đứa em gái lấy chồng, kinh tế tàm tạm, hai đứa con trai là trụ cột gia đình của chúng, hơi eo ngặt cô ơi.

Cho đến bây giờ, vợ chồng cháu ở thị xã, cả hai vợ chồng đều dạy cấp Ba, thu nhập không nhiều nhưng cũng hay bù chì cho hai em trai lo cho con cái chúng. Cần tấm lòng, cần cả tiền của chị nhưng chúng vẫn không thấy nể chị, là sao cô? Cháu cứ băn khoăn ngoại hình của mình, học trò thương mà không có trọng lượng với em trai là sao cô? Nhưng không hẳn vậy cô ơi, bởi cái nghề giáo chân chính thì không giàu, bây giờ người giàu mới được kiêng nể mà cô. Giá như cháu được cao ráo, đẹp hơn, chắc các em đã nghe và cuộc đời của chúng đã khác hơn.

Cháu thân mến!

Cô cũng không biết vì lẽ gì mà riêng cháu chỉ cao có 1m48? Như vậy là thấp bé thật, thấp bé nhẹ cân đến hết đời. Tội cho những người có ngoại hình khiêm tốn, cô cũng hay ám ảnh cảnh các cô gái thấp lùn và cứ nghĩ đến chồng họ, hạnh phúc của họ và chạnh lòng thay.

Nhưng nghị lực thường tỷ lệ nghịch với chiều cao con người, luôn là vậy. Đàn ông lùn thì tài, đàn bà thấp bé hay tốt tính. Vậy đó, trời cho bù trừ. Khá khen cho cháu chưa đầy 1m5 mà luôn đứng đầu lớp, vào được đại học rồi thành cô giáo cấp 3. Một sự đổi đời ngoạn mục cho cháu, chính ba mẹ cháu và sâu xa, các em của cháu cũng phải tự hào.Thường, sự tự hào của người thân với mình là kín đáo, họ có thể khoe ở sau lưng mình chứ trước mặt mình, họ làm như không có gì quan trọng hết. Kỳ vậy đó. Mà cần gì ai tự hào về mình hả cháu? Giá trị của con người, mình có mình tự biết, vì sao phải yêu cầu người khác ghi nhận? Vả lại, thành quả của ai cũng chưa là gì nếu mình nhìn chung quanh hoặc nhìn lên cao.

Việc các em không nghe chị để lên đại học, là có lý của nó. Nhà quá nghèo, học ngoài sư phạm tốn kém lắm vì vậy làm sao ba mẹ lo nổi, Ấy là chúng đã liệu cơm gắp mắm, nên nghĩ rằng chúng không vô lý. Và đã học xong lớp 12, ấy là giỏi thật nếu tính công cha nghĩa mẹ vào. Năm đứa con, kể cả cháu, đều xong PTTH, ấy là sự phi thường của nhà cháu ấy chứ.

Và sự thật, chị nhỏ nhắn quá chị cũng ít oai, ấy là chúng cảm chị bằng mắt. Để con người cảm ai đó, cân ai đó bằng giá trị, khó lắm, ấy là phải có sự sâu sắc của nhân văn, của trí tuệ, của khác thường cháu ạ. Cháu băn khoăn có kèm với sự tủi, tủi vì mình thấp bé nhẹ cân, tủi vì mình thành công hơn mà các em ít nể, tủi vì có tấm lòng với cha mẹ, với chính các em mà chúng hay phớt lờ. Ấy là sự tủi tự nhiên của người cả đời luôn thấy tủi vì hình dạng khác thường, nhỏ bé khác thường, có lẽ cảm giác ấy sẽ đeo đuổi cháu hết cả đời. Không sao cháu ơi, không trọn vẹn mới là đời. Đã là cô giáo PTTH thì cứ cuộc đời ấy, số phận không tệ ấy mà thong dong sống nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm