| Hotline: 0983.970.780

'Bắt bệnh bốc thuốc' đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Tạo sự khác biệt với mô hình đại học truyền thống

Thứ Ba 15/08/2023 , 10:36 (GMT+7)

TP.HCM Thay vì đào tạo theo phương pháp truyền thống, Đại học Nông lâm TP.HCM đã sớm chuyển sang mô hình đại học khởi nghiệp trong hoạt động đào tạo, sáng tạo và kiến tạo.

Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

Là một trong những trường hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, ngay từ rất sớm, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã thực hiện mô hình “Đại học khởi nghiệp trong hoạt động đào tạo, sáng tạo và kiến tạo”. Trong đó, lấy Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ làm nòng cốt. 

Các sinh viên Khoa Nông học (Đại học Nông lâm TP.HCM) tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Ảnh: Trần Trung.

Các sinh viên Khoa Nông học (Đại học Nông lâm TP.HCM) tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo TS Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, đại học khởi nghiệp là nơi các sinh viên học tập lý thuyết và thực hành khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập và tổ chức phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ ra đời năm 2010, hoạt động với mục đích tuyển chọn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển và thương mại hoá tất cả các sản phẩm nghiên cứu khoa học, ươm tạo các doanh nghiệp. Đồng thời, Trung tâm hướng tới xây dựng cộng đồng năng động. Cộng đồng này bao gồm các sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên trong nhiều lĩnh vực. Trung tâm cũng thiết lập mạng lưới hiệu quả để kết nối sinh viên, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bài liên quan

Chúng tôi đã có dịp tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp” lần thứ V do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông lâm TP.HCM) vừa tổ chức. Có thể thấy được đây là sân chơi bổ ích cho sinh viên trải nghiệm và cơ hội để các doanh nghiệp tuyển chọn những hạt giống nhân lực.

Với chủ đề "Sáng tạo đột phá cho nông nghiệp thông minh", cuộc thi thu hút hơn 100 dự án. Tham gia cuộc thi, sinh viên đã mang đến nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, có tiềm năng thương mại hoá.

Một trong những dự án có thể kể đến là sản phẩm trà rau sam của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Vân Anh và Nguyễn Ngọc Yến Nhi (khoa Khoa học sinh học). Trong một lần được chiêu đãi món salad rau sam, các bạn đã tìm hiểu những sản phẩm liên quan đến rau sam tại Việt Nam.

Sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM tự tin trình bày ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM tự tin trình bày ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo nhóm dự án, rau sam có khả năng ức chế những enzym liên quan đến bệnh đái tháo đường rất tốt. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tận dụng rau sam và sử công nghệ sấy thăng hoa để tạo ra sản phẩm trà rau sam. Với sản phẩm này, người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, từ đó hỗ trợ việc ăn uống được đa dạng hơn thay vì quá kiêng khem.

Ngoài ra, nhiều dự án với các sản phẩm khác cũng được đánh giá cao tại cuộc thi như: Hạt mít rang mật ong, Easy Green - Giải pháp xanh cho không gian sống, OCOP Ninh Thuận, SfC (Scent from Chemical Engineering - Hương thơm từ kỹ sư hoá...

Bài liên quan

Cũng tại cuộc thi, 45 doanh nghiệp đã mang đến gần 4.500 vị trí tuyển dụng ở trình độ đại học, cao đẳng ở nhiều lĩnh vực ngành nghề như chăn nuôi thú y, thủy sản, nông học, cơ khí, tiếng Anh, kinh tế, công nghệ thực phẩm, quản lý đất đai và bất động sản, công nghệ thông tin, lâm nghiệp… Các công việc cụ thể được tuyển dụng như bác sĩ thú y, kế toán, kỹ sư, marketing, thông dịch viên, chuyên viên, tư vấn viên…

Theo TS Đỗ Xuân Hồng, sinh viên tham gia cuộc thi năm nay không chỉ nắm chắc về kiến thức chuyên môn mà còn đưa ra được sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó, sinh viên theo học tại trường đã kết nối nhiều khoa khác nhau để tạo ra đội ngũ sáng lập. Hơn nữa, sinh viên tự thẩm thấu về mô hình kinh doanh, biết đưa ra những khó khăn, những phân tích về thị trường, tự tin trình bày dự án trước ban giám khảo. 

Sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM tự tin giới thiệu các sản phẩm do mình nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM tự tin giới thiệu các sản phẩm do mình nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Sau 5 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút được 307 dự án, với gần 1.200 lượt sinh viên tham gia tranh tài. Các dự án đều thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, đặc biệt là của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thông qua cuộc thi, sinh viên không chỉ được tập huấn về kiến thức kinh doanh mà còn được trang bị kiến thức công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sinh viên còn được tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp/nhà đầu tư để có thêm kinh nghiệm gọi vốn nhằm hiện thực hóa dự án kinh doanh của mình...

