| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề độc đáo trên xứ chè

Miền cọ ATK Thái Nguyên có làng dệt mành

Thứ Hai 13/07/2020 , 06:10 (GMT+7)

Chiến khu Định Hóa hôm nay vẫn giữ được rừng cọ đồi chè. Nhiều sản phẩm từ cây cọ đã gắn bó với cuộc sống người miền núi như nón lá cọ, mành chiếu cọ...

Thày giáo Triệu Văn Quản - người đầu tiên đi học nghề và đưa nghề về làng Bầng cách đây hơn 30 năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thày giáo Triệu Văn Quản - người đầu tiên đi học nghề và đưa nghề về làng Bầng cách đây hơn 30 năm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

“Sự tích” làng

Hiện, nghề làm mành cọ tại vẫn đang được duy trì, tạo ra công ăn việc làm chủ yếu cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Từ UBND xã Đồng Thịnh, chúng tôi đi ngang qua vùng đất năm xưa quân và dân ta từng diễn tập để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.  

Đây là mênh mang cánh đồng Sìn giả định vựa lúa Mường Thanh, kia là cây cầu Đèo Tọt soi mình trên dòng suối Đồng Thịnh như thể sông Nậm Rốm. Bên kia cây cầu là làng nghề mành cọ truyền thống thôn Làng Bầng, một trong những nghề khá độc đáo của địa phương.

Tại nhà thày giáo Triệu Văn Quản - người đầu tiên đi học nghề và đưa nghề về thôn cách đây hơn 30 năm, bắt đầu từ chuyện làng chuyện xã, 4 làng nghề dệt mành cọ truyền thống của 4 thôn nay ghép thành lại còn 2. Thôn Làng Bầng vừa được ghép với thôn Co Quân, tên mới vẫn là Làng Bầng, trên 120 hộ dân, nhà nào cũng có khung dệt.

Nói về cây cọ thì huyện Định Hóa đúng là xứ sở. Khắp huyện đâu đâu cũng thấy màu xanh của cọ. Cọ mọc thành rừng xanh phủ rợp những đồi chè. Cọ mọc thành đồi men theo những ruộng lúa. Cọ nhiều đến nỗi, người dân ở đây chẻ nõn cọ bắt cả chậu to đuông cọ.

Cây cọ ở Định Hóa được dùng vào nhiều việc. Trước đây thì  quả ỏm để ăn, nõn để nấu canh xương, lá lợp nhà, làm nón, thân cây dùng làm dui mè nhà.

Nay, cây cọ từ gốc tới ngọn đều ra tiền. Thân cây xẻ ra lát ốp nhà, làm đũa xuất khẩu, xương lá cũng xuất khẩu, cuống lá chẻ nan dệt mành, chiếu. Có những xã chỉ chuyên chặt lá cọ để lấy xương (gân lá) bán cho thương lái và chẻ nan bán cho làng dệt mành.

Nhà thầy giáo Quản cũng có đồi cọ 2ha nhưng cũng như các hộ khác trong làng nghề, đều phải mua nan chẻ sẵn chứ không có hơi sức đâu mà leo vào rừng chặt lá rồi tự chẻ nan.

Cụ Triệu Văn Quản năm nay đã 78 tuổi, dân làng cung kính gọi là thầy Quản bởi lẽ cụ vốn dĩ là giáo viên trường xã từ năm 1962 đến năm 1992 mới nghỉ hưu. Hơn nữa, cụ còn dạy nghề dệt mành cho cả xã này.

Cụ Quản hóm hỉnh kể, vì quá đói nên sinh nhiều con, chồng giáo viên, vợ làm ruộng nhưng đẻ những 8 đứa, lúc nào cũng đói, đói không ngủ được không biết làm gì cho mau đến sáng, thế là lại đẻ.

Năm 1990, cụ cùng vài người bạn được đi tham quan nhà máy dệt mành ngoài thị trấn, thấy cũng không khó lắm, nguyên liệu lại sẵn, dệt ra thì bán cho ngoại thương, mấy đứa con cũng phụ việc được, không đói nữa.

Thế là cụ giáo bèn học lỏm mô hình mấy cái khung dệt, về chặt cây đóng thành khung, xuống chợ Thái mua chỉ màu, rồi chặt cọ vót nan làm thử.

Chị Triệu Thị Thu, 46 tuổi, con gái của cụ nhớ lại, cái khung dệt đầu tiên thô sơ lắm, chỉ là 4 cái cột có giá để treo chỉ, phải 2 người cùng nhau làm mới dệt được. Đầu tiên bố tôi bảo tôi phụ giúp, làm 1 ngày là xong, cái mành nhẵn nhụi đẹp lắm, lại rất bền, nhà tôi dùng thay chiếu cả chục năm không hỏng.

Chị Thu lấy chồng ra thị trấn, không còn theo nghề làm mành cọ, nhưng cụ Quản và 2 người con trai vẫn duy trì nghề.

