| Hotline: 0983.970.780

Một cuộc thi nhiều khởi sắc, dấu ấn sâu đậm

Thứ Năm 26/11/2020 , 16:11 (GMT+7)

Các tác phẩm có nhiều khởi sắc và để lại dấu ấn sâu đậm, chạm đến những triết lý sâu sắc, nhân bản; chạm vào tâm hồn, lan tỏa những nhận thức và trách nhiệm.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên phải) cùng nhà tài trợ trao giải ba cho các tác giả Cuộc thi viết Rừng là cuộc sống của tôi. Ảnh: Thanh Tùng.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên phải) cùng nhà tài trợ trao giải ba cho các tác giả Cuộc thi viết Rừng là cuộc sống của tôi. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong lễ phát động cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” năm 2020 do Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng ban Tổ chức có dẫn một câu thơ Pháp khiến tất cả òa lên trầm trồ:

Hồn tổ quốc ngụ trong rừng sâu thẳm

Rừng điêu tàn tổ quốc điêu linh

Thì ra, nhân loại nhận thức về rừng không mấy khác nhau, dù mức độ văn minh và nền tảng văn hóa có khác. Ở các tộc người miền núi Tây Bắc hay Tây Nguyên, đồng bào có tục cúng Thần rừng. Cúng vào các mùa lễ hội, cúng vào dịp xin ngả cây làm nhà hay phát nương làm rẫy. Với dân tộc E Đê, rừng nuôi bến nước, bến nước nuôi dưỡng con người, do đó mà Rừng và Bến nước là vật thể tâm linh.

Có lẽ những người làm cuộc thi đã khơi trúng mạch ngầm cảm xúc của những người cầm bút. Đây là nhận thức của một người còn rất trẻ, quê ở đồng bằng, mới lên huyện Tuần Giáo (Điện Biên) công tác chưa lâu:

Con trưởng thành và theo bước chân cha

Rừng tóc mẹ ngả thêm nhiều sợi bạc

Đời cỏ mọc nằm

Đời cây mọc thẳng

Xanh vào nhau trong vết sẹo đời người

(Phan Đức Lộc, Đời rừng)

Người Quảng Ngãi nhưng sống mãi ở Tây Nguyên, nhuyễn lối cảm cách nghĩ của đồng bào Ê Đê nên thơ Bùi Minh Vũ mộc mạc, như lời nói thường mà thật chứa đựng:

Cha dạy con

Không mang lửa vào rừng

Rừng sáng lửa nhà dài tăm tối

Rừng sáng lửa hạn hán kéo dài

Cha dạy con

Rừng là nguồn sống

Là tài sản tổ tiên ông bà

Nơi con thú trú ngụ

Nơi thần linh tìm về

Nơi con gặp cha mùa ăn năm uống tháng

(Cha dạy con)

Rừng mênh mông đại ngàn, nhưng trở nên gần gặn thân thiết với tình người. Là bởi vì rừng như mẹ thiên nhiên vỗ về âu yếm được cả phần tinh tế nhất của hồn ta:

Tôi muốn trở về đại ngàn xanh mướt

Tìm non tươi trong nỗi héo lắt lay

Tôi muốn trở về miền sương gió

Cho vơi đi lá rụng rừng gầy

Đứng ở mãi xa, rừng vẫn nuôi ta bằng ngập tràn năng lượng:

Vẫn còn nguyên vẹn cánh rừng

Ba Vì – ba ngọn trập trùng núi non

Nơi đây cất giữ hoàng hôn

Mặt trời tỏa sáng vàng ươm núi đồi

Đọc bài Xin được hóa thân (Đào Thị Mai), chúng ta chợt gai nhói người khi nhà thơ cảm nhận nỗi đau của cây khi bị cưa xẻ:

Cho tôi xin được hóa thành cây

Thử nếm trải đau thương mùi xẻ gỗ

Vết răng cưa – bước chân không bến đỗ

Gốc cây già trơ chỏng giữa trần gian

Phần truyện ngắn rất khá, nền cao, đều. Có một đặc điểm nổi bật là các truyện ngắn hay đều có yếu tố tâm linh.

Xin chỉ đọc tên các truyện: Thần rừng (Nguyễn Đức Sơn) Dối giời, dối thần, dối người (Đoàn Hữu Nam) Linh hồn gấu (Phạm Xuân Hiếu)…

Truyện Chăn voi (Trần Nguyên Mỹ) không nói đến thần linh, chỉ là kể lại quá trình rã đám của một gánh xiếc thú, người nghệ sĩ già và con voi cũng già; ông ta quyết định hiến con voi cho rừng đặc dụng Ngam Chạng và mình trở thành kẻ chăn voi ở đấy. Như một cách sám hối về gần chót cuộc đời người voi tha lôi nhau ra khỏi rừng, sống đời trái tự nhiên, gặp lắm khổ đau nhục nhằn. Chuyện chỉ thế, nhưng khiến ta giật mình cảm ra cái hồn cốt của người và vật đều gắn với rừng, đều nhờ rừng.

