| Hotline: 0983.970.780

Một tấm gương mờ

Thứ Hai 06/07/2015 , 09:17 (GMT+7)

Đứng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo của huyện Gia Lâm, nhưng trong nhiều năm ông Lý Duy Thanh cố tình làm ngơ để cho em trai và con dâu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Từ đó biến hơn 36.000 m2 đất vườn, ao trở thành biệt thự, nhà hàng, ki ốt cho thuê...

Làm giàu nhờ thế lực

Từ lâu xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã được người dân miền Bắc biết đến như một “thủ phủ” của các mặt hàng quần áo, vải vóc...

Điều kiện kinh doanh buôn bán thuận lợi nên tuy chỉ là vùng ngoại thành nhưng mỗi m2 đất ở tại đây có giá từ 70-80 triệu đồng. Nhận thức rõ giá trị của đất nên ông Lý Duy Thành, em trai ruột của ông Lý Duy Thanh – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm đã đứng ra nhận đấu thầu 36.000 m2 đất nông nghiệp ngay sát trụ sở UBND xã Ninh Hiệp “theo dự án mô hình kinh tế nông nghiệp VAC”.

Tuy nhiên, ngay sau khi được giao đất ông Thành đã tổ chức xây dựng bể bơi, nhà sàn, trung tâm thể thao, nhà hàng, ki ốt... biến toàn bộ 36.000 m2 đất nông nghiệp trở thành đất dịch vụ để kinh doanh.

Công khai biến đất nông nghiệp trở thành đất dịch vụ, ông Lý Duy Thành mặc nhiên trở thành “đại gia” giàu có nhất nhì xã Ninh Hiệp, chỉ việc ăn trắng mặc trơn mà không hề phải đổ một giọt mồ hôi mà tiền thì cứ ùn ùn chảy về túi.

Hiện ông Thành là chủ của 18 ki ốt, một sân bóng, một khu dịch vụ thể thao, một chuỗi nhà hàng sinh thái nghỉ dưỡng... tất cả “quy hoạch” gọn trong một khu mà gia đình ông thường gọi bằng cái tên trìu mến: “Khu sinh thái Cánh Buồm Xanh”.

Tất nhiên, chuyện ông Thành bỗng dưng trở nên giàu có, nghễu nghện đứng trên một khối tài sản khổng lồ là không phải dễ, bởi không phải người dân Ninh Hiệp nào cũng có thể xây dựng nhà hàng, ki ốt trái phép trên đất nông nghiệp. Mà lại là xây dựng trái phép ngay trước cổng UBND xã thì phải hiểu... ông Lý Duy Thành là em trai của ông Lý Duy Thanh – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy.

Tiếng “lành” đồn xa, người dân Ninh Hiệp hàng ngày ra ngắm cơ sở “in tiền” của ông Lý Duy Thành thì lại thấy em gái Lý Thị Thủy và con dâu ông Thanh ngày ngày có mặt ở đây cùng đóng góp công sức gây dựng để “Khu sinh thái Cánh Buồm Xanh” của gia đình ngày càng phát triển.

Em sếp ăn ốc, cán bộ đổ vỏ

Bức xúc trước việc cán bộ lãnh đạo cao cấp của huyện “đứng bóng” che cho em trai vi phạm các quy định quản lý nhà nước về đất đai để trục lợi, nhân dân Ninh Hiệp đã lên tiếng phản đối và khiếu kiện đến các cơ quan chức năng và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã phải vào cuộc, khẳng định ông Lý Duy Thành với trách nhiệm là người trúng thầu dự án đã thực hiện không nghiêm túc Quyết định số 2186/QĐ-UB ngày 24/12/3003 và Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 4/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm.

