| Hotline: 0983.970.780

Mỹ từ chối cành ô-liu của Trung Quốc?

Thứ Tư 07/11/2018 , 10:30 (GMT+7)

Bất chấp việc Trung Quốc cam kết mở cửa nền kinh tế, đồng thời sẵn lòng đàm phán với Mỹ, giới quan sát đánh giá triển vọng đối đầu về thương mại giữa đôi bên sẽ vẫn khó giảm nhiệt, ít nhất trong ngắn hạn.

Bắc Kinh chìa cành ô-liu

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mới ở Singapore hôm qua, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Mỹ về thương mại. Tuyên bố của ông Vương được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington liên tục “tung đòn” áp thuế nhằm vào hang hoá nhập khẩu đôi bên thời gian qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã để ngỏ khả năng, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Các dữ liệu thương mại gần đây cho thấy, Trung Quốc đang có dấu hiệu “đuối” dần.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết mở cửa nền kinh tế hôm 5/11 tại Thượng Hải

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại. Phía Trung Quốc đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ các vấn đề đôi bên cùng quan tâm để đi tới một giải pháp hài hoà”-ông Vương Kỳ Sơn cho biết.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho biết, ông Vương được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chính vì vậy, thông điệp của ông Vương mang ý nghĩa đặc biệt, phần nào thể hiện quan điểm của chính quyền Bắc Kinh.

Để chuẩn bị cho bài phát biểu trước 400 nhà lãnh đạo kinh tế thế giới, ông Vương đã tới Singapore từ hôm 5/11, cùng với 50 đại diện quan chức chính phủ, doanh nghiệp Trung Quốc. Tối cùng ngày, ông đã có buổi ăn tiệc với một loạt chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng thế giới như  Phó thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Exxon Mobil Darren Woods, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cả cố vấn cấp cao về kinh tế của Tổng thống Trump, Gary Cohn…Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ 3 của ông Vương Kỳ Sơn, từ khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó thủ tướng hồi tháng 3/2018. Tháng 10 vừa qua, ông Vương đã tới Trung Đông, nơi ông gặp gỡ lãnh đạo các nước Israel, Palestine, Ai Cập, và UAE. Tại Singapore, ông Vương được tỉ phú Michael Bloomberg phát biểu như một người có tầm ảnh hưởng lớn với thế giới.

“Thái độ tiêu cực và giận dữ không phải là cách giải quyết những vấn đề phát sinh bởi toàn cầu hoá. Rào cản thuế quan và tranh chấp cũng không phải phương cách, chúng chỉ khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn” - ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh.
 

Nói nhưng không làm?

Trước đó một ngày tại Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Ông Tập đồng thời chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đơn phương áp đặt thuế quan.   

Tuy nhiên, AFP cho biết đại diện các tổ chức thương mại Liên minh châu Âu (EU) không thực sự thể hiện phản ứng tích cực. Uỷ ban Thương mại EU thậm chí công khai thể hiện sự nghi ngờ, với lập luận Trung Quốc trước đây không gắn liền lời nói với hành động. Thông báo của Uỷ ban Thương mại EU cho rằng, hầu hết các nội dung ông Tập đề cập đều từng được nhắc tới hồi tháng 4/2018 tại Hội thảo kinh tế ở Hải Nam. Lần này, Trung Quốc cũng chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung, không có khung thời gian cũng như các điểm cụ thể. Phó chủ tịch Phòng thương mại EU tại Trung Quốc, Carlo D’Andrea cho biết, hy vọng của các doanh nghiệp EU “cao hơn nhiều” so với những gì chính phủ Trung Quốc đưa ra.

Bloomberg vì vậy nhận định, động thái “chìa cành ô-liu” của Trung Quốc khó xua tan nỗi lo ngại về sự gia tăng căng thẳng trong đối đầu thương mại giữa Bắc Kinh với Washington. Hồi cuối tuần trước, Bloomberg cho biết trong khi ông Trump đang chỉ đạo cấp dưới vạch ra một thoả thuận với Trung Quốc, thì Bắc Kinh hầu như không có chỉ dấu nào cho thấy sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ Washington. Trong số này có việc dừng hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như yêu cầu chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo Bloomberg, lý do bởi các việc này bị mô tả là sẽ “phá huỷ nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc.

Trong cuộc vận động bầu cử giữa kỳ tại Fort Wayne, bang Indiana hôm 5/11, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng, Mỹ sẽ đạt được thoả thuận với Trung Quốc, nhưng “là một thoả thuận công bằng. Đấy là sự khác biệt. Không có thoả thuận xấu”. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger thì cảnh báo, Mỹ và Trung Quốc nên đặt ra “lằn ranh đỏ” cho cuộc đối đầu hiện nay.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.