Năm 2021, mực, bạch tuộc là một trong những nhóm hàng thủy sản có sự tăng trưởng ổn định. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong năm qua, dù từng có những tháng tăng trưởng âm do dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu mực và bạch tuộc cả năm vẫn đạt 608 triệu USD, tăng 8,5% so với năm 2020.
Phát huy đà tăng trưởng trong năm ngoái, quý 1 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc đã có sự tăng trưởng rất ấn tượng khi đạt trên 156 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu mực tăng 40%, bạch tuộc tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Mực chiếm 54,6% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý 1, còn bạch tuộc chiếm 45,4%.
Điều đáng chú ý là trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có sự tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng tới 99%. Ở một số thị trường, xuất khẩu mực hoặc bạch tuộc chế biến tăng tới 3 con số như mực chế biến xuất sang Hàn Quốc tăng 123%, bạch tuộc chế biến xuất sang Nhật Bản tăng 151% ... Một số sản phấm khác cũng tăng trưởng mạnh như mực khô/nướng và mực sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 33% và 38%.
Bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc vẫn ổn định ở các thị trường hàng đầu là yếu tố quan trọng giúp cho xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam đang tăng trưởng tốt.
Năm 2021, 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc - Hồng Kông, Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan, Australia và Hà Lan. Những thị trường này chiếm tới 97% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc.
Quý 1 năm nay, gần như toàn bộ những thị trường nói trên vẫn nằm trong Top 10 những thị trường nhập khẩu lớn nhất. Và 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong quý 1 chiếm tới 98,4% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam. Một số thị trường chính có mức tăng trưởng rất cao như Trung Quốc - Hồng Kông tăng 143%, Nhật Bản tăng 50%, EU tăng 47%.
Mặc dù đang có xu hướng tăng nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là tăng nhập từ Việt Nam, nhưng Hàn Quốc vẫn giữ vững vị thế là thị trường lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam. Nếu như trong năm 2021, Hàn Quốc chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc, thì trong quý 1 năm nay, tỷ trọng này là 35%.
Nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc ở các thị trường quan trọng không chỉ tăng mạnh trong những tháng đầu năm mà vẫn đang có xu hướng tích cực trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, ngoài thị trường số 1 là Hàn Quốc, mực, bạch tuộc Việt Nam đang có xu hướng thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường khác. Bằng chứng là trong quý 1 vừa qua, dù xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng 16% so với cùng kỳ, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này vẫn giảm từ mức 41% trong năm 2021 xuống 35% trong quý đầu tiên của năm nay, chứng tỏ rằng, mực, bạch tuộc Việt Nam đã tăng đáng kể giá trị xuất khẩu sang các thị trường khác.
Việc mức tăng trưởng của thị trường Hàn Quốc chưa bằng một nửa mức tăng trưởng chung của xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng cho thấy rõ điều này.
Với những triển vọng từ thị trường, VASEP nhận định rằng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý 2 dự kiến vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, nhất là tình trạng thiếu mực, bạch tuộc nguyên liệu khi hoạt động khai thác của ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao.