| Hotline: 0983.970.780

Mở 11 điểm bán hàng, đưa thịt heo thảo dược đến tay người tiêu dùng

Thứ Sáu 16/08/2024 , 11:34 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Tâm Sen mở rộng thêm 11 điểm bán hàng để đưa sản phẩm heo thảo dược đến tay khách hàng.

Trang trại nuôi heo bằng thảo dược của Hợp tác xã Tâm Sen. Ảnh: TP.

Trang trại nuôi heo bằng thảo dược của Hợp tác xã Tâm Sen. Ảnh: TP.

Nhiều năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Tâm Sen (Hợp tác xã Tâm Sen), có trụ sở tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, đã đưa quy trình nuôi heo bằng thảo dược vào sản xuất và được đánh giá thành công khi người tiêu dùng biết đến sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hoài Sen, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Sen cho hay: “Chung tôi mong muốn đưa các sản phẩm từ heo sạch đến với người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu heo thảo dược với sự tin tưởng của người tiêu dùng cho sản phẩm mà chúng tôi làm ra”.

Theo chị Hoài Sen, quy trình chế biến thức ăn thảo dược cho heo được ứng dụng theo công nghệ ủ lên men vi sinh. Những cây dược liệu được lựa chọn để chế biến tươi hoặc phơi khô như cây lá hoàn ngọc, riềng, sả, đinh lăng…

Dinh dưỡng chủ lực bao gồm các loại cá biển, cá nước ngọt tươi được mua về và làm sạch cho vào thùng lớn vàd sử dụng chuối chín để lên men. Sau đó, các nguyên liệu này được phối trộn với tỷ lệ thích hợp để đưa vào máy xay làm thức ăn viên nén thảo được cho heo.

Thời gian đầu, heo nuôi theo phương pháp dùng thảo dược cũng gặp nhiều gian nan khi heo chậm lớn, chi phí đầu vào tăng cao. Nhưng sau đó, thức ăn thảo dược cùng với dinh dưỡng cá tươi ủ lên men đã phù hợp và đàn lợn phát triển tốt.

“Heo nuôi theo hướng sử dụng thức ăn thảo dược sẽ kéo dài thời gian nuôi hơn một tháng so với chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Vì vậy, giá thành bán ra sẽ cao hơn”, chị Hoài Sen cho hay.

Chế biến thức ăn viên nén thảo dược tại trang trại chăn nuôi heo. Ảnh: TP.

Chế biến thức ăn viên nén thảo dược tại trang trại chăn nuôi heo. Ảnh: TP.

Hiện, trong khu trang trại nuôi heo của Hợp tác xã Tâm Sen luôn có khoảng 400 con. Trung bình, mỗi năm, trang trại xuất bán trên 850 con heo thương phẩm cho thương lái. Ngoài ra, cơ sở còn mổ thịt khoảng 360 con để bán thịt tươi và một số sản phẩm chế biến như xúc xích, nem chua…cho người tiêu dùng.

Đến nay, Hợp tác xã Tâm Sen đã xây dựng được 11 điểm bán hàng là các sản phẩm từ heo thảo dược. Sản phẩm thịt, xương heo thảo dược được đóng bao bì, có nhãn mác và hút chân không bảo quản. Mỗi ngày, cơ sở mổ một hoặc 2 con tùy theo nhu cầu các điểm bán hàng. Sau khi sơ chế, sản phẩm heo thảo dược được chuyển đến các điểm bán hàng từ sáng sớm để phục vụ khách hàng.

“Chúng tôi sản xuất và đảm bảo sản phẩm sạch, không chất bảo quản, không chất tạo nạc đến tận tay người tiêu dùng”, chị Hoài Sen cho hay.

Ngoài những điểm bán hàng tại huyện Bố Trạch, Hợp tác xã Tâm Sen mở thêm điểm bán hàng tại thành phố Đồng Hới với những sản phẩm của heo thảo dược.

Tại điểm bán hàng Luyến Huệ Food (phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới), phục vụ các loại thực phẩm tươi sống, rau quả… cho cư dân vùng phía bắc thành phố. Chị Lữ Thị Thanh Ngân, nhân viên bán hàng cho hay: “Hàng ngày cửa hàng đều nhập các sản phẩm tươi sống của Hợp tác xã Tâm Sen. Các sản phẩm này đều tiêu thụ tốt và khách hàng đánh giá cao về chất lượng”.

Sản phẩm heo thảo dược ở cửa hàng bán lẻ tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: TP.

Sản phẩm heo thảo dược ở cửa hàng bán lẻ tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: TP.

Tại cửa hàng nông sản sạch An Nông (thành phố Đồng Hới), chị Nguyễn Thị Vân là khách mua hàng thường xuyên ở đây. Nói về sản phẩm thịt heo thảo dược của Hợp tác xã Tâm Sen, chị Vân cho hay: “Sau mấy lần mua dùng thử đến nay gia đình tôi đã luôn sử dụng thịt, xương heo thảo dược trong bữa ăn hàng ngày. Chất lượng thịt ngon và rất yên tâm về sản phẩm sạch”.

Thành công ban đầu với mô hình nuôi heo thảo dược, Hợp tác xã Tâm sen có lãi hàng năm khoảng 600 triệu đồng. Định hướng sắp tới, Hợp tác xã tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng đàn nuôi và sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường và tiết kiệm được chi phí trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó là việc mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. “Đối với thị trường, hiện chúng tôi đã đưa sản phẩm heo thảo dược vào địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tăng đầu mối tiêu thụ trực tiếp đến khách hàng và chúng tôi sẽ tăng tổng đàn để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, chị Hoài Sen nói thêm.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài 1] Làm việc đêm ngày vẫn không đủ sống

BÌNH ĐỊNH Công việc bề bề, nhưng chế độ nhân viên thú y cấp xã được nhận rất bèo bọt, hầu hết họ phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Thứ trưởng Hoàng Trung và những kỳ vọng với ngành chè

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ tâm huyết với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trăn trở với vấn đề nâng cao giá trị ngành hàng chè.

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.