“Cánh rừng có nhiều hoa cúc dại (Thái Sinh) kể chuyện đời thường của các cô gái lâm nghiệp, chuyện tình yêu của họ, cả yêu lẫn bị cưỡng yêu rồi sinh con.Họ sống khổ, buồn, hiu quạnh nhưng cánh rừng họ bảo vệ hơn 6 năm không bị cháy, nguyên sinh.Tuổi xuân như vạt rừng hoa cúc dại, nở miên man và đẹp một cách “lãng phí”. Tác giả viết: “Chị chắp tay bảo tôi: Tôi xin anh đừng kể chuyện này với bất cứ ai… Giống như chị, gần hai chục năm nay tôi như người bị ma ám, chỉ khi kể được chuyện này ra lòng tôi mới cảm thấy nhẹ nhẹ nhàng”; vâng, truyện hay như một khúc tưởng niệm để cái đẹp miên man của hoa cúc dại ở cánh rừng năm xưa…

Nhà văn Hồ Thủy Giang có truyện Vòng quay hoàn hảo kể chuyện người cán bộ kiểm lâm bị gã lâm tặc và con đàn bà đẹp lung lạc mà bị sa thải khỏi ngành. Thất thểu trở về phòng, Quyết nghe hai đứa hú hý với nhau, đã kiếm dao định trả thù. Sau cả hai gặp lại trong vị thế khác, Quyết thành chủ rừng, gã lâm tặc xưa giờ sau 7 năm cải tạo giờ thành chủ xưởng chế biến gỗ rừng trồng. Tại sao trong tủ kính bầy đồ truyền thống của công ty gã lại có con dao của Quyết năm xưa? Và vì sao truyện lại có tên như thế đó chính là thủ pháp nghệ thuật tài tình.

Truyện Cây bằng lăng đẫm máu của nhà văn Nguyễn Trí ly kỳ hấp dẫn về những kẻ to gan, âm mưu xẻ thịt cây rừng. Tội ác của chúng có thể che được mắt tham quan, bản lĩnh của chúng có thể tung hoành trong giang hồ,  nhưng với rừng với thần rừng thì không. Bởi “Con người có thể trồng cả ngàn hecta cao su nhưng không thể trồng được một hecta rừng nguyên sinh. Chỉ thiên nhiên làm được điều này và phải qua cả ngàn năm mới được vậy”. Chính cái linh khí tụ lại hàng ngàn năm ấy trở thành mãnh lực là cái bọng nu cây bằng lăng bị chúng bắc tới bốn tầng dàn giáo xẻ bọng rơi xuống, chèn chúng tả tơi tua tướp; như giời đánh thánh vật. Là một thứ nghiệp quật nhãn tiền. Thiên truyện kết thúc: “Riêng Vị cho rằng ở rừng có thần. Thần rừng sẽ không dung cho bất kỳ kẻ nào phá hoại. Minh Tàn cũng nghĩ vậy và vì nghĩ vậy nên hắn ta vất cưa vất búa vất rựa và bảo rằng:- Tao bỏ nghiệp.”

Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” những năm trước chỉ gồm có ký sự, phóng sự điều tra và những phát hiện quý hiếm về các tấm gương quyết tử cho rừng quyết sinh, những cuộc sống khổ cực heo hút của kiểm lâm viên làm xúc động người đọc. Năm nay, cuộc thi mở rộng ra cả thơ và truyện ngắn. Có lẽ vì vậy mà bút ký phóng sự như bị các tác giả ít để tâm hơn?

Tuy vậy vẫn có những bút ký xúc động lòng người. Người ở lại rừng của Nguyễn Minh Phúc phát hiện được một người thật việc thật độc đáo. Ông được giao giữ khu rừng ngập mặn U Minh Thượng, chỉ với quy chế “Bắt trộm một con cá đền ba con, chặt một cây trồng đền bẩy cây” và thực hiện một cách nghiêm khắc, không du di cho bất cứ ai mà rừng trở nên giàu có. Ngẫm ra, đó chính là luật tục cổ sơ xưa nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; nó cho thấy một triết lý, chỉ cần học người xưa cách giữ rừng thì có rừng còn rừng…

Câu hỏi tu từ “bao giờ cho đến ngày xưa” có câu trả lời ở bút ký Cánh rừng cụ Cử của Nguyễn Trần Bé và Mật ngọt từ rừng Mã Yên Sơn của Công Thế. Cái trên nói về khu rừng qua nhiều đời trở nên rậm rạp nhiều tán, ở đó sinh ra các cây thuốc Nam chữa rắn cắn, chữa bách bệnh. Cái sau nói về những người giữ rừng Mã Yên Sơn, do giữ được rừng ong khoái mới có nơi chốn làm tổ và mỗi mùa lại cho người mật ngọt.

Đinh Hạ có bút ký Chị gái tôi kể về người chị gái có số phận rủi ro, may là chị đến với rừng và rừng giúp chị làm lại cuộc đời, người trồng sâm Ngọc Linh, rừng tạo môi trường dưỡng sâm Ngọc Linh, người rừng nương nhau mà sống. Nguyễn Hữu Hồng Sơn có bút ký Nữ tiến sĩ nghiên cứu băng xanh cản lửa bảo vệ rừng cho thấy biện pháp giữ rừng bằng kiến thức, trí tuệ; nó, cùng với ý thức toàn dân, pháp luật và lực lượng kiểm lâm tạo nên thế trận giữ rừng…

Mấy năm nay tôi đều có chân trong ban giám khảo cuộc thi. Tôi nhận thấy năm nay có nhiều khởi sắc và để lại dấu ấn sâu đậm. Nếu như các năm trước, chuyện hay từ người thật việc thật khiến ta xúc động, cảm phục thì năm nay chuyện hư cấu của các tác giả đã chạm đến những triết lý sâu sắc, nhân bản; chạm vào tâm hồn, lay động và lan tỏa những nhận thức và trách nhiệm trong ta. Thơ với đặc trưng thể loại, khiến cây rừng gần gũi với người, là người với tất cả số phận, hơi thở và sự sinh tồn của nó liên quan hữu cơ đến sự an nguy tồn vong của con người.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Lương HLV Kim Sang-sik nhận được ở Việt Nam bao nhiêu?

HLV Kim Sang-sik không nhận mức lương quá cao như nhiều tin đồn khi dẫn dắt đội U23 và tuyển Việt Nam trong bản hợp đồng kéo dài 2 năm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.