16-22-58_thuy-dinh
Nhà hàng nổi bên trong "Khu du lịch sinh thái Cánh Buồm Xanh"

Theo đó, gia đình ông Thành đã cho xây dựng: nhiều công trình không có trong phương án và chưa được UBND huyện phê duyệt như: Dựng tượng bố, xây 3 nhà sàn (trong đó có 1 nhà ông Lý Duy Xuân dùng để ở), 1 nhà lục giác, 4 nhà chòi, 1 nhà gỗ tre, 1 nhà luyện thể thao, 1 nhà cấp 4, tự ý cho thuê trạm thu phát sóng thông tin di động BTS thu gần 100 triệu đồng/năm, nhà kho, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà điều hành, nhà nghỉ tạm cho người lao động không đúng diện tích được phê duyệt; nhà giới thiệu sản phẩm xây dựng thành 18 ki ốt cho thuê, nhà điều hành sử dụng làm nhà tập thể hình.

Ngoài ra, ông Thành còn để Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh do mình là thành viên sáng lập kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu Cánh Buồm là sử dụng không đúng mục đích, chưa đúng mục tiêu phương án, vi phạm khoản 7.3, Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 4/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm.

Kết luận của UBKT Thành ủy cũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỉ luật đối với hàng loạt cán bộ đã làm ngơ để em trai ông Thanh xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp gồm: Phó CT xã Ninh Hiệp, cán bộ TTXD xã Ninh Hiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường và các tập thể, cá nhân có liên quan các phòng: Kinh tế, Tài nguyên Môi trường, Quản lý đô thị, Thanh tra XD. Đồng thời yêu cầu đánh giá lại hiệu quả thực hiện HĐ thuê đất số 85A/HĐ ngày 10/5/2010 giữa UB xã Ninh Hiệp với ông Lý Duy Thành, chỉ đạo xử lý nghiêm các công trình vi phạm TTXD theo quy định của pháp luật.

Thiếu triệt để

Mặc dù sai phạm là của gia đình, thân nhân đồng chí Trưởng BTC Huyện ủy và UBKT Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu xử lý kỉ luật nhiều cán bộ liên quan nhưng không hiểu vì sao riêng đối với ông Lý Duy Thanh thì kết luận của đoàn kiểm tra lại có phần ưu ái cho rằng chưa đủ cơ sở để nói ông Thanh “thâu tóm” khu đất Cánh Buồm rộng 3,6 ha tại xã Ninh Hiệp và cũng chưa đủ cơ sở nói ông Thanh xây dựng nhà sàn để ở, xây dựng nhà tập đa năng, xây dựng 18 ki ốt, dựng tượng bố trong khu sinh thái...

Theo UBKT Thành ủy Hà Nội, tất cả sai phạm nêu trên thuộc về trách nhiệm của em ông Thanh là ông Lý Duy Thành. Còn ông Thanh chỉ có thiếu sót: “Chưa tuyên truyền gia đình và nhân dân thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Kết luận của UBKT Thành ủy Hà Nội không được dư luận đồng tình.

Tiếp xúc PV, người dân cho rằng, với tư cách là một lãnh đạo cao cấp của huyện Gia Lâm, khi phát hiện sai phạm của bất kì người dân nào trên địa bàn mình quản lý ông Thanh phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp này ông Thanh biết rõ em trai vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý nhà nước về sử dụng đất trên địa bàn mình quản lý mà vẫn cố tình làm ngơ là đã dung túng, bao che cho thân nhân vi phạm pháp luật để trục lợi.

Hành vi dung túng của ông Thanh vi phạm Quy định 47 của Ban Chấp hành TƯ về những điều đảng viên không được làm: “Có hành vi dưới mọi hình thức: gọi điện, nhắn tin, giới thiệu gặp gỡ trao đổi, nhờ người thân quen trực tiếp trao đổi và những hình thức khác hoặc biết nhưng không có biện pháp ngăn chặn để bố, mẹ, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để can thiệp, tác động, đề nghị hoặc gây áp lực để được giải quyết nhằm trục lợi”.

Vì vậy nếu chỉ xác định ông Thanh có thiếu sót vì chưa tuyên truyền cho gia đình là không đúng mà phải nêu rõ lỗi của ông Thanh là biết thân nhân của mình sai phạm nhưng không có biện pháp ngăn chặn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.