| Hotline: 0983.970.780

Mai giảo mang ấm no cho vùng biên An Giang

Thứ Ba 04/10/2022 , 09:15 (GMT+7)

Cánh đồng lúa vàng rực ngày nào giờ cũng vàng rực nhưng là màu của hoa mai, Màu vàng hoa mai đem lại niềm hạnh phúc nhiều hơn cho bà con vùng giáp biên giới.

An Giang có giống mai vàng giảo. Đây là loại cây mau lớn, có 12 cánh, bông lâu tàn, có mùi thơm nhẹ, ít nơi nào sánh được. Hiện nay, nông dân Thị xã Tân Châu (An Giang) đã đưa loài hoa này trồng trên đất lúa, cho hiệu quả cao.

Cây mai giảo đã có trên vùng đất Tân Châu hơn 20 năm, giờ đây nó còn được tỉnh An Giang quy hoạch là một trong 5 nhóm sản phẩm chủ lực vì cho giá trị kinh tế cao (gồm lúa gạo, cá tra, rau màu, nấm ăn và nấm dược liệu, hoa kiểng). Từ hiệu quả kinh tế của loại cây này, những năm gần đây, nông dân các xã Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong đã lần lượt chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai giảo để tiêu thụ khắp nơi trong nước, đồng thời xuất khẩu sang các nước khác.

Empty

Chuyển đất lúa sang trồng cây mai giảo đã giúp đời sống bà con nhiều nơi ở huyện Tân Châu (An Giang) ngày càng sung túc. Ảnh: Bảo Phong.

Khi kinh tế phát triển, nhu cầu chơi cây cảnh ăn theo thì cây mai giảo lên ngôi, người trồng mai cũng mấy chốc giàu lên. Ông Cao Tấn Ân, một nông dân trồng 15 công mai giảo, mỗi công đất ruộng trồng được 500 gốc. Khi mai trồng được 3 - 4 năm thì xuất bán. Mỗi công mai xuất bán thành 3 đợt: Đợt 1, cây lớn, ông bán mão (bán cả vườn) cho thương lái trung bình khoảng 2 triệu đồng/cây; đợt 2 từ 1,5 triệu đồng/cây và đợt 3 từ 500.000 – 800.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, 1 công mai cho lời từ 300 đến 500 triệu đồng.

“Làm rẫy bấp bênh lắm, còn trồng mai này nếu có ế thì để lại năm sau bán. Bán tốt thì lời nhiều, còn ế thì để cho cây lớn năm sau bán cũng dư chi phí. Chưa có loại cây nào mà hiệu quả kinh tế cao như cây mai, càng để lâu cây càng lớn thì giá trị kinh tế càng cao”, ông Cao tấn Ân, người trồng mai giảo ở Tân Châu nói.

Empty

Mai giảo là cây cảnh rất được khách hàng ưa thích, nhu cầu ngày càng lớn. Ảnh: Bảo Phong.

Mai giảo Tân Châu có đặc điểm bông đẹp, lâu tàn, màu sắc sặc sỡ, mỗi bông từ 8 – 12 cánh. Hiện nay, cây hoa kiểng đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Phú Vĩnh (huyện Tân Châu). Toàn xã có trên 50ha đất trồng cây mai giảo và diện tích này đang được phát triển theo cấp số nhân bởi tính hiệu quả của loại cây trồng này.

Hằng ngày, thương lái từ miệt vườn Long An, Bến Tre, TP.HCM đến đây săn mua mai giảo rất nhiều. Có lái săn tìm cây lớn, mai cổ để mua bán; có lái săn mua mai vườn, họ mua mão nguyên công rồi bứng mang lên xe tải chở về phân loại ra rồi bán trên mạng xã hội, bán cho các vựa hoa kiểng. Nhờ cây mai giảo ở Tân Châu mà nhiều thương lái cũng trở nên giàu có.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh cho biết: “Thị xã đang xem xét và quy hoạch cây mai trở thành cây chủ lực của vùng đất Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong, đồng thời tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu mai giảo Tân Châu, khi thực hiện được điều này thì cây mai giảo càng có giá trị bởi nó có nguồn gốc, xuất xứ, được nhiều người biết đến, từ đó sẽ thành thương hiệu mạnh...".

Empty

Một nhà vườn nhân giống mai giảo. Ảnh: Bảo Phong.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều địa phương trong tỉnh chọn con cá tra, cây lúa, nấm dược liệu để trồng và làm giàu thì ở Thị xã Tân Châu, nông dân nơi đây chọn cây mai giảo. Cánh đồng lúa vàng rực ngày nào giờ cũng vàng rực nhưng là màu của hoa mai, và màu vàng hiện tại đã đem lại niềm hạnh phúc nhiều hơn cho bà con vùng giáp biên giới.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...