"Công xưởng" tạo ra phát minh, sáng chế

TS Đỗ Xuân Hồng cho rằng, ở Việt Nam, câu chuyện xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp có thể tiếp cận từ mô hình đại học thế hệ thứ ba. Các mô hình ở thế hệ thứ ba sẽ giúp các trường đại học thực hiện sứ mệnh trực tiếp tạo ra tác động cho xã hội thông qua đổi mới sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. Để thực hiện tốt “sứ mệnh thứ ba”, các trường đại học cần phải xây dựng được mô hình hoạt động với chuỗi các hoạt động mang tính hệ thống, có khả năng dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu hướng tới thương mại hóa.

Các doanh nghiệp tìm đến cuộc thi 'Khởi nghiệp nông nghiệp' để tìm kiếm nguồn nhân lực. Ảnh: Trần Trung.

Các doanh nghiệp tìm đến cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp” để tìm kiếm nguồn nhân lực. Ảnh: Trần Trung.

Để xây dựng được mô hình đại học khởi nghiệp, các trường đại học cần xác định rõ các nguyên lý nền tảng để tạo ra sự khác biệt so với mô hình đại học truyền thống. Đặc trưng mang tính nền tảng của mô hình đại học khởi nghiệp là trình độ nghiên cứu tốt của các khoa chuyên môn, phòng thí nghiệm và các viện, trung tâm nghiên cứu.

Đây là các "công xưởng" chính tạo ra các phát minh, sáng chế, giải pháp công nghệ, cũng như các mô hình, ý tưởng kinh doanh dựa vào các sản phẩm khoa học công nghệ. Việc thương mại hóa các phát minh, sáng chế sẽ được hỗ trợ, xúc tiến bởi các văn phòng chuyển giao công nghệ hoặc các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ.

Sinh viên Đại học Nông lâm TP. HCM trong giờ lên lớp với trải nghiệm kiến thức thực tế. Ảnh: Trần Trung.

Sinh viên Đại học Nông lâm TP. HCM trong giờ lên lớp với trải nghiệm kiến thức thực tế. Ảnh: Trần Trung.

Thông qua các hoạt động của các đơn vị chức năng này, kết quả nghiên cứu có thể được thương mại hóa trực tiếp (thông qua hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ), hoặc gián tiếp (thông qua việc hình thành các doanh nghiệp spin-offs hoặc startups).

Trong quá trình hoạt động của mình, các trường đại học khởi nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và tài trợ từ khối doanh nghiệp (bao gồm những doanh nghiệp sản xuất, thương mại, quỹ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ tư nhân) để hoàn thành sứ mệnh thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Đồng thời nhận được những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước.

Sinh viên phấn khởi khoe thành quả nghiên cứu, sáng tạo ra móc khóa sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung

Sinh viên phấn khởi khoe thành quả nghiên cứu, sáng tạo ra móc khóa sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung

“Hiện nay, việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết giữa doanh nghiệp - nhà trường - cơ quan quản lý là tất yếu và cấp bách để doanh nghiệp/trường/viện phát triển nhanh và bền vững. Chỉ khi chúng ta có được sự kết nối, sự tương tác tốt mối quan hệ này thì nền nông nghiệp Việt Nam mới được cải thiện và vươn tầm thế giới", TS Đỗ Xuân Hồng nhấn mạnh.

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP.HCM, hiện nay, Trường đang triển khai đào tạo 35 ngành/61 chuyên ngành trình độ đại học, 16 ngành trình độ thạc sĩ và 12 ngành trình độ tiến sĩ. Các hình thức đào tạo tại trường bao gồm rất đa dạng như đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, liên kết nước ngoài. Đặc biệt, trường có 2 chương trình tiên tiến, 5 chương trình chất lượng cao. Trong đó, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong sinh viên là một trong những trọng tâm trong thời gian tới của Trường.

TS Đỗ Xuân Hồng cảm ơn đại diện các doanh nghiệp đồng hành cùng Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

TS Đỗ Xuân Hồng cảm ơn đại diện các doanh nghiệp đồng hành cùng Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

“Với sứ mệnh xây dựng một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, với cốt lõi là các ngành thuộc khối nông lâm nghiệp, kinh tế, quản trị và khoa học công nghệ, Trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tốt nhất, đáp ứng cao nhất yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Với các giá trị cốt lõi: Nhân văn - nhân bản - phục vụ - đổi mới - hội nhập, thời gian tới, Đại học Nông lâm TP.HCM sẽ đổi mới hệ thống quản lý - quản trị, nhân sự, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, phát huy mọi tài năng và các nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại, đáp ứng công cuộc đào tạo, nghiên cứu khoa học; hướng tới xây dựng, phát triển thành một trường đại học có chất lượng về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, sánh vai với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới”, TS Trần Đình Lý cho biết.

Nhân văn - nhân bản - phục vụ - đổi mới - hội nhập là giá trị cốt lõi của Đại học Nông lâm TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Trần Trung.

Nhân văn - nhân bản - phục vụ - đổi mới - hội nhập là giá trị cốt lõi của Đại học Nông lâm TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Trần Trung.

"Đại học Nông lâm TP.HCM là một trong những cơ sở đào tạo đã tiếp cận chương trình mới, mô hình mới từ rất sớm, là nơi khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp. Ở góc độ Thành phố, chúng tôi rất khuyến khích và sẽ có sự tập trung để đồng hành hỗ trợ, chăm chút cho hoạt động khởi nghiệp", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.