Nhà cụ chỉ có 1 khung cô cháu dâu tên là Triệu Thị Duyên, 29 tuổi, vừa chăm con nhỏ, vừa làm việc nhà, mỗi ngày tranh thủ dệt được trên dưới 20 chiếc. Duyên quê ở Bắc Kạn, lấy chồng về Làng Bầng mới làm quen với công việc này, chỉ học có nửa ngày đã thành thợ chính.

Mỗi nhà con trai cụ Quản có 2 khung, thuê người làm. Khung dệt của cha con cụ Quản được cho là hiện đại nhất làng vì đã cải tiến đến lần thứ ba rồi, nhưng trông vẫn quá thô sơ và đơn giản. Chỉ mấy đoạn thân cây, đoạn xích xe đạp hỏng, đều tự tay cụ đóng.

Cải tiến mới nhất của cụ là dùng 2 đoạn gỗ và 1 cái ròng rọc giúp cho người dệt chỉ cần dùng chân dập, trong khi các nhà vẫn đang sử dụng khung dệt phải kết hợp cả tay và chân. Sáng kiến này giúp rút ngắn thời gian hoàn thành dệt 1 chiếc từ 20 phút xuống còn 10-15 phút.

Bắt đầu từ cụ Quản, nhiều người đến học rồi theo nghề, coi như một nghề thu nhập kiếm cơm. Đến năm 2013, có 4 làng trong xã được công nhận là làng nghề truyền thống với hơn 120 lao động, mỗi năm bán trên 200 nghìn chiếc mành, doanh thu gần 7 tỷ đồng.

Nghề nay “nuôi” cảnh xưa

Dệt mành cọ đã trở thành một nghề 'kiếm cơm' ở Làng Bầng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Dệt mành cọ đã trở thành một nghề “kiếm cơm” ở Làng Bầng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Hộ được cho là giàu nhất thôn là nhà ông Bàng Xuân Thế, 52 tuổi, có đến 3 khung dệt.  Ông đã theo nghề làm mành được 10 năm nay, thuê 3 người làm quanh năm.

Ông Thế nói nghề không đòi hỏi vốn liếng, lại là công việc rất đơn thuần, không đòi hỏi sức lực sự khéo léo hay trình độ gì hết, trẻ con cũng làm được, ai vụng nhất cũng làm được, rảnh rỗi lúc nào làm lúc ấy.

Do thanh niên đi làm công ty hết nên chỉ thuê được các bà cưng cứng tuổi, lương theo sản phẩm, mỗi người thừa sức dệt 25-30 chiếc 1 ngày nhưng họ cứ làm túc tắc, mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu/người.

Mỗi tháng nhà ông Thế xuất bán khoảng 2.000 chiếc mành tùy theo kích cỡ và chất lượng nan, giá từ 40 nghìn đến 80 nghìn đồng,  trừ chi phí còn lãi khoảng 15 nghìn đồng/chiếc. Từ khi bắt đầu làm đến nay chưa bao giờ bị ế, ngày nào cũng có xe đến làng lấy hàng.

Nhờ đầu tư máy móc, khung dệt, kinh tế gia đình ông Thế trở nên khá giả. Hàng ngày, công việc chính của ông là đến các xóm bản vùng cọ ở các xã lân cận để chọn mua nan.

Nan cũng dễ mua, loại xấu về phải vót lại thì 70 nghìn đồng/1.000 nan; loại đẹp thì 80 đến 90 nghìn đồng. Mành cọ dùng thay chiếu, làm mành che nắng mưa đều có độ bền cao, không mối mọt và là chất liệu thiên nhiên nên rất thoáng mát, sạch sẽ.

Ông Thế nói ở địa phương bây giờ nghề đang “nuôi” nghề. Như nghề dệt mành tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ làm nan cọ. Đấy, mành cọ thì bán tại nhà nhưng nan cọ thì phải mất công đi mua đấy, họ làm ra đến đâu hết ngay đến đấy nên không chịu chở cho khách.

Nhiều hộ thu nhập tốt từ cây cọ, chỉ tính bán xương cọ và nan cọ, mỗi cây to một năm cũng được trên 200 nghìn đồng. Bây giờ không còn ai tự tay chẻ nan nữa, đã có máy móc “làm hộ” hết rồi nên công việc cũng không còn vất.

Người dân sống được nhờ đồi cọ nên sẽ giữ cọ chứ không phá bỏ để trồng keo hay các loại cây khác. Cọ là cây rừng bản địa, có sức sống mãnh liệt lắm, cứ chặt cây già là mọc cây non. Chắc chắn Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa sẽ giữ được cảnh quan tươi đẹp “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” như những năm xưa. Khách du lịch mỗi khi trở lại chiến khu vẫn sẽ được nếm món canh nõn cọ, xôi cọ dưới những hiên nhà được lá cọ xòe ô che nắng.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm