| Hotline: 0983.970.780

Mâu thuẫn với bố mẹ chồng vì chuyện cưới xin của con gái

Thứ Năm 13/02/2020 , 08:45 (GMT+7)

Chuyện cưới xin của con gái cháu đã định được ngày tổ chức. Nhưng ông bà cứ cương quyết bắt vợ chồng cháu phải tổ chức đám cưới, xin dâu tại nhà ông bà.

Cô kính mến!

Cháu và chồng cháu cùng sinh ra và lớn lên trong hai gia đình gia giáo, khuôn mẫu mực thước. Khi kết hôn, vợ chồng cháu có sống chung với bố mẹ chồng một thời gian rồi chuyển ra ở riêng. Lúc cháu chuyển ra ngoài, con gái của cháu đang học cấp 1. Chuyện tưởng như chẳng có gì, vậy mà bây giờ, con gái cháu sắp đến ngày về nhà chồng lại xảy ra mâu thuẫn như này cô ạ.

Chuyện cưới xin của con gái cháu đã định được ngày tổ chức. Nhưng ông bà cứ cương quyết bắt vợ chồng cháu phải tổ chức đám cưới, xin dâu tại nhà ông bà chứ không cho con gái cháu tổ chức tại nhà riêng của cháu.

Cháu thì lại nghĩ khác, vì chúng cháu đã có nhà riêng, nên cháu muốn tổ chức tại nhà của mình. Hơn nữa, nhà của cháu rộng rãi, lại nằm cạnh quốc lộ, rất thuận tiện cho việc đưa đón con gái cháu về nhà chồng.

Còn nhà bố mẹ chồng cháu chật hẹp, nằm trong một con ngõ nhỏ, chỉ có thể đi bộ, hoặc đi xe máy chứ không thể đi ô tô vào trong được. Nhà con rể cháu lại cách xa nhà cháu hơn 100 km, nên cháu thấy tổ chức tại nhà mình là hợp lí.

Mặc dù cháu đã đưa ra rất nhiều lí lẽ thuyết phục, mọi người trong họ hàng cũng đã lên tiếng giúp vợ chồng cháu, nhưng ông bà vẫn không nghe cô ạ. Cháu biết là ông bà rất quý và thương yêu cháu gái mình, muốn khoe sự trưởng thành, giỏi giang của cháu mình với bàn dân thiên hạ, nên muốn tổ chức trong nhà ông bà.

Nhưng cháu thiết nghĩ, đây là việc làm không cần thiết. Từ đó đến nay, ông bà luôn tỏ thái độ khó chịu, không hài lòng với vợ chồng cháu.

Cháu đang vừa phải lo việc đại sự cho con, khi ngày cưới đang sắp cận kề. Vừa phải xem xét thái độ của bố mẹ chồng. Cháu thấy lo lắng lắm cô ạ.

Cháu không biết, việc tổ chức đám cưới ở nhà mình như vậy có gì sai không cô? Cháu phải thuyết phục bố mẹ chồng như thế nào để ông bà ủng hộ vợ chồng cháu? Lúc này cháu đang rất bối rối và mong cô cho cháu lời khuyên để cháu có thể giải tỏa được nỗi bận tâm này, toàn tâm toàn ý lo công việc lớn của gia đình sắp tới ạ.

----------------------

Cháu thân mến!

Trường hợp bố mẹ chồng cháu rất lạ và bảo thủ à nha. Sao vậy? Chắc là nhà nội của con gái cháu có bàn thờ, chỗ cháu thì không. Họ muốn có lễ trên bàn thờ ở đây là tổ tiên cửu huyền chứ không phải bàn thờ ông bà (ông bà nội của nó còn sống).

Quan niệm thủ tục ấy do có lễ đón dâu mà là lễ thì phải có bàn thờ để nhà trai đưa các thứ lên và lên nhang lên đèn bái lạy tổ tiên. Nhưng đó là nhà của nội, nơi cô gái lớn lên từ bé đến tầm 10 tuổi. Với lại, nội xem như đó là quãng thời gian quan trọng, nội lớn công với nó chứ không chỉ tình yêu thương đâu, cô nghĩ vậy.

Gay go nhỉ. Trước tiên phải thấy khi yêu mọi chuyện sáng trưng, khi bắt đầu hôn nhân thì bên này bên kia lời ra tiếng vào phát mệt. Người Việt mình là vậy, lạc hậu, nhiêu khê, tín ngưỡng rườm rà, bắt lỗi, bắt chẹt, bắt bẻ tùm lum.

Cô không thấy ý kiến của chồng cháu ở đây? Sao vậy? Cậu ấy là nhạc trưởng, là nóc của mái nhà, cậu ấy muốn gì? Theo cô, chắc chắn vì cái bàn thờ, tổ tiên, mâm quả, nhang đèn, trầu cau cưới xin nên nội nhất quyết vậy.

Cô nhớ thời cô gả con gái đầu, năm 1996, cô chỉ có bàn Phật, không có bàn thờ tổ tiên, cô phải làm một cái bàn, phủ khăn, có lư hương mới. Nhà trai đưa mâm quả, cô đưa lên cái bàn và thắp hương. Sau đó, cô vào chùa hỏi ý sư thầy, ông ấy bảo lư hương có thể bỏ sau khi khấn tử tế, thắp nhang xin và hủy.

Vậy đó cháu. Nên kỹ và nên tham khảo người lớn. Nhất là hai vợ chồng phải thống nhất. Hỏi ông bà nội cháu muốn gì, vì bàn thờ phải không?

Nếu vậy thì phải chiều, làm lễ ở đó, chồng cháu phải phát biểu hay ai đó chủ hôn của nhà gái phải phát biểu, rằng đây là nhà của nội, nơi con bé được sinh ra và lớn lên, dù ngõ có sâu, nhà có hẹp, cũng nên thể tất vì đây là ngôi nhà có bàn thờ, có kỷ niệm đẹp với bố mẹ cháu và cháu.

Có lẽ đành vậy thôi. Ngày vui của cháu, đừng để ông bà buồn và tẩy chay thì hết vui luôn. Trời và đất, ở đây đất phải chịu trời rồi. Còn nếu có họp mặt gia tộc ăn uống đêm đó thì bà con lên nhà nội, bạn bè cháu có thể tản ra nhà cháu ăn nghỉ, được không?

Hy vọng các cháu thu xếp được.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm