| Hotline: 0983.970.780

Máy cấy - giải pháp ưu việt cho SX giống lúa

Thứ Hai 23/12/2013 , 09:56 (GMT+7)

So với cấy tay thủ công, sử dụng máy cấy làm tăng năng suất từ 200 – 300 kg/ha, lợi nhuận thu được tăng 2,5 – 3 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất giảm được 500 đ/kg giống.

Hơn 10 năm nay, cơ sở cấy thuê Tám Công ở Châu Thành, Long An tập hợp được 150 thợ cấy chuyên nghiệp đảm nhận việc cấy cho các cơ sở sản xuất giống lúa lớn ở ĐBSCL, nhưng từ nay về sau loại hình dịch vụ này sẽ khó cạnh tranh được với máy cấy đang xâm nhập thị trường.

Mặc dù xã Phú Thành B, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thuộc diện vùng sâu, xe 4 bánh chưa vào tận nơi nhưng cuộc trình diễn máy cấy vẫn thu hút hơn 100 nông dân Đồng Tháp cùng nhiều lãnh đạo Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Nam bộ.

Ông Đào Duy Linh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ lúa giống Mỹ Trà (Cao Lãnh - Đồng Tháp) chia sẻ, Câu lạc bộ gồm những người cùng chí hướng và điều kiện sản xuất đã tập hợp được 14 ha chuyên sản xuất lúa giống. Mặc dù phụ nữ tại chỗ có nhiều người biết cấy nhưng giá công cao và thường bị động nên khi hay tin có cuộc trình diễn này ông đã đăng ký tham gia ngay.


Cuộn mạ khay để đưa lên máy cấy

Ông Võ Văn Lặng, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình có 4 ha chuyên làm giống ở vụ đông xuân xởi lởi, mặc dù chưa có nhu cầu nhưng khi nghe nói máy cấy là ông đăng ký tham gia ngay vì “mới thấy trên phim không à, lần này đi xem cho biết”.

Với người dân thì còn mới lạ nhưng với Trung tâm Khuyến nông Long An lại không vậy. Theo báo cáo, Trại giống Trung tâm KN Long An sử dụng 40 ha chuyên làm giống 3 vụ/năm. Việc thiếu hụt lao động và bị động cấy đã đưa trại giống đến với máy cấy từ cuối năm 2007. Sau 5 năm, Trung tâm này đưa ra kết luận sử dụng máy cấy là giải pháp tối ưu cả về quản lý lẫn kỹ thuật và kinh tế.

So với cấy tay thủ công, sử dụng máy cấy làm tăng năng suất từ 200 – 300 kg/ha, lợi nhuận thu được tăng 2,5 – 3 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất giảm được 500 đ/kg giống. Tuy nhiên muốn đảm bảo máy cấy phát huy được hiệu quả cao thì cũng cần những điều kiện tiên quyết như là ruộng phải được trang bằng thật phẳng (san bằng thiết bị laze) và không bị lầy thụt, phải hoàn toàn chủ động nước. Mỗi ô ruộng được thiết kế tối thiểu 1.000 m2 và công nghệ làm mạ khay phải “chuẩn”.


Máy cấy đang hoạt động

Cuộc trình diễn này do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia phối hợp công ty chuyên bán máy GĐLH và máy cấy Hàn Quốc - Sài Gòn Kim Hồng thực hiện trên diện tích 100 ha gồm 2 loại máy, máy cấy đẩy tay có công suất 1,5 ha/ngày và máy tự hành có công suất 3,5 ha/ngày đều có xuất xứ từ Hàn Quốc, máy đẩy tay cấy đồng thời 4 hàng, khoảng cách hàng cách hàng là 30 cm; máy tự hành cấy 6 hàng, khoảng cách hàng cách hàng cũng 30 cm, cả 2 loại máy đều có thể điều chỉnh khoảng cách cây cách cây từ 12 đến 18 cm.

Qua thực nghiệm tại hiện trường thấy máy có thể hoạt động liên tục, thi thoảng dừng vài phút ở đầu bờ để chất khay mạ lên giàn. Máy có thể cấy mạ từ 8 ngày tuổi đến 14 ngày, cấy được từ 3-6 tép/bụi, lượng giống tiêu tốn cho mỗi ha là 38 kg. Mỗi máy đều cần 1 người phụ để chất mạ lên dàn và phụ kéo khi máy bị lầy.

Tuy có một số câu hỏi chưa được các nhà tổ chức giải đáp thỏa đáng như là với khoảng cách thưa tối đa chỉ 30 bụi/m2 thì việc chăm bón có gì khác để đảm bảo 600 bông/m2 (số bông lý tưởng để đạt năng suất cao)? Việc cây mạ tốn 2-3 ngày để hồi xanh thì sẽ ảnh hưởng như thế nào với các giống lúa cực ngắn ngày (từ 88-95 ngày)?

Nhưng các nhà nông, nhất là các hộ và cơ sở sản xuất giống, những người có diện tích canh tác lớn ở trong vùng đê bao chủ động nước đều cho rằng với giá 400.000 đ/ha (bao gồm gieo mạ và cấy), rẻ hơn cấy thủ công 200.000 – 300.000 đ là giá cạnh tranh và họ đều cho rằng, chỉ vài năm tới thì giải pháp cấy máy sẽ chiếm lĩnh các các cơ sở chuyên sản xuất giống và Hợp tác xã Nông nghiệp (nhất là các HTX có cánh đồng liên kết được bao tiêu).

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.