| Hotline: 0983.970.780

Mô hình mới vùng Đồng Tháp Mười

Thứ Tư 20/10/2010 , 09:59 (GMT+7)

Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) bao gồm các xã phía bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp thuộc các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước là trọng điểm của lũ lụt sông Cửu Long hàng năm gây hại. Để giảm bớt thiệt hại do thiên tai, nhiều năm nay, Tiền Giang đã kiên trì đưa chủ trương “chung sống với lũ” đi vào cuộc sống thông qua những mô hình kinh tế thích hợp.

Trồng dưa hấu luân canh trên chân ruộng (lúa + dưa hấu) theo cách làm của nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Văn Ràng ở ấp 5 B, xã Phú Cường (Cai Lậy) đáp ứng được hai yêu cầu: chung sống với lũ và phá thế độc canh cây lúa mang lại lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao đang đuợc địa phương khuyến khích nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Ràng trình bày cách làm của mình như sau: Gia đình ông có khoảng 4,2 ha đất trồng lúa. Trong vụ đông xuân 2009 – 2010, ông dành 3,4 ha trồng lúa năng suất cao, diện tích còn lại lên mô trồng dưa hấu bán vào dịp Tết Nguyên đán. Đối với cây lúa, ông chọn các giống ngắn ngày, chất lượng cao, hạt dài được ưa chuộng trên thị trường. Để đạt năng suất và sản lượng cao, phẩm chất gạo tốt, ông áp dụng “ba giảm, ba tăng” và các kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh. Nhờ vậy, năng suất lúa thu hoạch đạt 75 tạ/ha; còn dưa hấu, nhờ đất phì nhiêu, mầu mỡ, chế độ chăm sóc phù hợp, ít sâu bệnh nên đạt 20 tấn/ha. Vụ đông xuân 2009 – 2010 ông thu lợi nhuận ròng từ lúa và dưa hấu gần 94 triệu đồng.

Trong vụ hè thu sớm, để khắc phục hậu quả hạn hán và diễn biến thời tiết bất lợi, ông Ràng tăng diện tích cây dưa hấu lên 1,2 ha và giảm diện tích trồng lúa xuống nhằm tiết kiệm nước bơm tưới. Vụ này, tuy năng suất lúa chỉ đạt 50 tạ/ha nhưng bù lại ông trúng đậm dưa hấu với năng suất lên đến 30 tấn/ha, cao gấp 1,5 lần vụ đông xuân. Trong vụ hè thu chính vụ do mưa lũ không thích hợp với cây màu trên ruộng nên ông điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, chỉ trồng 0,4 ha dưa hấu, còn lại trồng lúa năng suất cao. Vụ này, mặc dù thời tiết không thuận lợi cho cây trồng nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, có biện pháp xử lý thích hợp nên ông vẫn thu lãi khá trong khi nhiều nơi nông dân sản xuất không lãi thậm chí mất mùa, thất thu.

Tổng kết qua ba vụ sản xuất trong năm theo mô hình lúa + dưa hấu, ông Nguyễn Văn Ràng thu lợi nhuận ròng gần 240 triệu đồng. Ông cho biết kinh nghiệm đưa đến thành công của mình là có tư duy khoa học trong xây dựng mô hình sản xuất thích hợp trong điều kiện vùng hay thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Trong việc áp dụng mô hình sản xuất mới khác với phương pháp truyền thống trước đây, cần chú trọng phân bố hợp lý thời vụ, tùy theo thực tế mà tăng giảm diện tích từng loại cây trồng đáp ứng được sản lượng đồng thời bán được giá cao nhờ khắc phục tình trạng dội chợ.

Để tiết giảm chi phí đồng thời tăng thêm lợi nhuận đáng kể, theo ông Nguyễn Văn Ràng, cần thiết phải ứng dụng các giải pháp khoa học, như ba giảm ba tăng, IPM trên cây lúa và rau màu, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết mà thôi. Lộ trình đó đã đưa ông Nguyễn Văn Ràng trở thành tỉ phú nông thôn, được khen thưởng nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, có cuộc sống sung túc.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.