| Hotline: 0983.970.780

Mô hình liên kết sản xuất cây vụ đông giúp nông dân làm giàu

Thứ Ba 10/12/2019 , 14:37 (GMT+7)

Không chỉ được đầu tư bài bản về giống và kỹ thuật canh tác, các hợp tác xã ở Hải Dương tìm cách liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, tăng doanh thu cho nông dân từ rau màu, biến vụ đông thành vụ chính.

Hiện nay, do thời tiết khô hanh, đất khô, thuận lợi cho quá trình gieo trồng nên toàn tỉnh Hải Dương đã hoàn thành được 80% diện tích cây vụ đông. Đặc biệt, một số diện tích cây trồng sinh trưởng nhanh bắt đầu cho thu hoạch.
Những ruộng bắp cải ở huyện Gia Lộc đang chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến trong vòng 20 ngày tới sẽ có công ty về thu mua. Đại diện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã Lê Lợi cho biết, sau khi liên kết với Công ty Nông sản Hưng Việt, sản phẩm của bà con làm ra không còn sợ tình trạng đầu mùa giá cao giữa mùa giá thấp nữa.
Anh Đặng Văn Đức, thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi cho biết, cách đây 2-3 năm, khi chưa có mô hình liên kết với doanh nghiệp thì đa số nông dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ nên giá trị không cao, chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sau khi hợp tác xã làm việc với doanh nghiệp, mỗi ha rau vụ đông của gia đình anh có thể thu được trên 100 triệu/ha.
Để có được điều này, ngoài vấn đề bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp nông sản, địa phương cũng kết hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cung ứng giống để rau màu. Theo đó, loại giống được người dân trồng trong vụ đông là bắp cải Sakata.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lê Lợi cho biết, mô hình liên kết được triển khai từ 3 năm trước và đem lại hiệu quả cao cho người dân. Hiện nay, hợp tác xã có 1.650 xã viên với diện tích canh tác lên đến gần 400 ha.
Trong số diện tích rau màu vụ đông hiện nay của Hải Dương, đã có một số khu vực cho thu hoạch, như su hào được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá 4.000-5.000 đồng/củ, đem lại tổng thu 8-9 triệu đồng/sào.
Các loại cây trồng chính của vụ đông bao gồm bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, khoai tây...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Hải Dương là địa phương có truyền thống trong trồng cây vụ đông và bà con nông dân có khả năng xoay vòng cây lúa và rau màu vụ đông rất thuần thục. Ông cũng ấn tượng với chất lượng của rau màu vụ đông của bà con.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao đổi với bà con về giá thể và khay trồng cây bắp cải giống. Mỗi khay xốp này được bán với giá 23.000 đồng, có thể sử dụng trong nhiều vụ còn giá thể trồng bắp cải giống hiện đang được nhập từ Hà Lan.
Thứ trưởng Doanh đã trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT ngay tại ruộng về việc nghiên cứu, sản xuất khay và giá thể giống giúp giảm giá thành, phục vụ bà con nông dân trong thời gian tới.
Bà côn nông dân huyện Gia Lộc, Hải Dương đang xuống đồng gieo trồng cây vụ đông. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Dương, kế hoạch gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh là 21.000 ha, trong đó các loại rau chiếm 18.000 ha, đa số là hành, tỏi, cà rốt, khoai tây, su hào, bắp cải và súp lơ.
Ngoài ra, một số người dân ở Hải Dương cũng lựa chọn dưa lưới để canh tác trong thời điểm vụ đông mặc dù đây là cây trồng có thể sản xuất quanh năm.
Các hộ dân ở Kinh Môn, Hải Dương cho biết, dưa lưới thành phẩm được đưa đi các siêu thị và thương lái mua buôn. Yêu cầu chung cho từng quả dưa trước khi xuất bản là phải đạt độ ngọt trên 15.
Hành tỏi cũng là những cây trồng chủ đạo trong vụ đông của Hải Dương, đa số được trồng chuyên canh ở Kinh Môn. Các loại hành củ được xen canh cùng tỏi nhằm nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất.
Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại của nhóm cây trồng này ở Kinh Môn là giống và quá trình chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

 

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.