| Hotline: 0983.970.780

Mẹ van nài cháu cầm tiền để... đẻ

Thứ Ba 29/10/2019 , 10:46 (GMT+7)

Mẹ cháu cứ giục mua nhà và đẻ con. Giục hoài khiến cháu phát chán luôn, hết muốn về bên nhà thăm chơi luôn. Ba không nói gì nhưng mẹ cứ bứt rứt, mẹ có tiền mẹ có tiền...

Cô kính mến!

Cháu đây cô, con bé đã từng thư xin cô về chuyện tình cảm. Nay cháu đã du học ở nước ngoài, đã cưới và đã dần ổn định rồi cô. Cháu viết thư này để nói lên nỗi lòng của một người ray rứt với văn hóa người Việt của mình. Hy vọng sẽ nhiều bậc làm cha làm mẹ đọc được.

Nhà cháu không giàu nhưng nếu nói không có tiền cũng không đúng. Cháu đi du học tự túc chứ không diện học bổng, cháu học bình thường. Năm đầu tiên ba mẹ phải chu cấp, ăn ở và học, khá tốn kém, rất tốn kém. Sáu tháng sau khi sang cháu đã đi làm thêm, ở một cửa hàng hoa quả, để trải nghiệm và để luyện tiếng.

Năm thứ hai, cháu đã có thể tự túc tiền ăn và đi lại, nhờ làm thêm. Đến năm thứ ba thì cháu lo được tiền ở, ba mẹ chỉ mất tiền học thôi. Nghề cháu chọn chỉ học 3 năm. Rồi cháu có việc làm. Coi như nghĩa vụ trách nhiệm của ba mẹ với cháu kết thúc, cháu muốn như vậy, vì dưới cháu là em trai còn đang học phổ thông ở trong nước.

Rồi cháu yêu, anh ấy người bản địa, còn một năm nữa mới xong đại học ngành của anh ấy. Chúng cháu đã đi thuê nhà sống và dưới áp lực của nhà cháu, nhà bên anh, chúng cháu đã cưới ở bên này.

Cưới rất gọn, chỉ 100 người, có bà con bên cháu đang định cư ở đây chứ ba cháu làm công việc không xuất ngoại được mà vì vậy, mẹ cháu cũng không muốn sang. Thôi thì khi nào về nước, các cháu sẽ lạy gia tiên và ra mắt mọi người.

Vấn đề là mẹ cháu cứ giục mua nhà và đẻ con. Giục hoài khiến cháu phát chán luôn, hết muốn về bên nhà thăm chơi luôn. Ba không nói gì nhưng mẹ cứ bứt rứt, mẹ có tiền mẹ có tiền, sao các con phải ở nhà thuê nhà mướn, tiền bạc để bên này để làm gì?

Cháu nói văn hóa bên này đời ai nấy lo, ba mẹ nhà giàu mới bao con mà bao thì chúng nó kém. Người tử tế người có danh dự bên này luôn tự lập, con trai không nhận tiền của bố mẹ để mua nhà đâu. Vả lại, chúng con chưa muốn đẻ, thậm chí không muốn đẻ nữa, đừng có ý kiến áp sát, áp đặt, thậm chí van nài cầm tiền đi con, tiền để làm gì, con nghe con phát hoảng luôn ấy.

Đúng là người Việt mình bao bọc mà tưởng ghê lắm. Tiền đâu có ế, ba mẹ khiến tiền đẻ ra tiền đi, cho mình, đi chơi tẹt ga đi, để dành dưỡng già, đổi chỗ ở cho sướng đi. Cứ không nghe cháu giải thích mà lại muốn chỉ đạo và nhận tiền, có khổ cho cháu không chứ.

----------------------

Cháu thân mến!

Người Việt mình kiên cố triết lý sống: con là của. Không phải tài sản là cơ ngơi, tiền và đất mà là con cái. Con để nối dõi, con để tự hào, con để nương tựa. Đó, đó, cái triết lý rất phương Đông ấy hàng ngàn năm, bây giờ kêu người ta thay đổi chắc người ta ném đá mình chết.

Những người không có của thì đau khổ, ấm ức suốt cả một đời không có gì để dành lại cho con. Hoặc có một ít thì nhịn ăn nhịn xài nhịn sống để dành cho con, con trai cưới vợ phải có nhà, còn con gái sao, con gái cũng phải có chút ít kẻo nó hờn, nó lận đận, nó tủi. Cả một đời chỉ nghĩ để dành lại, quần quật, ki cóp trong bối cảnh đất nước loạn lạc và gượng dậy, rồi lại loạn lạc và gượng dậy.

Bây giờ, sau mấy chục năm kinh tế mở cửa, những người giỏi giang đã trồi lên, có ăn có để. Thế là lo cho con cái, gọi là “tị nạn giáo dục”, một núi tiền cho nó. Lại không dám du lịch, sống sung sướng, không dám gì cả. Cứ thế, đứa đầu và đứa sau, hút cạn tiền bạc và sinh lực cha mẹ mà cha mẹ vẫn vui, vẫn thấy tự hào. Vì nghĩ đời mình vứt đi rồi, hy sinh đời bố củng cố đời con.

Cháu có chồng ở nước mà cháu du học và ở lại. Cháu không nói nước nào nhưng cô nghĩ, người văn minh, xứ văn minh họ có văn hóa khác. Văn hóa ấy cũng mấy trăm năm rồi, các thế hệ tự lo và đó là vẻ đẹp, làm nên nền tảng sức mạnh của họ.

Vì sao cô nói nền tảng? Là vì con người không ỷ lại thì sẽ có con người mạnh mẽ, là vì tiền của các thế hệ trước sẽ đưa vào làm ăn sinh lợi, là vì cứ thế, lớp này và lớp khác, kiêu hãnh, kiến tạo, làm nên những bậc thang tuyệt vời cho đất nước họ.

Cháu hãy sống như mình định. Còn người chồng bản địa của cháu nữa, cậu ấy không thích lấy tiền của bố mẹ vợ đâu. Hãy nói cho mẹ và ba cháu hiểu điều đó và chấm dứt câu chuyện van nài đi.

Và cháu sẽ đẻ con khi cháu muốn, hoặc không đẻ cũng không chết ai, cũng cần phải nói rốt ráo với mẹ. Nhưng không vì thế mà không về nước chơi, để mẹ héo hon vì nhớ nhung.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm