| Hotline: 0983.970.780

Mạnh tay điều tiết việc nuôi tôm

Thứ Sáu 23/11/2012 , 14:23 (GMT+7)

Trong một năm đầy sóng gió và đang vào giai đoạn “nước rút” cuối năm, tôm bán mùa Noel, Tết 2013 ra sao? Ông Hồ Quốc Lực đã có cuộc trả lời phỏng vấn NNVN.

Ông Hồ Quốc Lực
Tôm là một trong 2 sản phẩm chủ lực trong XK thủy sản của VN. Trong một năm đầy sóng gió và đang vào giai đoạn “nước rút” cuối năm, tôm bán mùa Noel, Tết 2013 ra sao? Ông Hồ Quốc Lực đã có cuộc trả lời phỏng vấn NNVN.

Ông nhận xét gì thủy sản cuối năm, nhu cầu mùa Noel, đón năm mới 2013?

Năm nay người nuôi tôm thêm bận lao đao vì tôm tiếp tục bị chết. Đây mới chỉ là khởi đầu. Hiện nay, ngành nuôi tôm Thái Lan đã và đang vướng tình trạng xấu này. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không căng thẳng dù đang tới mùa tập kết hàng chuẩn bị cho Noel và năm mới.

Lý do, sản lượng tôm toàn thế giới ở mức trung bình; suy thoái kinh tế thế giới còn kéo dài nên người dân ý thức tiết kiệm. Do thiếu hụt tôm nguyên liệu trầm trọng, và giá tôm nguyên liệu quá cao, các nhà máy chế biến VN hoạt động ở mức trung bình là phổ biến. Chỉ có một số ít nhà máy hoạt động còn khá ổn định. Có thể tóm gọn thực trạng nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm nay như “cơn lốc” sẵn sàng nuốt gọn bất kỳ DN nào sẩy chân.

DNXK thủy sản VN có kịp điều chỉnh để tìm cơ hội kinh doanh mới?

Khi thiếu nguyên liệu, các nhà máy chế biến cũng tìm cách xoay sở để cầm cự qua cơn khốn đốn. Năm nay, chúng ta nhập khá nhiều tôm sơ chế từ nước ngoài như từ Ấn Độ, Equador, Indonesia… để chế biến lại. Việc này chỉ có ý nghĩa góc độ có việc làm, giữ chân khách hàng.

Một giai đoạn, lúc Thái Lan trúng vụ khoảng tháng 5 tới tháng 7 vừa qua, các thương lái đã linh hoạt khai thác nguồn tôm tươi này. Tuy nhiên, từ nay đến hết quý I năm sau, tôm nguyên liệu còn thiếu trầm trọng, có lẽ các nhà máy chế biến phải tiếp tục tìm khai thác các nguồn tôm sơ chế ở những nước có thu hoạch tôm giai đoạn này, chủ yếu các nước nằm Nam bán cầu.

Nếu nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, hay chọn vật nuôi khác để phát triển thương mại theo hướng đa dạng hóa thì điều gì sẽ xảy ra?

Mỗi giải pháp đều có 2 mặt. Ông bà ta nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhập khẩu nguyên liệu mang tính ngắn hạn bởi đâu có hiệu quả, chỉ là khách hàng, công việc, thậm chí khách hàng tiêu thụ cũng không đồng ý. Đa dạng hóa sản phẩm phải tốn nhiều thời gian tìm hiểu, tổ chức nuôi, chế biến.

Tuy nhiên, trước bối cảnh việc nuôi tôm đang gặp khó khăn quá lớn như hiện nay thì đa dạng hóa sản phẩm là một lối ra mang tính chất chiến lược, nhưng không phải DN nào đều có thể. Chúng tôi đang mày mò tìm hiểu con đường này. 

Ông đã từng lên tiếng cảnh báo về vấn nạn tôm VN nhiễm chất kháng sinh, một số thị trường gia tăng mức khuyến cáo. Hiện nay, diễn biến ở vùng nuôi có “thức tỉnh” và ông đề xuất gì trong việc giữ uy tín sản phẩm tôm VN? 

Hiện nay tôm nuôi của chúng ta thiệt hại trầm trọng. Người nuôi tôm luôn rơi vào hoàn cảnh bất an. Từ đó, cũng có thể có chủ ao lén sử dụng kháng sinh dưỡng tôm giai đoạn đầu. Việc này khó phát hiện. Tuy nhiên, việc nổi cộm hiện nay là tồn lưu ethoxyquin là vấn đề khá gay go. Bởi chất này không thể thiếu bảo quản bột cá, dầu mực.

Mới đây, cơ quan chức năng Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm tra chất này đối với tôm từ VN từ ngày 19/11/2012 với ngưỡng thấp như Nhật Bản là 10ppb. Lại thêm một hàng rào ngăn chặn con tôm của ta. Việc đề xuất làm sao giữ tốt uy tín con tôm VN là chỉ cần cơ quan thẩm quyền nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn trong việc xử lý những hóa chất cần cấm hoặc hạn chế sử dụng sao tương đồng quy định từ thị trường tiêu thụ tôm chủ yếu của ta.

Thí dụ chất kháng sinh enrofloxacine phía Nhật cho dư lượng 10ppb, phía Hoa Kỳ là 1ppb. Tôm VN bán chủ yếu 2 thị trường này, thì việc cấm sử dụng chất này nên phải sớm hơn. 

Chúng ta có thể nuôi tôm thẻ chân trắng, nhu cầu thị trường này như thế nào?

Vùng nuôi tôm sú là vùng lợ mặn nên có thể nuôi tôm thẻ. Con tôm nào cũng bán được. Vấn đề là giá bán. Giá thành tôm nuôi của ta còn cao lắm, nếu sản lượng tăng mạnh, giá tôm nguyên liệu trong nước sẽ giảm do quy luật cung cầu. Người mua nghe tin ta trúng vụ họ sẽ mua giá thấp ngay. Do vậy, về lâu dài Chính phủ phải mạnh tay điều tiết việc nuôi tôm như nuôi cá tra. Còn vì sao giá thành tôm nuôi của ta quá cao là chuyện khác, bởi liên quan đến nhiều yếu tố.

Mới đây có thông tin thị trường Trung Quốc cấm nhập tôm VN, vấn đề có đáng lo ngại? 

Phía Trung Quốc thông báo ngưng nhập tôm sống từ VN. Sản lượng này không lớn, không ảnh hưởng gì đến việc tiêu thụ tôm của ta.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).